Họa sĩ Nguyễn Thế Dzung & Đàn bò một con

17/12/2011 13:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 17g30 hôm nay (17/12) tại phòng tranh Cactus (3/13 Quốc Hương, Q.2, TP.HCM) sẽ khai mạc triển lãm khá đặc sắc của Nguyễn Thế Dzung (sinh 1985, Thanh Hóa) với tên gọi Đàn bò một con. Triển lãm cá nhân đầu tiên với 15 tác phẩm, cho thấy đây là họa sĩ có ý thức về ý niệm sáng tạo.

Không thể hiện rõ ý đồ cần ám chỉ, nhưng những bức vẽ bò với cái đầu là bàn tay con người và người mang đầu bò, rõ ràng là ẩn dụ nào đó.

Nguyễn Thế Dzung đã chọn một tâm thế khác với vẻ sù sì thường thấy của sơn dầu, khi anh làm cho mặt tranh nhẵn bóng giống như sơn mài. Trước khi vẽ, anh xử lý toan rất kỹ, sơn lót nhiều lớp, sau đó dùng giấy nhám chà cho láng mịn, rồi vẽ từng lớp mỏng sơn dầu, pha với 4-5 loại hóa chất tổng hợp. Mỗi tác phẩm như vậy anh làm mất cả tháng, nên 15 bức ở triển lãm này là công sức của năm 2011.

Nguyễn Thế Dzung tâm sự: “Cuộc sống luôn chuyển động, đan xen giữa những được mất, vui buồn, hạnh phúc và bất hạnh… Những thay đổi đó dẫn đến thay đổi trong cách nghĩ của mỗi người. Thông qua những trải nghiệm sống, mỗi người phải tự tìm cho mình một cách ứng xử riêng, một thái độ sống, một nghệ thuật sống… đó là cảm hứng để tôi có thể kể lại câu chuyên của mình. Tôi luôn muốn tìm sự hài hước, nghịch ngợm để diễn đạt những câu chuyện đó. Hay nói cách khác là những đau đớn, vấp ngã, mất mát, bất hạnh cho dù đến đâu đi chăng nữa cũng vẫn được ẩn giấu đằng sau một ánh nhìn hài hước, nghịch ngợm để vượt qua, để sống. Ai thì cũng phải vươn lên để sống”.

Họa sĩ Lê Võ Tuân đồng tình: “Quả thật, những điệu bộ chung ấy trong từng tác phẩm đã toát lên vẻ hài hước vốn có trong cuộc sống. Nguyễn Thế Dzung khơi dậy cái cười ngậm ngùi của đời sống đương thời, toát lên bề mặt tranh phẳng lì một lớp bóng, cái hào nhoáng sôi nổi”.

Còn khi hỏi tại sao có ý tưởng “đàn bò một con”, Nguyễn Thế Dzung cho rằng: Đầu tiên, tác phẩm ám chỉ sự rập khuôn của bản thân, sau đó, là những trường hợp không bản sắc hay lặp lại một cách vô hồn, ngoài xã hội. Bởi người ta khác nhau là ở cá tính và bản sắc, thế nhưng, không phải ai cũng muốn và cũng tìm được sự riêng biệt đó.

Ngoài kỹ thuật “đánh bóng” sơn dầu, tính hài hước và châm biếm về ý niệm tạo hình, Đàn bò một con còn đáng xem bởi nó bày ra được lộ trình nhận thức của một tác giả trẻ, điều không dễ thấy trong giới hội họa. Nguyễn Thế Dzung cũng thể hiện rõ tính trường quy trong các tác phẩm pop art của mình. Điều này có lẽ phù hợp với xuất thân, khi anh đang theo học thạc sĩ tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm