Hoài niệm áo chần bông

11/02/2024 07:58 GMT+7 | Văn hoá

Không thể xác định chính xác thời điểm áo chần bông ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng khi khai quật mộ cổ của một quan thái giám thời vua Lê chúa Trịnh từ thế kỉ XVII, người ta đã phát hiện thấy loại áo này.

Qua năm tháng, "dấu vết" lịch sử của áo chần bông tiếp tục được "lưu truyền" qua những áng văn thơ trong nghệ thuật như trong bài thơ "Áo bông che bạn" của nhà thơ Trần Tế Xương, có những câu: "Ai ơi có nhớ ai không/ Trời mưa một mảnh áo bông che đầu/ Nào ai có tiếc ai đâu/ Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô".

Ngoài ra, từ những hình ảnh hiếm hoi chụp lại từ xưa, lại càng thấy áo chần bông không chỉ là một trang phục đã có từ rất lâu đời, là loại áo được mặc vào những ngày giá lạnh mà áo chần bông còn được ưa dùng ở mọi tầng lớp trong xã hội, được mặc từ người già đến trẻ em qua những thiết kế từ kiểu dáng ngắn đến dáng dài.

Cho đến nay, đặc điểm cơ bản nhất của áo chần bông dù đã trải qua nhiều thế kỉ, vẫn không thay đổi, đó chính là kết cấu áo và đường chần. Trong đó, kết cấu luôn đủ ba lớp: lớp lót, lớp giữa, lớp vỏ.

BÀI TẾT - Hoài niệm áo chần bông - Ảnh 1.

Áo chần bông xưa. Ảnh: Tư liệu

Thời xưa, đường may là những sợi chỉ mỏng và đường chần chỉ chạy theo 2 lối ngang và dọc vì mục đích chính là để giữ cho lớp giữa không bị xô lệch, làm mất độ ấm của áo. Nhưng những ô chần trước kia có khoảng cách khá rộng, sau này mới được may nhỏ lại trong khoảng 4x4 ô hay 2x2 ô chần để giữ chắc lớp bông, giúp áo dày dặn, ấm hơn. Còn bây giờ, áo chần bông đã có rất nhiều kiểu chần như chần bông trám, bông cờ, bông hạt gạo.

Nếu tìm hiểu áo chần bông, có lẽ lớp giữa chính là một "kho báu" vô cùng thú vị vì đây là nơi tạo nên sự phồng, xốp như một lớp cách nhiệt cho áo. Theo nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, thời cổ, có thể phỏng đoán người xưa có khi còn cho lá khô, rơm rồi mới đến vải vụn, chỉ vụn vào lớp giữa. Dần dần, các vật liệu mới được "nâng cấp" lên thành vải, bông và đến nay là rất nhiều loại bông khác nhau, từ tự nhiên đến nhân tạo. Trong khi đó, theo tiến trình thời gian và sự phát triển của xã hội, 2 lớp lót và lớp vỏ cũng có những chất liệu đa dạng không kém như vải thường, lụa, nhung, gấm, tafta…

Áo chần bông tuy là một chiếc áo dành cho mùa Đông, chỉ mặc vào những ngày lạnh, nhưng ở thời khó khăn thì cũng phải là nhà có điều kiện mới có áo mặc. Nên suốt mùa Đông, dù chỉ có một chiếc áo chần bông để mặc, cũng là quý lắm rồi.

Mà may một chiếc áo chần bông cũng mất rất nhiều thời gian vì tất cả các khâu may áo, đặc biệt là đường chần bông đều phải làm bằng tay. Có những chiếc áo, phải làm từ năm này sang năm khác mới xong. Rồi cứ đến gần Tết, các bà các mẹ mới đem áo ra kiểm tra xem và hong nắng trước khi mặc.

"Như mẹ tôi, mỗi khi vào mùa hay hết mùa Đông, quy trình chăm sóc áo chần bông của bà rất tỉ mỉ. Bà mang áo ra lộn trái rồi phơi áo dưới chút nắng nhẹ buổi sáng. Sau đó là rũ, vuốt cho thẳng áo mới đem vào cất đi trong túi gói cẩn thận. Bà ngoại tôi còn cất áo kỹ hơn và mỗi lần mang ra thì lại vuốt ve, rồi ngắm nghía trước gương lâu lắm và bà thường mặc áo kết hợp cùng chiếc khăn nhung" - nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy nhớ lại.

BÀI TẾT - Hoài niệm áo chần bông - Ảnh 2.

Ảnh: Tư liệu

Chị kể tiếp: "Tôi vẫn nhớ lần đầu được mẹ cho mặc một chiếc áo chần bông - chiếc áo được mẹ may với màu tự nhiên, nền sáng, hoa xanh, cổ tròn ôm sát, tay áo may theo kiểu áo cánh, trễ vai. Đó cũng là chiếc áo gắn bó với tôi qua 3 mùa Tết, cho đến khi sờn vải, mới được thay.

Thực ra, hồi còn bé, đứa trẻ nào cũng luôn háo hức cái mới, nên Tết nào tôi cũng mong chờ không biết năm nay mình có được mẹ mua cho cái áo mới nào không? Và sau đó nhận ra rằng, áo nào cũng có thể được thay mới, chỉ riêng chiếc áo chần bông là tôi phải mặc ít nhất vài năm mới được thay. Khi đó, mẹ luôn dặn tôi phải giữ gìn áo khi mặc: "con nhớ đừng chạy nhảy để áo xước chỉ hay rách vì va vào đâu đó".

Nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với chiếc áo này vì cảm giác mặc lên đầu tiên là rất dễ chịu, mùi áo thơm tho và áo rất ấm. Có lẽ vì thế mà dù phải mặc đi mặc lại mấy năm liền nhưng tôi vẫn thấy thoải mái.

Khi biết may áo cho mẹ, tôi đã làm tặng bà một chiếc áo chần bông với chất liệu tafta, có họa tiết hoa sen. Mẹ rất thích chiếc áo này nhưng lại rất ít mặc vì suy nghĩ: thấy nó phí nếu chỉ… đi ra chợ. Vì thế, bà bảo tôi làm cho bà một chiếc gile chần bông để đi đâu bà cũng có thể mặc được" - nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy bồi hồi tâm sự.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm