Họa sĩ Satế... không biết ăn ớt!

15/06/2008 18:14 GMT+7 | Văn hoá

Họa sỹ Satế 

(TT&VH Online) - Chàng HS biếm 48 tuổi sinh ở Sài Gòn này trông đẹp như một anh “Việt kiều”, bắt mắt như các nhân vật đàn ông hàng đầu trong phim truyện Việt Nam, lại có một bút danh rất “chiến” - Satế - nhưng khi bị truy Satế “cay” đến cỡ nào thì anh thú thật... mình không biết ăn ớt!

1. Tên thật của chàng ta là Nguyễn Văn Thưởng, còn Satế là bút danh khi vẽ biếm họa cho báo Tuổi trẻ cười, là kỷ niệm của cái thời cách đây cả hai chục năm khi những gói mì Miliket 2 tôm có thêm gói gia vị “ớt xào dầu” được gọi là satế xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn rồi nó trở thành niềm hy vọng của hàng chục triệu cái bụng lép luôn thèm ăn khắp cả nước.
 
 May mà anh chàng là một HS biếm, không phải là một doanh nhân và hồi đó chưa có Luật bản quyền chứ không thì có thể bị kiện vì sử dụng cái tên Satế của Miliket, một cái tên mà nhắc đến là hàng chục triệu người đều biết, ước mơ, nhỏ nước bọt...Quảng bá thương hiệu quá siêu!

Nói vui vậy chứ chàng HS biếm này thấy người ta nói satế cay, ngon thì ham vui mà lấy nó thành bút danh cho mình, chứ không biết ăn ớt thì làm gì biết ớt nó cay, nó ngon đến đâu!

Tình yêu biếm họa thấm vào Satế từ khi còn ngồi trên ghế tiểu học, cứ có cái gì liên quan đến biếm họa là thích xem, xem rồi thì mày mò vẽ... Nhưng cuộc đời khó định trước tương lai của mình. Năm 1978, ở tuổi 18, Satế tham gia quân ngũ, bảo vệ biên giới phía Tây Nam, tham gia văn công quân đội... Rồi 1982 sang Tiệp Khắc học nghề.
 Tranh biếm của Satế
 
Chính ở đây Satế lần đầu tiên trong đời được cầm trong tay tờ báo châm biếm và biếm họa, tờ Dikobraz (Con Nhím) trứ danh của Tiệp Khắc. Khỏi nói niềm sung sướng của chàng ta, cứ như bắt được vàng. Và trong hành trang mang về nước năm 1987 của Satế có nhiều chồng rất dày tạp chí này.
 
Năm 1989, bức tranh biếm họa đầu tiên của chàng được gửi cho báo Tuổi trẻ cười... và được đăng liền. Satế tâm sự: “Sướng quá, đúng là một sự kiện trong cuộc đời tôi, đúng là một bước nhảy (nhảy lò cò).

Báo Tuổi trẻ cười đã mở cánh cửa cho Satế đến với biếm họa.

Quả thật, báo Tuổi trẻ cười không những đã mở cánh cửa mà còn chắp cánh cho biếm họa của Satế. Tranh Satế lần lượt có mặt trên nhiều báo Trung ương và địa phương với một bút pháp rất riêng. Satế cũng nhanh chóng trở thành một thành viên của CLB HS biếm của báo Tuổi trẻ cười. Tranh của Satế được chọn đăng trong các vựng tập, báo của nước ngoài như Zemun International of Caricature (Yugoslavia), Starschel (Bungarie) ...

Năm 2004, trong cuộc “đọ” với các anh tài biếm họa quốc tế ở Nhật tại cuộc thi 25th Yumiuri International Cartoon Contest có tới 8.913 tranh dự thi, Satế “giật” được một bằng danh dự (có cả mề đay hẳn hoi).

2. Nghĩ về biếm họa Việt Nam, Satế cho rằng đó là một binh chủng không giáp không khiên ra trận là cứ khí thế hừng hực luôn ở hàng đầu xung phong “xáp-lá-cà” đâu có thua ai.
 
 - Satế xin cám ơn những câu chuyện biếm họa Việt Nam được viết bởi đàn anh đi trước. Xin cám ơn những người yêu biếm họa. Xin cám ơn những người gây lối giúp biếm họa mau bước qua giai đoạn “suy dinh dưỡng” để còn hỉ hả tung tăng với cộng đồng bốn bể- Satế nói.
Tranh biếm của Satế

Ngoài tranh biếm họa in các báo, Satế cùng vài bạn hữu đã tự tổ chức vài ba cuộc triển lãm biếm họa ở TP.HCM: “Trời, thật ngạc nhiên vì người xem quá đông. Triễn lãm kèo dài 10 ngày, được yêu cầu gia hạn thêm 10 ngày nữa mà vẫn còn nhiều người xem. Hôm tụi tôi tháo tranh, dọn phòng vẫn có người chạy tới giở tranh ra để xem!” - Satế hồ hởi.

Tranh biếm của Satế 

Được công ty truyền thông An Tiêm hỗ trợ, Satế đã phát hành 2 quyển sách biếm họa của riêng mình và tình hình phát hành là... rất ổn. Sách đã được những người yêu biếm họa đón nhận vui vẻ.

Về vụ in sách biếm họa, Satế cười: “Mấy quyển dán tranh biếm họa của tôi cắt từ các báo để lưu, được bè bạn chiếu cố mượn hoài mà lại cố ý... không chịu trả. Nên tôi mới thổ lộ với các anh, các chị bên An Tiêm, may được ủng hộ liền...”

Nghề chính của Satế là design (thiết kế), nhưng Satế vẫn dành trọn tình yêu của mình cho biếm họa, ít nhất cũng 2-3 giờ mỗi ngày. “Biếm họa luôn là thách thức, khám phá với tôi, có tranh phải xem đi xem lại vài lần mới sung sướng thấy được cái hay, cái hấp dẫn của nó”- Satế tâm sự.

Lý Trực Dũng
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm