Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân: Từ 'phố dây điện' tới 'ngõ dây điện'

25/12/2013 14:31 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - Tạo thương hiệu riêng với gần chục năm say mê vẽ... dây điện trên phố phường Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân (đề cử giải Bùi Xuân Phái 2013 của báo Thể thao & Văn hóa, TTXVN) cũng tới lúc "chuyển hướng" sáng tác của mình: mang "nhân vật chính" từ phố vào trong... ngõ.

Triển lãm Ngõ của Nguyễn Ngọc Dân vừa diễn ra tại Hải Phòng. Cái tên mộc mạc và... cụt lủn ấy giống như một vế đối ngược lại so với Phố - triển lãm Dân tổ chức năm ngoái tại Hà Nội và làm dư luận "sướng phát điên" vì những ý tưởng không giống ai của mình.


Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân cho biết:


- 10/25 bức tranh tại triển lãm lần này vẽ dây điện trên những con ngõ nhỏ. Số tranh còn lại tất nhiên vẫn là dây điện trên phố, được sáng tác kể từ thời gian 2012 trở về trước. Nhưng, đã có Phố năm trước rồi, thì bây giờ phải đặt là Ngõ cho... cân.


Thật ra, chỉ khác nhau về bối cảnh, nhưng dây điện trong ngõ được tôi vẽ với một cảm xúc hoàn toàn khác. Nếu dây điện ngoài Phố thiên về sự quan sát, về cảm giác choáng ngợp trước những búi lằng nhằng, chạy ngoằn nghèo trên cao thì Ngõ là chiêm nghiệm, là chiều sâu khi nhìn những ngôi nhà ép sát dây điện trong những lối đi nhỏ chỉ dắt được một vài chiếc xe máy.


 Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

* Ta hãy nói về sự bắt đầu của việc anh "dọn" từ phố vào ngõ. Giống như anh từng kể về cơ duyên vẽ dây điện ngoài phố trước đây, khi ngồi vỉa hè và tình cờ ngẩng đầu nhìn những búi dây điện trên cao...


- Thì cơ duyên lần này cũng đến từ một phút dừng xe ở đầu ngõ Văn Chương, Hà Nội. Tình cờ, tôi nhìn biển "Ngõ Văn Chương" đang nằm ngay dưới những búi dây điện loằng ngoằng. Đó là một sự tương phản thú vị. Nếu là một người khác, mới tới Hà Nội lần đầu, hẳn họ sẽ tự hỏi: phải chăng cái ngõ hẹp loằng ngoằng dây điện này toàn là nơi sinh sống của... khách văn chương?


Tất nhiên, tôi vào ngõ ngay. Trong đó là một mê hồn trận những dây điện ở một không gian cực kì hẹp. Rồi vòng từ ngõ Văn Chương sang ngõ Chợ Khâm Thiên, ngõ Thổ Quan cạnh đó. Cảm giác "sướng" vô cùng. Nhà xây cao, ngõ hẹp nên hun hút như trong một lòng giếng sâu. Dưới đó là những đường dây điện nối vào từng nhà, giống như những sợi dây liên lạc duy nhất để nối các không gian chật hẹp ấy với thế giới bên ngoài qua điện và internet.


Tác phẩm bày tại Ngõ

* Và thế là những bức tranh về "ngõ dây điện" bắt đầu ra đời?


- Không, tôi phải mất 2 ngày để ngắm cho "đã" chứ. Đi khắp các ngõ tại Hà Nội. Rồi lần giở ký ức của mình về những ngõ phố ở Hải Phòng, đầy phượng vĩ và bằng lăng. Hình như, trong tư duy thường trực của mỗi người, ngõ vẫn là nơi tuổi thơ đọng lại, là nơi những người già hay ngồi thư giãn trong những năm tháng cuối đời. Đại khái, đó là cảm giác buồn, cô đơn, hoài niệm – trước khi bị phá vỡ bởi những đường dây điện chằng chịt như bây giờ.


Xong, thì tất nhiên là tôi vẽ. Tới những nơi có dây điện, mọi người xúm lại xem, tưởng tôi là thợ điện cũng nên. Họ bảo: "Có cố đến mấy cũng chưa đủ loằng ngoằng như trên thực tế đâu" (cười).


* Một câu hỏi vui: sau phố và ngõ, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân sẽ vẽ tới dây điện trong bối cảnh nào? Những hẻm nhỏ nằm trong ngõ chăng?


- Hẻm cũng là ý tưởng hay. Tương phản với những búi dây điện, hệ thống hẻm và ngõ cụt nằm trong một thân ngõ càng nhấn thêm sự trầm tư và đi sâu vào tâm sự của mỗi người. Nhưng trước mắt, tôi cũng chưa có ý tưởng gì cụ thể. Nhìn chung, "anh dây điện" phong phú lắm, mình có thể yên tâm vẽ tới cả đời.


Bạn có tin không, trong những chuyến đi nước ngoài, tôi cũng rất thích xem và vẽ về hệ thống dây điện của họ. Nhưng cảm hứng thì vẫn không thể bằng "đặc sản nhà". Ở những quốc gia phát triển, dây điện của họ thường là những đường thẳng và có tính đối xứng cao, trông cũng chỉ thấy hay hay thôi. Riêng ở Lào thì dây điện đỡ đơn điệu hơn, nhưng lại không phức tạp được như ở Việt Nam nên rất khó chọn hướng để khai thác...


* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.


Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm