(TT&VH) - Gương mặt được chú ý nhất tại lễ trao giải là Trần Hoàng Long, cậu học sinh chuyên văn đang học lớp 11 . Cũng như đông đảo bạn học đi cùng, Long xuất hiện trong bộ đồng phục học sinh trường Hanoi- Amsterdam. Cách chia vui của họ cũng rất “teen”: theo lời Long, khi kết thúc giải, “khổ chủ” sẽ mời các bạn đi ăn ốc để chia sẻ niềm vui với mình.
Long được giải khi viết về người mẹ đã mất. Và khi biết tin nhận giải, món quà đầu tiên em gửi tới mẹ là một mâm ngũ quả - Long kể. Bằng trí nhớ, cậu học sinh này đọc lại entry của mình khi được Ban giám khảo đề nghị. Đôi chỗ, em nghẹn lời. Long khóc. Bạn em khóc. Và nhiều người có mặt trong lễ trao giải cũng ứa nước mắt cùng Long. Tuổi 17, viết được như thế, đã là giỏi. Nhưng, đi xa hơn, những cảm xúc mà cuộc sống đem lại cho Long đủ hấp dẫn người đọc hơn bất cứ vấn đề nào về lời văn - đại diện HĐGK nhận xét.
Là bởi vì cũng như những entry khác, Bên mẹ của Long chính là cuộc sống!
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, và Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, bà Nguyễn Thị Minh Thái, trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho Trần Hoàng Long, tác giả entry "Bên mẹ". |
Long tâm sự: “Câu chuyện trong entry của em bắt nguồn từ thực tế. Mẹ em mất rất sớm, từ lúc em mới 6 tháng tuổi, nên thực sự em không còn nhớ mặt mẹ em. Những chuyện về mẹ, em chỉ biết qua lời kể của ông bà và bố em thôi".
Ông bà ngoại em sinh được bảy người con đều là gái, mẹ em là con gái thứ sáu và rất khéo tay. Mẹ mất vì ung thư dạ dày. Đến bây giờ em vẫn nghĩ mẹ mất sớm như vậy một phần là do em. Theo em biết, bệnh ung thư dạ dày vẫn có thể kéo dài được một số năm nhất định. Nhưng khi mẹ em bị bệnh là thời gian mang thai em trong bụng, vì thế cứ lên cơn đau mọi người lại bảo đứa bé trong bụng nó đạp nên co thắt. Đến lúc sinh rồi mọi người lại nghĩ mẹ bị đau là hội chứng sau khi sinh. Đến khi hết các di chứng rồi mà mẹ vẫn đau thì đã quá muộn, khối u đã đến giai đoạn cuối.
Mẹ là một người rất hay nghĩ đến người khác. Mẹ em không muốn để người thân phải chịu đựng cơn đau của mình. Chi tiết chiếc khăn là có thực, đến giai đoạn cuối, mẹ cố gắng kìm chế cơn đau để người thân đỡ mất ngủ. Thực tế không phải là đến đêm cuối cùng mẹ mới làm điều ấy mà đã rất nhiều lần mẹ dùng chiếc khăn ấy để giấu cơn đau. Ông em kể, khi mẹ mất mọi người chuẩn bị hậu sự đã thấy hàm răng của mẹ em xô lệch hết rồi, không thể một đêm mà bị như vậy. Đó là một quá trình lâu dài kiềm chế cơn đau.
Qua chiếc khăn em muốn nói tình cảm của người mẹ ở phút cuối cùng vẫn là điều mạnh nhất, nó vượt qua cả nỗi đau thể xác đến tột cùng. Đến phút cuối người mẹ vẫn muốn cho đưa con mình được ngủ yên, để người con có được giấc ngủ ngon cuối cùng bên mẹ.
Em dùng hình ảnh vườn hoa vì theo em nó là hình ảnh biểu tượng, biểu tượng cho những cái tốt đẹp, cho sự sống của cuộc đời này mà người mẹ trao cho ta. Có những lúc cuộc sống xô đẩy dẫn đến những cái không mong muốn như những cảnh hoa tàn của mùa đông nhưng lúc nào cũng phải có niềm tin, hết khổ là vui... niềm vui sẽ quay trở lại.
Em chỉ muốn nhắn nhủ, trong hoàn cảnh nào thì con người quan trọng nhất vẫn là tình người. Cái hạnh phúc nhất là người thân được sống bên nhau. Nhiều khi trong nhịp sống gấp gáp người ta quên mất chính cái hạnh phúc giản đơn ngay bên cạnh mình, đến lúc mất rồi người ta mới nhận ra và hối tiếc.
Các Entry đoạt giải
1. Giải của Hội đồng giám khảo, gồm:
- 2 Giải Nhì (mỗi giải 5.000.000 đồng) được trao cho Bên mẹ (tác giả Trần Hoàng Long); Cú điện thoại 9h30’ tối (tác giả Đinh Lê Vũ) - 6 Giải Ba (mỗi giải 2.000.000 đồng). được trao cho các entry: “Con chuột chết - Hay câu chuyện về ý thức bảo vệ môi trường!!!” (tác giả Lão Đạo Sỹ); Entry cực ngắn (tác giả Trần Thị Biểu); Lũ và cha tôi (tác giả Nguyễn Ngọc); Mưa Đèo Ngang (tác giả Huy Đức); Nụ hôn đầu (tác giả Nguyễn Quang Lập); Phu chữ (tác giả Tế Điên).
2.Giải do độc giả bình chọn:
- Giải Entry được đọc nhiều nhất (5.000.000 đồng) được trao cho Tin nhắn của mẹ (tác giả Nguyễn Hoàng Minh) - Giải Entry được bình luận nhiều nhất (5.000.000 đồng) được trao cho Ngõ Hà Nội – loanh quanh nhìn chuyện xưa nay (tác giả Nguyễn Thị Trà My) Ngoài ra, Cuộc thi còn trao 60 giải “Entry hay nhất trong ngày” trị giá nửa năm báo TT&VH Cuối tuần (bắt đầu nhận từ tháng 1/2009).
|
Mạnh Cường – Hoàng Nguyên (ghi)