Vẽ phần “con” trong “con người” của chính tôi!

13/06/2009 15:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lê Kinh Tài chọn chủ đề “người thú” để sáng tạo nên các tác phẩm (sơn dầu, sơn mài, đồ họa…) của mình trong khoảng 10 năm qua, với lối đi gần như đơn độc tại Việt Nam.
 
Nhận học bổng hạng nhất của tổ chức Vermont Studio Center (Mỹ) - nơi có một chương trình giao lưu nghệ thuật hằng năm cho các nước châu Á - anh đang có 2 tháng làm việc tại trại sáng tác của tổ chức này. Và kết quả là Triển lãm Chiêm bao ngày số 2 của anh sẽ ra mắt vào ngày 18/6 tại đây với 9 bức sơn dầu khổ lớn.

* Anh nghĩ việc nhận được học bổng hạng nhất, sau đó là một triển lãm tuyển chọn chỉ cho 2 người châu Á của Vermont Studio Center, là một may mắn, hay là một quá trình phấn đấu cũng khá nhiều nhiêu khê, khó khăn để đạt được?
Họa sĩ Lê Kinh Tài
- Thật ra tôi nghĩ đơn giản hơn, theo tôi cách mà các nhà “tuyển trạch” tại Vermont làm không giống như ở Việt Nam, họ tìm những nghệ sĩ có tiếng nói riêng, ngôn ngữ hội họa của chính tác giả, không vay mượn hay gượng ép, bởi “cái đẹp” đến nay vẫn chỉ là tượng trưng, chưa ai định nghĩa được, tôi nghĩ đó là cách họ chọn đại diện cho các nghệ sĩ đến từ châu Á. Là một nghệ sĩ, dĩ nhiên để có được nhiều người đồng cảm với đứa con tinh thần của mình đã là một vấn đề lớn, nhưng để chinh phục chính mình bằng ngôn ngữ hội họa do mình “nhào nặn” ra (tôi không có ý nói đến phong cách hay trường phái) thì phải nói đến sự hy sinh.

* Triển lãm sắp diễn ra của anh có tên gọi Chiêm bao ngày số 2. Đây là kết quả của 7 tuần làm việc, chắc nó vẫn là một tiếp nối về phong cách “người thú” của anh? Anh nhấn vào điểm nào nhiều nhất trong loạt người thú đợt này?

- Cám ơn về câu hỏi này của anh. Đúng vậy, tôi vẫn đang khai thác chủ đề phần “con” trong “con người” của chính tôi, những ngày đầu đến đây tôi thật sự bị sốc khi nhìn các tác phẩm đương đại của những nghệ sĩ dự trại lần trước.

Cái tự ái và tự kiêu của phần người trong tôi trỗi dậy, tôi lao vào vẽ trong 2 ngày để cho ra tác phẩm Tôi thích đi đường thẳng vì tôi sẽ được gặp nhiều chướng ngại vật (155x500cm). Tiếp theo đó là Liệu rằng với một đôi cánh của sự chăm chỉ và một đôi cánh nghị lực tôi sẽ bay lên được? (200x200cm). Tôi vẫn thường tranh cãi với tôi để giải quyết vấn đề cái “tôi” và kết thúc cuộc tranh cãi thường là một loạt tranh mới.
Bức tranh “50% bên trong tôi là thú vật”, 100x200cm

* Anh đánh giá quãng thời gian ở Vermont này là cơ hội để mình nhận chân ra, hay nhìn lại con đường mà mình đã đi? Hoặc là một duyên cớ nào khác, ví dụ như cơ hội để tên tuổi của mình được quảng bá nhiều hơn, và giá tranh sẽ được cải thiện trong thị trường quốc tế?


- Nói thật lòng đến lúc này tôi chưa có ý định ngoái đầu lại xem con đường mình đã đi qua. Tôi vẫn cứ đi, tôi đi tìm “tôi” để chinh phục tôi bằng loại ngôn ngữ tạo hình mà mình nhào nặn hơn 10 năm qua. Quãng thời gian tại Vermont, thêm một lần tôi đã chứng minh cho phần “con” trong tôi rằng tôi đã thắng nó. Còn tên tuổi mình có được quảng bá nhiều hơn hay không tùy thuộc vào số lần tôi chiến thắng “tôi”. Giá tranh sẽ được cải thiện trong thị trường quốc tế ư? Điều này tùy thuộc vào các nhà sưu tập hướng đến tôi như thế nào?

* Cái được từ một triển lãm ở quốc gia khác nơi mình sống thì có rất nhiều, còn có điều gì là khó khăn, thách thức… đối với một nghệ sĩ như anh, vốn đến từ Việt Nam, hay Đông Nam Á – thường bị xem là có nhiều thiệt thòi hơn?

Lê Kinh Tài sinh năm 1967, đã thực hiện nhiều triển lãm tại Việt Nam và quốc tế. Nếu chỉ xét ở thị trường tranh, đây là họa sĩ “đang lên” và được “dòm ngó” hiện nay. Những tác phẩm trong triển lãm Chiêm bao ngày số 2 được ra giá từ 10.500 đến 35.000 USD; còn theo các nhà sưu tập trong khu vực Đông Nam Á, tranh Lê Kinh Tài có giá bình quân 1 mét vuông khoảng 7.000 USD.

- Đúng vậy, cái được từ một cuộc triển lãm thì rất nhiều, song cái khó khăn duy nhất của tôi là phải kéo thằng “tôi” của mình xuống, càng nhanh càng tốt… Tôi không cho rằng nghệ sĩ Việt Nam hay nghệ sĩ các nước Đông Nam Á là có nhiều thiệt thòi, vì điều thiệt thòi lớn nhất của nghệ sĩ là tự kỷ.

* Trong thời gian ở đây, anh thấy công việc và phong cách của các nghệ sĩ khác như thế nào? Điều gì là lý thú nhất?

- Họ làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp, ngôn ngữ hội họa của từng người rất rõ ràng và riêng biệt. Tôi đặt biệt chú ý đến phong cách sáng tác của các nghệ sĩ trẻ, nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ tạo hình và sử dụng chất liệu rất điêu luyện. Với nghệ sĩ các nước, họ chưa biết nhiều về hội họa đương đại của Việt Nam.

* Sau triển lãm, số tranh này anh sẽ giao lại cho Vermont Studio Center - như là “quà trả lui” cho học bổng lưu trú?
 
- Không, tất cả tác phẩm là của tôi, tôi sẽ mang về Việt Nam và sẽ triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM vào tháng 11/2009.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm