(TT&VH) - Vào lúc 17 giờ 15 ngày 15/8 tại tư gia ở TP.HCM, họa sĩ Trần Trung Tín đã trút hơi thở cuối cùng, để lại một gia sản tranh đồ sộ cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Có một thời gian dài (khoảng từ 1970 đến 1990) chẳng ai nhìn nhận ông biết vẽ vì cách vẽ chẳng theo một quy tắc nào, cho tới khi thị trường châu Âu chú ý sưu tập, nâng giá tranh trung bình của ông lên mức 7 - 8.000 USD/bức.
Trần Trung Tín thời đi tập kết |
Trần Trung Tín sinh ngày 18/10/1933 tại Chợ Lách, Bến Tre, tập kết ra Bắc năm 1954, mãi đến 1969 ông mới bắt đầu tự mày mò vẽ tại Hà Nội. Sau này nhìn lại, giai đọan 1969-1975 với chủ đề Thiếu nữ và súng, vì thiếu thốn màu và toan, nên ông vẽ với bất kỳ thứ gì mình có, thường là trên các tờ báo cũ, lại tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Thời này ông vẽ những phụ nữ mờ ảo để ngực trần ôm súng - nay đã trở thành cột mốc trong suy tư và ẩn dụ về chiến tranh.
Tháng 9/1975, ông trở lại Sài Gòn và sống cuộc đời của một họa sĩ. Từ tháng 5/1989 đến nay ông đã thực hiện khoảng 12 triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế và khoảng 15 triển lãm chung khác. Tác phẩm của ông được trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật Singapore, Nhật Bản, Anh và các bộ sưu tập tư nhân rải rác tại Mỹ, Pháp,Hong Kong...
Tuy nhiên quan điểm của ông khi còn sống là “phải giữ tranh lại càng nhiều càng tốt, vì vẽ là vẽ cho mình”. Bởi vậy, bà Huỳnh Nga (vợ ông, và là chủ gallery Không Gian Xanh - chuyên về nghệ thuật đương đại), hiện là người hiện sở hữu tranh của Trần Trung Tín nhiều nhất với khoảng 120 bức.
Tác phẩm Thiếu nữ, súng, và hoa, 1972, sơn dầu trên giấy báo, 55cm x 38cm.
Theo nhà sưu tập Lê Thái Sơn thì: “Trần Trung Tín gần như không vẽ tranh khổ lớn, kích thước phổ biến vào khoảng 50cm x 60cm, những bức có khổ 20cm x 30cm đã đạt đến giá trung bình là 7.000USD khi ông còn sống. Sau khi ông chết đi, giá này có thể tăng lên gấp đôi gấp ba, vì các nhà đấu giá ở Anh, Hong Kong, Singapore… đang có nhiều quan tâm. Đây là một trường hợp khá hiếm hoi khi tranh đang được giá ở quốc tế thì gia đình lại có chủ ý giữ lại tất cả”. Cũng theo thông tin từ nhà sưu tập này, ngoài gia đình họa sĩ, TGĐ Prudential toàn cầu Mark Tucker ( một “tay” sưu tập có tiếng và có truyền thống ở Anh) là người sưu tập nhiều tranh Trần Trung Tín nhất với khoảng 25 bức.
Sherry Buchanan, nhà nghiên cứu mỹ thuật người Anh viết trong cuốn sách của mình như sau:“Bằng hình ảnh, Trần Trung Tín diễn tả một phong cách đương đại mà chưa bao giờ thấy ở Việt Nam trước đó, cái mà chính ông gọi là “chất lạc quan bi kịch” của thế kỷ 20. Những hình ảnh ấy là nhật ký thị giác của người đàn ông đang vật lộn tìm lại sự sống và sự tự diễn đạt giữa thời chiến, sự đói nghèo, một thế hệ nhiều lo lắng trong lịch sử gần của đất nước”.
Văn Bảy