21/03/2016 13:02 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ở ta, họa sĩ thường theo đuổi nhiều chất liệu từ lụa sang sơn dầu, sơn mài… mỗi thứ thử một tí. Còn tranh khắc thì quá hiếm người theo, và chung thủy với nó lại càng hiếm… Vậy mà Trần Nguyên Đán lại chỉ tần tảo với tranh khắc gỗ như lão nông trên đồng, chung thủy với khắc gỗ như duyên tình của một mối tơ duyên tiền định!
Lần đầu gặp Trần Nguyên Đán, tôi không nhớ là lúc nào, nhưng chắc là ở Bảo tàng Mỹ thuật, nơi ông gửi hết cuộc đời làm công chức của mình, bắt đầu từ một họa sĩ nghiệp vụ đến lúc nghỉ hưu trong vai trò Phó giám đốc.Ngoại hình của ông giống một người lao động chân tay, một bác thợ mộc hơn là một họa sĩ. Trong giao tiếp ông để lại cho người ta cảm giác chân thành đến chân tơ kẽ tóc trong từng câu chuyện.
Đó là câu chuyện của những nông phu cần cù và thạo việc! Không thấy có thuật ngữ nghề nghiệp nào lảng vảng quanh câu chuyện, không lẫn một tiếng Anh tiếng Pháp khi nói về nghề, ông cũng không nói đến những thủ thuật, kỹ thuật mà một người nên danh họa sĩ nào cũng có.
Đã có thời gian dài xem tranh Trần Nguyên Đán tôi cảm thấy hầu như ông không thay đổi gì. Vẫn con trâu với đứa trẻ, cô ba quan họ lấp ló sau không gian chùa chiền ngày hội. Xem tranh ông người ta thấy đồng quê thanh bình, đến chiến tranh chỉ hiện ra cái mũ rơm là cao nhất. Còn con mèo thì luôn liên tưởng đến Đám cưới chuột, hay Quan trạng vinh quy.
Ông là một trong số ít các họa sĩ không biết giận và không to tiếng với ai bao giờ. Cái lành tính ấy nó lặn vào trong tranh ông thành thứ quả ngọt cho cảm xúc dẫn đến người xem những tình cảm mát lành!
Hằng năm, có những triển lãm chung ông lại góp một bức tranh, có lúc tôi đã nghĩ trong ngôi nhà của ông không còn gì đặc biệt, nhưng rồi sau lần vào trường Huế giảng dạy và mấy chuyến đi Hội An tôi bắt đầu thấy những tranh to hằng mét vuông xuất hiện. Lúc này mới biết ông in trên giấy, trên vải và cả toan vẽ.
Ông không chỉ khắc trên gỗ mà ông khắc cả trên các-tông, bìa giấy và đục trên ván ép những tranh khuôn khổ lớn mà gỗ ghép không thể có được. Lúc này, cái nghề ông học, tranh hoành tráng đã bước vào khắc gỗ của ông với hình ảnh đồng hiện.
Từ lối miêu tả dày dịt tự nhiên, Trần Nguyên Đán đã bắt đầu lưu ý đến những khoảng trống lớn trên tranh, khiến cho tranh ông trở nên phóng khoáng thuận mắt.
Trong những họa sĩ đồ họa, có lẽ ông là người duy nhất có kỹ thuật đi móng, sục vê cần cù nhất và ít dùng dao trổ, khi in không mấy khi để tâm đến những ma-che, những cái sót của nét khắc. Ông hầu như không thay đổi gì về kĩ thuật dùng dao, vê, móng trong suốt một đời sáng tác. Đôi khi thấy ông không có téc-ních, một thủ thuật riêng biệt của họa sĩ hình thành trong quá trình sáng tác.
Vậy mà những câu chuyện thủ thỉ của ông phơi bày trên tranh cứ dắt người ta đi trong hồn hậu yêu thương. Tranh ông như lời kể chuyện quê hương. Con trâu, đứa trẻ, thôn nữ, gái hội và những phong cảnh miền quê ấm áp yêu thương cứ dần dà hiện ra ở từng nhát xúc trên gỗ của ông.
Ông cứ lặng lẽ mải miết với ván gỗ và tờ in suốt những thời gian rảnh rỗi như con kiến tha mồi, và hôm nay ông có cả một cơ ngơi tranh khắc sang trọng và độc đáo.
Và hôm nay, ông đúng là một cây đa bề thế trong làng tranh khắc Việt Nam.
Tôi chúc mừng nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã mua sưu tập được trọn bộ ván gỗ còn lại của ông. Ông thật hạnh phúc, là họa sĩ được sưu tập toàn bộ tranh ở tuổi 70, khi sự nghiệp sáng tác chưa dừng.
Vào lúc 17h30 ngày 21/3/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ khai mạc triển lãm Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Triển lãm sẽ giới thiệu bộ sưu tập tranh khắc gỗ và mộc bản - những tác phẩm được Trần Nguyên Đán thực hiện trong 45 năm qua (từ năm 1970 đến 2015). Triển lãm kéo dài đến hết ngày 27/3. |
Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất