Họa sĩ Nguyễn Linh: Vẽ và sống

30/11/2010 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 3/12/2010 tới tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội sẽ khai mạc triển lãm của họa sĩ Nguyễn Linh, một cá tính rất riêng của làng hội họa. TT&VH xin giới thiệu bài viết của Phan Cẩm Thượng về họa sĩ Nguyễn Linh.


Họa sĩ Nguyễn Linh.
Ảnh Nguyễn Anh Tuấn

1. Bây giờ và sau này, người ta - những anh em trong làng hội họa còn bàn về trường hợp Nguyễn Linh. Người ta nghi ngờ và thán phục những điều ông làm cả trong cuộc sống và hội họa. Một người rất quả quyết, định làm gì là theo đuổi nhiệt tình, tốn kém và bằng sức lao động thực sự của mình để trả giá cho công việc.

Khoảng chục năm nay, Nguyễn Linh bắt đầu quay lại với hội họa, cái mà ông có năng khiếu từ hồi đi học, rồi để lãng quên đi theo cơm áo gạo tiền. Sự quay lại hóa ra không đơn giản. Hội họa không phải là bức tranh đẹp, không phải là không vẽ lúc này thì vẽ lúc khác, mà là một quá trình, đôi khi hành động vẽ quan trọng hơn một bức tranh cụ thể. Hội họa đòi hỏi họa sĩ sống với nó và khi sống với nó rồi mà lợi dụng nó để làm việc khác thì nó lại trượt ra khỏi tay bạn.

Trường hợp của Nguyễn Linh có vẻ là ngược với các họa sĩ đã đi đến với hội họa nhiều năm tháng và bị thị trường đánh bẹp đến mức vẽ quá nhiều mà lại không trở thành họa sĩ nữa. Nguyễn Linh thì phụ bạc hội họa đến khi quay lại với nó thì vất vả vô cùng để chung sống.  

2. Chơi đồ gốm Lý Trần, tranh Nguyễn Tư Nghiêm - những gì tinh túy của nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Cái đó buộc người ta phải có tiền và chịu một sức ám ảnh nhất định từ cái đẹp mà mình mang về nhà. Tôi thấy một bức họa của Nguyễn Tư Nghiêm bị ẩm và có chiều hướng hơi mốc, bèn nói với Nguyễn Linh nên tháo ra. Ông bảo cứ thế đã, có khi phải giã từ những bậc thầy. Đó là một bước tiến nhận thức.

Nguyễn Linh dồn những năm tháng vừa qua cho hàng nghìn ký họa chì và hàng trăm tranh sơn dầu to nhỏ, vẽ như chưa bao giờ được vẽ, say đắm đến mất ăn mất ngủ, bước rất nhanh, nhưng tiến rất chậm trong cái khao khát hội họa của mình. Riêng về mặt lao động với những bức họa thật đáng nể, ông giống như một nông phu miệt mài mưa nắng trên những cánh đồng mầu và bút. Thân phận con người đã ẩn hiện trên những vệt bút, người đàn ông cô độc và người đàn bà hết vị, đôi khi là một mình, đôi khi là cả hai. Là nhà phê bình và họa sĩ khe khắt, Nguyễn Quân không chấp nhận một sự đột biến nào. Đào Châu Hải thì thấy Nguyễn Linh còn thiếu cuộc sống.


Tranh của Nguyễn Linh

Nguyễn Linh hứng thú với sự độc diễn của một hình thể, đằng trước, đằng sau, từ trên xuống, từ dưới lên, bên phải, bên trái, sự kết hợp giữa các hướng và sự đảo chiều trong hướng. Ông tìm thấy vẻ phong phú bất tận của một con người thể xác và phần hồn, đặt vào đó vài câu hỏi cho chính mình.

3. Tôi không thấy gì hay khi người ta bảo rằng ai đó thành công trong nghệ thuật. Anh nổi tiếng nhất trong các nghệ sĩ - chẳng nói lên điều gì. Bán được rất nhiều tranh - chẳng liên quan gì đến nghệ thuật. Sáng tạo ra một ngôn ngữ hoàn toàn mới - chắc không thể có. Được bầu làm NSND hay BCH Hội Mỹ thuật - lại càng không liên quan gì. Thế nhưng nếu thất bại cả trong cuộc sống lẫn nghệ thuật mà vẫn sáng tác thì có lẽ rất hay. Yếu điểm duy nhất của Nguyễn Linh là không chấp nhận thất bại. Họa sĩ không nhìn ra chân nhân của mình và vì thế con đường đi còn xa và vất vả. Ở trong một hoàn cảnh nghệ thuật rất ít cái để so sánh, rất ít những đỉnh cao để phủ nhận hoặc chết khiếp, đòi hỏi người ta cần viễn vọng và thành thực.

Triển lãm của ông lần này là một kết quả không đến nỗi nào của những đêm trắng sống với thân phận. Tôi nhìn thấy đây là một bài học hội họa nhiều chiều từ một người bạn, một người họa sĩ đắm đuối với nghề nghiệp, quyết tâm đi vào con đường lớn.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm