Họa sĩ Nguyễn Sơn và những ký hiệu thuộc về ký ức

07/12/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Làm thế nào để vẽ được tiếng chuông ngân nga? Làm thế nào để tô được màu cho im lặng? Làm thế nào để buông tiếng thở dài hay vui cười như con trẻ theo từng vệt bút? - Chỉ với một mặt phẳng luôn giới hạn bởi hai chiều, luôn có khởi đầu thinh lặng và rất dễ tan vỡ lúc sau cùng!“.

Đó là những băn khoăn tự sự của họa sĩ Nguyễn Sơn, tác giả của Ẩn ngữ từ phôi pha, tựa đề của cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mở đầu dự án TIẾP DIỄN tại cà phê thị giác Himiko (TP.HCM) từ 27/11 đến 7/12/2010.

Chạm vào góc tình cảm

Loạt tranh thuộc sê-ri OPEN3 lần này của Nguyễn Sơn mang nhiều khác biệt so với 2 lần triển lãm cá nhân trước. Không còn những toan tính màu sắc, những đa tầng ý nghĩa như cuộc triển lãm Kỷ nguyên vàng năm ngoái, lần này, anh chạm vào góc tình cảm thực, những dấu hiệu được dẫn dắt bởi kỷ niệm. Không còn là những màu sắc bóng bẩy tươi rói với những hình ảnh trừu tượng mơ hồ, mà là gam màu vàng ố lăn tròn của ký ức cũ kỹ, những ký hiệu bị cắt đứt bí ẩn vừa rời rạc vừa đan xen về quá khứ, hiện tại, tương lai và sự vĩnh viễn của thời gian. Những chiếc điện thoại bàn cổ đã rỉ sét theo thời gian, như sự lãng quên những giá trị cổ điển của con người hiện tại. Những câu tự hỏi ngỡ là cũ mà vẫn đầy dứt day tươi mới từ chính nội tâm của tác giả.


Bảng giá

Một người xem đã chia sẻ: “Thoạt nghe tên đề tựa về ẩn ngữ, hiện lên trong tôi những bí ẩn mơ hồ xa xăm man mác. Nhưng khi đối diện với những bức tranh, với sự tinh tế hiển hiện của những đồ vật lãng quên xưa cũ, với những rỉ sét thời gian, đã vang lên trong tôi những chuyển động âm thầm từ những sự vật tưởng chừng như bất động trong tranh. Với tôi, sự phôi pha, những tâm trạng tình cảm riêng tư của tác giả không còn là một ẩn ngữ, mà là sự đồng cảm lan truyền. Tôi như cảm được độ rung sâu trầm, những lay chuyển cảm xúc mà tác giả tự thú nhận rằng vẽ vì những xúc cảm riêng tư…”.

Khi được hỏi về việc chuyển đổi cách thể hiện trong việc vẽ, anh viết, “Có một người bạn đã nói về tôi thế này:

Nguyễn Sơn sinh năm 1974, tốt nghiệp ĐHMT TP.HCM năm 2001. Anh đoạt được nhiều giải thưởng khi còn là sinh viên và hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM. Anh là một họa sĩ có sức vẽ khỏe, mật độ sáng tác dày và được một nhà sưu tập tranh đánh giá là họa sĩ tiêu biểu cho thế hệ họa sĩ mới ở TP.HCM.

Nghệ thuật tạo hình của Sơn từ lâu đã trên con đường tự lược bỏ để đi tìm sâu hơn vào bên trong nội tâm.


Bỏ cái giả tạm để đi tìm cái thường hằng.

Cái thường hằng trong đời sống chính là sự suy tàn!

Suy tàn đi những gì là nhất thời, để chuyển hóa sang một hình thái khác: miên man, vô tận, khôn tả.

Tôi thích đoạn soi chiếu ấy! “.

Một tác phẩm nghệ thuật có giá bao nhiêu?

Ai cũng tưởng với một họa sĩ bắt đầu có những thành công trong thế hệ họa sĩ mới như Nguyễn Sơn sẽ đưa ra một giá tranh không thể thấp hơn với giá tranh trong triển lãm bộ ba họa sĩ từng ra mắt ở TP.HCM (mà nhiều người trong giới gọi là triển lãm giá tranh, với giá trung bình từ 10.000 đến 40.000 USD). Thật bất ngờ là anh đưa ra một giá tranh chỉ nằm ở mức dưới nửa con số 10.000. Một giá tranh vừa phải và hợp lí trong thời điểm hiện tại cũng như ở thị trường trong nước. Dù biết rằng, chẳng làm sao có thể định giá được một tác phẩm nghệ thuật. Và không những thế, Nguyễn Sơn đã dành một món quà tặng đặc biệt cho người yêu nghệ thuật, bán bức tranh Ẩn ngữ từ phôi pha số 1 chỉ với 35% giá. Và khi thông báo vừa được gửi đi, đã có người đặt mua ngay lập tức. Đó là Dr. Paul, viện trưởng viện Goethe TP. HCM.


Ẩn ngữ từ phôi pha

Nguyễn Sơn tâm sự: “Một tác phẩm nghệ thuật có giá bao nhiêu? Tôi nghĩ: Không thể tính chính xác bằng tiền, mà phải tính bằng năng lượng tinh thần tác phẩm ấy đem lại cho kẻ tạo tác và người thụ hưởng.

Một người bạn khác đã từng nói với tôi: “Anh ạ, những địa chỉ nghệ thuật như Himiko, Sanart… cứ phải mai một đi chỉ vì một lý do người ta xem nghệ thuật với giá tiền của nó, giữa một thành phố đầy tiền như Sài Gòn.”

Bạn tôi nói đúng. Câu nói ấy chỉ trích thái độ thụ hưởng nghệ thuật của không ít người thưởng ngoạn vốn đã it ỏi. Nhưng nghệ thuật đích thực luôn có một giá trị cao cả là làm cho con người ngày một tốt đẹp hơn. Chính vì thế nếu như một ngày nào đó Himiko - một địa chỉ nghệ thuật - phải mất đi, đó là điều đáng tiếc cho cả nghệ sĩ và công chúng. Trong sự chia sẻ cá nhân, tôi tặng tác phẩm Ẩn ngữ từ phôi pha số 1 với giá bán 35% trên giá gốc 2.500 USD cho Himiko để có thêm kinh phí tổ chức các cuộc triển lãm cho những nghệ sĩ khác. Tại sao là 35% mà không phải là 100%? Con số 35% mức độ chia sẻ giữa nghệ sĩ và Himiko. Tại sao tôi không giữ 65% còn lại? Đó là món quà tôi tặng lại người mua tranh, trong trường hợp đặc biệt này nếu nghệ sĩ còn hưởng lợi thì ý nghĩa của món quà sẽ bị giảm đi rất nhiều. Tất nhiên một danh sách những nhà sưu tập đã được tôi chọn lọc, bởi tôi luôn quan tâm tới việc ai sẽ giữ tác phẩm của mình hơn là bán nó với giá bao nhiêu.”

Nhận xét về bức tranh đã mua từ Nguyễn Sơn, Dr. Paul nói: “Tôi thích bức tranh này. Vấn đề ở đây là việc giao tiếp - chúng ta đều sử dụng điện thoại di động, còn lại rất ít các loại điện thoại kiểu cổ. Do đó tôi nhìn thấy ở bức tranh này là sự giao tiếp với khoảng không, không có sự trả lời, không có ai ở đó để nhận điện thoại. Đây giống như là một tấn kịch của cuộc sống hiện đại về việc sử dụng điện thoại di động. Chúng ta sử dụng chúng ở mọi lúc mọi nơi, nhưng liệu điều này có thúc đẩy quá trình giao tiếp hay không? Đây là câu hỏi mà bức tranh gợi nên trong tôi”.

Ngô Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm