Họa sĩ Trần Đạt: Giang hồ túy họa

26/12/2014 06:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Trần Đạt vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Người vừa hát vừa vẽ tranh chân dung trong thời gian nhanh nhất”. Mặc dù không học qua trường lớp chính quy về hội họa, nhưng Trần Đạt có những chân dung khiến chính các họa sĩ học hành đàng hoàng cũng nể phục.

Hơn cả kỷ lục này, Trần Đạt còn là người vẽ chân dung văn nghệ sĩ và bạn bè nhiều không nhớ hết. Những người từng ngồi làm mẫu cho Trần Đạt đã phải nhắc anh khi gặp lại: “Anh từng vẽ chân dung tôi”.

Hết bài hát, xong bức tranh

Họa sĩ Trần Đạt sinh năm 1953 quê miền Bắc, 1 tuổi theo cha mẹ vào Nam. Bước ngoặt để anh dấn sâu vào con đường “giang hồ túy họa” là vào năm 1997. Năm đó, Trần Đạt bị tai biến liệt nửa người. Khi nhận thức tình trạng bệnh tật của mình sẽ trở thành gánh nặng với vợ, dù hai người chưa có con, Trần Đạt vẫn quyết định chia tay vợ để cả hai cùng giải thoát.

Bác sĩ chữa trị cho Trần Đạt khuyến cáo: anh không được làm các nghề kinh doanh nặng đầu. Kể từ đó, Trần Đạt khoác túi xách lang thang khắp nơi sống đời nghệ sĩ giang hồ. Có lẽ do làm nghệ sĩ giang hồ, không màng danh lợi khiến Trần Đạt hồi phục sức khỏe. Đến nay, nửa thân bại liệt của Trần Đạt hồi phục hoàn toàn.


Họa sĩ Trần Đạt “túy họa” chân dung họa sĩ trẻ Hoàng Mai

Trong bước đường làm họa sĩ giang hồ của mình, thường thì bạn bè sum họp bên chén rượu nồng. Khi có chất men đủ để nhìn đời rộng lượng, Trần Đạt thường ký họa chân dung tặng những người xung quanh. Cách vẽ khi đã hơi chếnh choáng hơi men của Trần Đạt được nhiều người gọi là “túy họa”! Cứ thế, gần 20 năm ròng, anh đã túy họa khắp cả nước khiến số chân dung anh vẽ không thể nhớ nổi.

Khi vẽ, Trần Đạt thường hát một ca khúc anh yêu thích. Chẳng hạn khi vẽ chân dung nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1,5mx1,7m), nhạc sĩ ngồi làm mẫu trên sân khấu cho Trần Đạt; anh vừa hát một ca khúc tiếng Pháp vừa vẽ lão nhạc sĩ, bài hát kết thúc thì bức chân dung cũng hoàn thành. Hay khi vẽ chân dung NSND Trần Hiếu, Trần Đạt vừa hát ca khúc Sắc màu của Trần Tiến, và bài hát hết thì chân dung Trần Hiếu cũng hiện ra đầy đủ thần thái.

Trong số hàng ngàn chân dung được Trần Đạt túy họa, có rất nhiều người nổi tiếng và người trong giới mỹ thuật, như: GS Vũ Khiêu, nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Phạm Tuyên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Bùi Quang Ngọc… Một lần ra Hà Nội “giang hồ”, Trần Đạt ngồi với họa sĩ Lương Xuân Đoàn và Bùi Quang Ngọc, sau khi được Trần Đạt túy họa chân dung, họa sĩ Bùi Quang Ngọc ngẫu hứng xin giấy bút túy họa lại. Cuộc túy họa hôm đó kéo dài đến khuya giữa các ông họa sĩ đồng điệu.

Hãy mở lòng ra mà sống

Hỏi Trần Đạt vì sao anh thường vẽ chân dung mọi người xung quanh khi đã có ít nhiều chất men vào người? Trần Đạt giải thích: “Tôi thường vẽ chân dung bạn bè trong các cuộc nhậu. Khi đã uống với nhau vài ba ly sẽ mở lòng hơn, hiểu nhau hơn. Hiểu nhau thì vẽ mới đạt được thần thái, tính cách của chân dung nhân vật. Hãy mở lòng ra mà sống”.

Thật vậy, Trần Đạt luôn mở lòng để sống với mọi người. Khi có một vài họa sĩ học hành bài bản nói cạnh khóe chuyện Trần Đạt ít học mà cũng đi vẽ, Trần Đạt chỉ nở nụ cười rộng lượng. Anh cho biết: “Đúng là tôi vẽ trước tiên theo bản năng. Song tôi học mỹ thuật từ sách báo trong và ngoài nước rất nhiều. Tôi luyện tập tay nghề thường xuyên nên mãi đến năm 2013 mới dám triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hạnh phúc cho những ai được học hành bài bản, tôi không được học vẽ bài bản nên mới vất vả thế này”.

Nói là ít học, song Trần Đạt đã sống với nghề vẽ từ sau 1975 bằng các nghề vẽ pano, áp-phích, tranh cổ động, tranh truyền thần. Giai đoạn đó, rất ít họa sĩ sống được với tác phẩm nghệ thuật thật sự. Và ngay cả bây giờ, Trần Đạt cũng không sống được bằng nghề “túy họa giang hồ”. Có chăng, bạn bè thường cung cấp vật tư để anh vẽ. Còn đời riêng, thì anh sống đúng nghĩa giang hồ, khi sự ràng buột của người đàn ông là vợ con thì anh đã không có từ lâu.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm