Hoa sứ trắng trong khu vườn Nobel Quy Nhơn

29/05/2021 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm ấy, người ta đã kịp quy hoạch cái vườn trong khuôn viên Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở Quy Nhơn (Bình Định) cho các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đến đây trồng cây kỷ niệm.

Giải Nobel Vật lý tôn vinh các nghiên cứu hố đen và vật thể siêu nặng vô hình ở tâm dải ngân hà 

Giải Nobel Vật lý tôn vinh các nghiên cứu hố đen và vật thể siêu nặng vô hình ở tâm dải ngân hà 

Giải Nobel Vật lý năm 2020 được Uỷ ban Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố chiều 6/10 (theo giờ Việt Nam) thuộc về 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ.

GS Jack Steinberger (25/5/1921 - 12/12/2020), giải Nobel Vật lý 1988, đã trồng tại đây một cây hoa sứ trắng. Hôm đó, tôi có nói vui với ông là ở đây, người ta quan niệm hoa sứ trắng tượng trưng cho tình yêu vô tư và sự khởi đầu hanh thông. Ông cười hoan hỉ, nói tốt lắm, tốt lắm.

Tháng 5/2021 này, nếu còn sống, ông tròn 100 tuổi…

Chú thích ảnh
GS Jack Steinberger, Nobel Vật lý 1988, trong lần đến Quy Nhơn và tác giả bài viết

1. Thấm thoắt gần 1 thập niên đã trôi qua. Hồi đó, chúng tôi đi bộ qua những tán rừng nhấp nhô, bỏ cả giày dép ra, thong thả bước sát mép thủy triều loang bờ cát vàng, thỉnh thoảng dừng chân bên gộp đá sóng bắn tung tóe, rồi lội ra, thả mình trong làn nước biển trong xanh. Đi cùng một cụ ông 92 tuổi, đối với tôi là một diễm phúc bất ngờ. Bởi đây là một ông cụ quá sức đặc biệt.

Mới mấy ngày trước đó, ông đã bay nhiều giờ qua nửa vòng trái đất, lần đầu tiên đặt chân lên Bình Định quê hương tôi, và cũng là lần thứ 2 ông đến Việt Nam, cách lần trước 20 năm, hồi ông ghé Hà Nội tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất theo lời mời của giáo sư người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân.

Chú thích ảnh
Cây hoa sứ do GS Jack Steinberger trồng trong vườn Nobel ở Quy Nhơn đang nở trắng hoa

Thời điểm đó, Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, ông rất bức xúc vì phải trải qua quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Từ đó, ông mới tự vấn rằng tại sao một đất nước đã chịu đựng nhiều chiến tranh bom đạn như thế này mà giờ còn khổ sở vì bị hạn chế giao tiếp với thế giới. Ông suy nghĩ rằng trong tầm ảnh hưởng của mình, phải làm điều gì đó có ích thiết thực cho Việt Nam, trước hết cho vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vânvà Kim Ngọc- những người bạn yêu quý suốt mấy chục năm trời của ông.

Và ông bày tỏ hành động bằng cách viết một lá thư đề nghị Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam, đưa giáo sư Vân xem qua, rồi ông gửi đi ngay. Ông nói rằng cũng thật bất ngờ, Washington D.C không đến nỗi phải vứt thư ông vào sọt rác, mà thư đi cuối tháng 12/1993, tháng sau, 1/1994 Văn phòng Nhà Trắng có thư hồi đáp đến ông rằng Tổng thống đã nhận được. Ngày 3/2 năm đó, Bill Clinton đặt bút ký xóa bỏ cấm vận Việt Nam.

Ông nói thêm, chuyện bình thường hóa quan hệ là chuyện lớn và nỗ lực không ngừng của 2 quốc gia để đạt được điều đó, ông cũng không rõ lá thư mong manh của ông có tác dụng đến đâu, nhưng ông luôn vui vẻ và tự hào vì việc làm chân thành ấy của mình với bạn mình.

Thực ra, những chuyện kể trên rất rời rạc, vì quá nhiều người hỏi, đôi lúc ông trả lời như kiểu cho qua chuyện, ờ thì lâu quá tôi quên rồi. Tôi hiểu, có lẽ bản tính ít nói, ông muốn người ta hiểu là ông đến đây để ủng hộ ý tưởng hội tụ khoa học rất tuyệt vời của GS Trần Thanh Vân, chứ không phải đi hào hứng kể công, một phong thái diễn dịch theo truyền thống Bình Định là “Úi chu choa chuyện nhỏ, ơn huệ chi đâu, thấy việc nghĩa thì phải làm thôi mà!”.

Chú thích ảnh
Trong khu vườn Nobel ở Quy Nhơn

2. Ông bảo, hồi trẻ, ông thích leo núi, quần vợt, chèo thuyền và thổi sáo, rồi ông cười rất hiền hậu, bảo tuy món sáo “tôi rất yêu thích lại thổi không được hay lắm!”. Tôi bạo dạn chỉ lên triền đồi gần đó, bảo công việc đo chiều kích vũ trụ của các nhà vật lý như ông giống công việc của nhà thơ, như Hàn Mặc Tử: “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng/ Những sợi hào quang vạn thước vàng”, ông cười giòn tan, sau đó lúc rảnh, có lần ông hỏi lại về Hàn Mặc Tử và khu di tích Ghềnh Ráng Tiên Sa.

Con người bình dị hóm hỉnh ấy là GS Jack Steinberger, người Mỹ gốc Do Thái, người cùng 2 giáo sư Leon Lederman và Melvin Schwartz chia sẻ giải Nobel Vật lý 1988, "Cho phương pháp chùm neutrino và chứng tỏ cấu trúc bộ đôi của lepton thông qua sự khám phá neutrino muon”.

Khi ngồi cà phê với nhau, tôi trịnh trọng gọi ông là “hoàng đế lão thành của vật lý hạt”, ông chợt cười thật hào sảng: “Ồ, tôi như neutrino muon thôi chứ”.

Chú thích ảnh
GS Steinberger giản dị gặp gỡ với các bạn trẻ ở Quy Nhơn

Hạt neutrino muon là một trong cái hạt từ năm 1962, ông và các cộng sự tìm ra từ cố gắng tạo một chùm hạt netrino trong sử dụng máy gia tốc năng lượng cao, phát hiện rằng trong một số trường hợp, thay vì tạo ra một điện tử, một hạt muon được tạo ra. Nó chứng minh sự tồn tại của loại neutrino mới gọi là neutrino muon, tương tự như electron ổn định nhưng nặng gấp 200 lần. Ngày nay, trong Vật lý hạt đã có Mô hình Chuẩn. Nhưng khởi nghiệp khoa học của Jack Steinberger từ những năm giữa cuối thập niên 1940 trở đi, giới khoa học còn mới biết rất ít, dò dẫm trong cõi hạt cơ bản như mò kim đáy biển.

Lạc vào chốn“hoàng cung vật lý”, tôi hết sức phấn khích, lôi cuốn giữa "từ trường" vui tươi, "lực hấp dẫn" trí tuệ do các ông hoàng vật lý khắp thế giới mang lại. Suốt đời, họ đi tìm từ cái lớn nhất là vũ trụ đến cái nhỏ nhất là hạt cơ bản. Cái nhỏ nhất, tức là “viên gạch” cuối cùng để xây ngôi nhà vũ trụ, nó không thể phân chia được nữa, không gì có thể cấu thành nó mà chỉ nó mới cấu thành cái khác. GS. Jack Steinberder nói rằng hiện nay, tôi mong muốn, ta có thể tìm gì ngoài Mô hình Chuẩn SM, và khám phá “vật chất tối” và “năng lượng tối”, là loại vật chất và năng lượng chiếm phần lớn của vũ trụ mà giới hạn hiện nay dưới đôi mắt thần kỳ của khoa học đương đại chưa nhìn thấy.

Kích cỡ của vũ trụ thì khôn cùng. Độ bé của “tế bào vũ trụ” cũng chưa tìm ra giới hạn. Nhưng đời người thì khác, cho dù đó là đời sống của một thiên tài. Không ai lật ngược của thời gian. Tôi hết sức ấn tượngquan niệm sống, ông “đắp bờ con” rằng lĩnh vực này ông không khuyên bảo ai, rằng ông chỉ có một cuộc đời và sẵn sàng đón nhận bất cứ thứ gì sẽ đến.

Tôi hiểu, đó không phải là câu vu vơ của tuổi trẻ mà là một lựa chọn của cuộc đời chìm nổi, đầy bản sắc, một người khổng lồ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” còn ở giữa chan hòa thế sự nhân tâm.

Ông tặng lại Huy chương Nobel cho ngôi trường Trung học thị trấn New Trier tại Winnetka, Illinois, nơi ông cảm thấy mắc nợ thật nhiều, vì khi ông rời quê hương do sự nảy nở của chủ nghĩa phát xít và phong trào bài Do Thái đến Hoa Kỳ, được cưu mang và bối cảnh học đường thời niên thiếu chắp cho ông đôi cánh của khát vọng.

Ông luôn trắc ẩn nhắc tới niềm mơ ước của người thầy, nhà bác học vĩ đại Enrico Fermy, người luôn khuyến khích tư duy và khát vọng của ông. Hồi làm luận án tiến sĩ, giáo sư hướng dẫn ông là Enrico Fermy, Chủ tịch APS (Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ) một trong những bộ óc kiệt xuất của nhân loại- đoạt Nobel năm 1938 khi mới 37 tuổi- người đặt các cơ sở lý thuyết cho neutrino mà Jack Steinberger cũng như các nhà vật lý thế hệ sau thực nghiệm về tương tác yếu nói chung và về vật lý neutrino nói riêng.

Trong đời sống, đồng nghiệp ở CERN (Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu) đánh giá ông là người thờ ơ với các loại giải thưởng, chỉ thích hòa mình trong cái tập thể mấy trăm nhà khoa học các quốc tịch khác nhau để tìm niềm vuisống chân tình, khi ông rời Hoa Kỳ về đây nghiên cứu gần nửa thế kỷ cuối đời. Cộng sự của ông rất quý việc mỗi khi tranh luận với đồng nghiệp, nếu đuối lý ông không cãi bừa mà nhận thua và sau đó cun cút mua nộp một chai rượu vang ngon để anh em cùng nâng cốc.

3. Tôi vô cùng yêu thích việc ông và các "nhà" Nobel khác đến Quy Nhơn. Họ không kiểu cách gì về trang phục, nghi thức rườm rà, mà đi lại giản dị với xe buýt vào ra nội thành, ngoại ô. Sáng sớm hoặc chiều mát nào rảnh rỗi, cứ áo thun quần lửng đi dạo bộ trên biển, có thể sà vào xem ngư dân kéo thuyền thúng lên, đôi lúc phấn khích trước vài đứa trẻ đá một đường bóng bổng trước thủy triều hoặc người dân lên rẫy hái xoài xanh chấm muối ớt.

Có lần thấy vui vẻ hòa đồng quá, tôi đánh bạo mời họ uống nước dừa chủ vườn vừa hái xuống, chặt ra ngửa cổ tu không ống hút, còn bổ đôi vạt miếng vỏ nạo cùi dừa, người nọ nhìn người kia cười rất hồn nhiên vui vẻ.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết bên cây hoa sứ do GS Jack Steinberger trồng trong vườn Nobel ở Quy Nhơn

Năm ấy, người ta đã kịp quy hoạch cái vườn trong khuôn viên Trung tâm ICISE cho các nhà Nobel trồng cây kỷ niệm. Ông trồng một cây hoa sứ trắng. Sau này, tôi thấy nhiều người trồng tùng la hán và phát tài núi. Không hiểu sao, quãng cuối năm 2020, tôi vào ICISE nghĩ là đi xem một số hoạt động như triển lãm hội trại kiến trúc nghệ thuật và dự hòa nhạc, nhưng lòng có chút bồn chồn khó tả. Đêm ấy, Quy Nhơn mưa thật nhiều, mưa trắng trời trắng đất. Mở điện thoại, 12/12/2020, người ta báo tin ông vừa ra đi, thọ 99 tuổi.

Buổi sáng, tôi ra vườn, nhìn cây hoa sứ dường như rất trầm mặc, dù rất ít hoa, nhưng rất thơm. Ở phương Đông, có quan niệm khi chủ mất đi, cây nhớ chủ nên mặc niệm tiễn biệt. Nhớ năm xưa, tôi có nói vui với ông là ở đây người ta quan niệm hoa sứ trắng tượng trưng cho tình yêu vô tư và sự khởi đầu hanh thông, ông cười hoan hỉ, nói tốt lắm, tốt lắm.

***

Tôi nghĩ, GS Jack Steinberger dù đã về cõi cực lạc, nghĩ về nơi này chắc sẽ vui lắm, vì dấu chân ông qua, luôn để lại ấn tượng từ tiết diện tư duy và độ phủ sóng của người truyền cảm hứng lan tỏa trong giới khoa học các thế hệ cũng như sự ngưỡng mộ của cộng đồng.

Một nước Việt Nam thuở gian khổ, một Bình Định - Quy Nhơn thời mở cửa mà ông từng gửi chút lòng yêu mến và cảm thông. Sự chân thành và chung thủy với bạn ông- chủ nhân của ICISE và linh hồn của chương trình Gặp gỡ Việt Nam - vẫn mãi đọng sự chí tình, chí nghĩa như buổi sinh thời.

Triết lý về cây xanh

Trong cuộc vui trồng cây năm ấy, nhiều bạn bè tôi còn góp cả câu nói bất tử: “Cây cối là nỗ lực bất tận của mặt đất để nói với thiên đường đang lắng nghe” (Trees are the earth's endless effort to speak to the listening heaven) và câu ngạn ngữ: “Hãy giữ một cây xanh trong tim bạn và có lẽ một con chim biết hót sẽ tới” (Keep a green tree in your heart, and perhaps a singing bird will come).

Tôi nói, câu trên là của thi sĩ Ấn Độ Rabindranath Tagore- giải Nobel Văn chương 1913- câu dưới là ngạn ngữ Ả rập, ông bảo chép lại giùm ông bỏ túi, thỉnh thoảng thấy ông giở ra xem lại.

Nguyễn Thanh Mừng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm