Họa sĩ Đinh Cường qua đời: Một tâm tình trừu tượng giờ mới tỏ lộ

10/01/2016 08:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đinh Cường là một trong số ít họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam tại hải ngoại, ông vừa qua đời lúc 9h40 ngày 8/1/2016 (tương đương 21h40 ngày 7/1, giờ Virginia, Hoa Kỳ), sau một thời gian dài lâm bệnh.  

Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, đương thời ông đã thực hiện hơn 30 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và quốc tế. Từ trước 1975, ông đã có tranh tham dự các sự kiện nghệ thuật lớn như The Sao Paulo Biennal (năm 1967, 1969), The Tokyo Biennal (1966), The Tunis Biennal (1964), The Paris Biennal (1963)…

Nguyên là giáo sư hội họa trường nữ trung hoc Đồng Khánh, nữ trung học Thành Nội (Huế, 1963 - 1967), là giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 -1978).

Họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: Văn Bảy

Những năm cuối đời, Đinh Cường trở về thực hiện nhiều triển lãm chung và riêng tại Việt Nam. Theo kế hoạch thì tháng 2/2016 sẽ là một triển lãm cá nhân và ra mắt sách tại TP.HCM, nhưng bệnh tật đã ngăn trở ông thực hiện.

Trong những họa sĩ Việt Nam sinh từ cuối thập niên 1930 trở về sau này, Đinh Cường thuộc số ít có cốt cách của một danh họa. Đầu tiên, ông làm việc chuyên tâm và chuyên nghiệp, sáng tác nhiều phong cách, có hệ thống lý luận tương đối rõ ràng. Bên cạnh thể loại biểu hình, ông vẽ rất mượt mà, lãng mạn, có cái gì đó hoài nhớ xa xăm, thì thể loại trừu tượng cũng được ông theo đuổi từ nửa thế kỷ nay.

Tiếp đến, tác phẩm của ông được thị trường chào đón, nên gần như triển lãm nào ông cũng bán được nhiều tác phẩm.

Thậm chí có ý kiến nói vui, nếu một gia đình người Việt nào đó ở hải ngoại có ý tưởng mua tranh Việt về treo, thì y như rằng trong số ấy có tranh Đinh Cường.

Họa sĩ Đinh Cường, ký họa của Trần Trung Lĩnh, vẽ ngày 9/1/2016. Sinh thời Đinh Cường có rất nhiều ký họa từ bạn bè, nhưng ông rất yêu thích cách vẽ của Trần Trung Lĩnh

"... Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết. Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểu", Đinh Cường quan niệm.

Dưới đây, báo Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu vài tâm sự riêng của Đinh Cường về tranh trừu tượng, một thể loại mà ông dành nhiều ưu ái, với rất nhiều tác phẩm thành công.

Đọc những suy tư mà ông gởi từ ngày 6/4/2010, giờ mới tỏ lộ, chúng ta có thể hiểu thêm một phần thế giới hội họa phong phú của con người tài hoa này.

Đinh Cường viết:

1. Tôi đến với kỹ thuật vẽ trừu tượng từ năm 1960, có thể duyên cớ là từ tờ báo Paris Match mua ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, TP.HCM), nhằm số đặc biệt về đám tang của họa sĩ trừu tượng Jean Atlan. Số báo có nhiều khuôn mặt họa sĩ trừu tượng đến dự lễ tang mà tôi yêu thích như: Soulages, Hartung, Manessier, Mathieu, Vierra Da Silva, rồi cả Tàpies và Zao Wou-Ki… 

Hai năm sau đó, tôi có tranh tham dự Đệ nhất triển lãm mỹ thuật quốc tế tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn (ngày 16/10 đến 15/11/1962), bị lôi cuốn bởi tác phẩm gốc của Soulages và vài họa sĩ trừu tượng của  Mỹ, Đức, Hà Lan, Á Căn Đình… nên muốn vẽ trừu tượng.

Tác phẩm Vàng chanh, sơn dầu trên bố, 61 x 61 cm, tháng 7/2015

Triển lãm đầu tiên tôi có tranh trừu tượng là Triển lãm hội họa mùa Xuân 1963, bức Miền lệ xanh (âm hưởng thơ Thanh tâm Tuyền: “… em biết không, lệ là những viên đá xanh, tim rũ rượi..."). Nó cũng được chọn tham dự Triển lãm quốc tế lưỡng niên tại Paris từ ngày 28/9 đến 3/11/1963. Năm này tôi cũng nhận được huy chương bạc với bức trừu tượng Chứng tích.

Năm 1965, triển lãm cá nhân đầu tiên tại Huế với nhiều bức trừu tượng ưng ý, đã được Dr. Erich Wulff, giáo sư người Đức dạy Đại học Y khoa Huế sưu tập (vẫn còn lưu giữ tại Đức cho đến nay, ông vừa mất tại Paris ngày 31/1/2010).

2. Theo tôi, nên hiểu hội họa trừu tượng Việt Nam trong bối cảnh của một đất nước còn chậm tiến, nghệ thuật mới còn non trẻ. Trong khi các nước Tây phương đã có những quan niệm mới có thể kể dấu mốc từ Phần tinh thần trong nghệ thuật (Du Spirituel dans l’Art) xuất bản năm 1912 của Kandinsky, cho tới sau đại chiến thế giới thứ hai 1945 với nhiều nhóm trừu tượng khác. Họ muốn hoàn toàn tự do, không mô phỏng tạo vật, chỉ căn cứ vào bản ngã, vào cá tính để sáng tác. 

Tác phẩm Đi đâu về đâu, sơn dầu trên bố, 140 x 140 cm, 2005

Kể cả nhóm Tachisme ở Mỹ lúc ấy mà Pollock (1912-1956) nổi tiếng với việc vẽ bằng những lon sơn đục lỗ vung chảy đầy trên tấm toan lớn để nằm trên sàn nhà, theo cao hứng của nội tâm và nhịp tay, action painting cũng có từ đó.

Paul Klee trong Journal 1915 đã viết: “… thế giới này càng đáng ghê sợ, thì nghệ thuật càng lánh sâu vào trừu tượng”. Nửa thế kỷ sau, năm 1965, Đỗ Long Vân viết: “... Song, trừu tượng ngày nay là gì, nếu chẳng phải là sự vắng bóng một cõi đời đổ nát trong lòng mình, và để khỏi rơi vào mê sảng, mỗi cá nhân phải dụng tâm chế biến sự vắng bóng kia bằng quyền lực cuả nó”. (theo catalogue Triển lãm Đinh Cường, Alliance Francaise de Dalat, 1965).

Tác phẩm Paris xám 1, sơn dầu trên bố, 61 x 76 cm, 2006

Cái quyền lực trừu tượng ấy của các họa sĩ Việt Nam thường bị chi phối bởi quá nhiều nguyên do: đời sống gia đình, đời sống văn hóa và xã hội, giáo dục mỹ thuật còn ở mức thấp nhất, người xem tranh chưa quen và tìm hiểu nhiều về thẩm mỹ mới trong nghệ thuât trừu tượng.

Các viện bảo tàng mỹ thuật hình như cũng chưa có những khu vưc dành riêng cho những tác phẩm trừu tượng, dù là trừu tượng của các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Bùi xuân Phái…

Tác phẩm Rừng câm, sơn dầu trên bố, 102 x 102 cm, 2003

Tại sao đa số các họa sĩ Việt Nam không đi hết con đường trừu tượng mà thường vẽ song song? Có thể mượn lời phát biểu này của Nguyễn Trung không: “Đối với người Việt dù là ở trong nước hay hải ngoại, những người từng yêu tranh figurative (tranh tượng hình) của tôi đều vẫn còn giữ tình cảm với loại tranh này. Chính vì cái ơn tri ngộ này mà tôi chưa thể dứt khoát với figurative…” (California, 2006).

3. Nếu có về bày tranh ở quê nhà trong thời gian sắp tới, thì tôi cũng chỉ dám bày tranh nào mà bản thân cảm thấy ưng ý, dù trừu tượng hay có hình cũng đem về thôi. 

Chỉ sợ vẽ chưa tới, hay nói như Répine: “Ý tưởng đẹp mà vẽ không tới chỉ để người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng mà thôi”.

Virginia, 6 April, 2010

Đinh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm