Họa sĩ Công Quốc Hà: Không thể thiếu sách hay cho thiếu nhi

23/09/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Chúng ta nói, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, vì thế, có lẽ không thể thiếu những cuốn sách hay cho thiếu nhi" - hoạ sĩ Công Quốc Hà chia sẻ từ Thụy Điển.

 

'Thủ lĩnh băng vịt đồng': Một bức tranh đồng quê Nam Bộ

'Thủ lĩnh băng vịt đồng': Một bức tranh đồng quê Nam Bộ

Nhà thơ Giang Nam nhận xét: "Cái quý ở Lê Quang Trạng là một tâm hồn nhạy cảm, luôn muốn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình thật riêng. Tôi cảm thấy trước mắt mình phong cảnh sông nước Tây Nam Bộ mà nhiều lần đã đi qua. Tôi có cảm giác Trạng nặng lòng với quê hương và tin rằng Trạng sẽ là “cây bút mới” của Đồng bằng Tây Nam bộ....".

Sinh năm 1955 tại Hà Nội, Công Quốc Hà thuộc nhóm họa sĩ đã làm sống lại nghệ thuật vẽ tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam và mang lại cho nó một bộ mặt hiện đại trên khắp thế giới. Bên cạnh đó họa sĩ dành nhiều tâm huyết để vẽ truyện tranh, minh họa sách báo dành cho tuổi thơ.

Anh đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Rất sớm sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, anh đã nhận ra: Đồ họa là nghiệp dẫn dắt anh bước vào thế giới của trẻ thơ. Anh đã bắt đầu những bức họa đầu tiên cho các em như thế nào?

- Khi còn là sinh viên mỹ thuật, ấn tượng sâu sắc đối với tôi là chùm minh họa cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của cụ Tô Hoài do họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ, cuộc song hành tuyệt vời này có trong tôi, để bắt đầu tôi vẽ cho trẻ thơ từ thuở đó.

Sau này khi cùng hoạt động Hội, anh Lân là Trưởng nghành đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi là Chi hội trưởng của Hội Mỹ thuật Hà Nội, anh em có nhiều dịp gặp gỡ. Gần gũi anh, tôi nghe nhiều tâm sự chân thật của anh về vẽ truyện tranh, và vẽ tranh minh hoạ cho sách thiếu nhi. Anh bảo: Khi vẽ cho thiếu nhi mình phải quên mình là người lớn!

Để vẽ được Dế Mèn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã vẽ theo lối vẽ tự nhiên và đơn giản. Trước khi cầm cọ, họa sĩ có những cuộc điền dã về các vùng ngoại ô, hay đến với các bộ sưu tập côn trùng hoặc lục tìm ký ức tuổi thơ. Với các nhân vật như châu chấu, bọ ngựa, chuồn chuồn, kiến... thì dễ rồi. Anh bảo, lúc nhỏ tôi cũng đi bắt dế nhưng không quan tâm đến chúng. Khi bắt tay vào minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký, bản dịch đầu tiên sang tiếng Nga (1959), tôi mới bắt đầu... nghiên cứu và cứ thế bị thế giới côn trùng mê hoặc. Nghề vẽ, nhất là vẽ cho thiếu nhi, phải có nhiều tâm huyết, công sức. Vẽ nhanh, vẽ ẩu, trẻ em sẽ là độc giả quay lưng lại đầu tiên.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Công Quốc Hà

Vậy đấy, bằng tình yêu ấy, tâm hồn ấy, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã có cả một gia tài là những tranh minh họa, tranh đồ họa cho thiếu nhi. Tranh minh họa có: Dế Mèn phiêu lưu ký, Cái tết của mèo con, Đám cưới chuột, Bộ quần áo của ông hoàng đế, 100 truyện cổ tích VN... Đồ họa có: Chuyện Thánh Gióng, Đội quân ong, Mèo con, Trê Cóc, Những chiếc áo ấm, Con sáo biết nói, Rừng hoa... Từ truyện tranh, truyện minh họa đến các bộ phim hoạt hình đều trở thành những người bạn quen thuộc, gần gũi với nhiều thế hệ thiếu nhi lớn lên.

* Những sáng tác của anh cho thiếu nhi luôn trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng với một bảng màu phong phú. Họa sĩ và nhà văn, cụ thể ở đây là tác phẩm cần thiết có sự “kết đôi” cùng nhau?

- Để vẽ cho các em, tôi đặc biệt lại rất thích trẻ con vẽ, qua đó thấy được cách biểu đạt của các cháu rất hồn nhiên và đơn giản. Ví dụ khi vẽ ông mặt trời đa số trẻ sẽ chú ý vẽ ông mặt trời có mắt để nhìn, mồm để cười, không cần có mũi!

Cũng vậy, tả con thuyền đi trên sông các em không cần vẽ nước, chỉ cần bác lái thuyền cầm mái chèo!

Mỗi nhà văn có một phong cách kể chuyện khác nhau, vậy nên nét vẽ của họa sĩ cần hòa hợp, sống động và quấn quyện lấy ý tứ, chi tiết, nội dung, bật rõ được những khác biệt trong phong cách sáng tác của mỗi nhà văn.

Bức đầu tiên tôi minh họa là cho một truyện thiếu nhi do họa sĩ Đỗ Dũng, báo Người Hà Nội, đặt vẽ năm 1990. Tham gia nhiều hơn ở lĩnh vực này tôi nhận thấy, truyện tranh là câu chuyện được thể hiện bằng một chuỗi các hình ảnh kết hợp với ngôn từ (lời thoại, suy nghĩ của nhân vật, từ tượng thanh). Sự kết hợp giữa hình ảnh với ngôn từ giúp truyện tranh đem lại cho người đọc những trải nghiệm mới mẻ, thú vị, nhất là trẻ em.

Với nhận thức đơn giản của trẻ con, truyện tranh mở ra một thế giới phong phú, với biết bao điều hấp dẫn, kỳ lạ, kích thích trí tò mò, ham học hỏi của các con. Sự vật, hiện tượng được mô phỏng qua hình ảnh sinh động, ngôn từ ngắn gọn, cách diễn đạt dễ hiểu giúp các con tiếp nhận nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Chú thích ảnh
Minh họa truyện thiếu nhi của họa sĩ Công Quốc Hà

Hiện nay, cuốn sách thiếu nhi nên mang lại cho trẻ em các kỹ năng sống, kỹ năng đối phó với thử thách và giúp chúng tự tin thực hiện các giải pháp riêng thay vì phải "cầu viện" từ người khác. Điều này đang bị thiếu trong rất nhiều sách thiếu nhi ngày nay. Tôi muốn nói ra sự thật này, bởi vì bản thân đã xem rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi. Để làm công việc đòi hỏi sự tâm huyết kiên nhẫn, rất dễ bị thất vọng hơn hy vọng, để theo đuổi được những người cầm bút vẽ hay viết phải dốc lòng, mong ước được cống hiến.

* Có nhận xét rằng, trẻ em hiện nay thiếu kỹ năng giao tiếp. Chúng có thể gõ một email hay tin nhắn rất nhanh, nhưng khi trò chuyện trên thực tế, nơi chúng cần thể hiện các cảm xúc, mong muốn và mục đích thật sự, thì ngôn ngữ của chúng rất yếu.Thêm nữa, vì thích sự chớp nhoáng mà hiện nay trẻ em có xu hướng dễ dàng né tránh những công việc mà cần đến sự khéo léo của đôi tay, vừa tốn nhiều thời gian, và đòi hỏi có sự kiên nhẫn nhất định.

- Nhắc đến vấn đề này, tôi nhớ, ngày bé cha mẹ luôn nhắc anh chị em tôi rằng, phải tự mình làm mọi thứ bằng tay. Từ việc siêng năng vào bếp cùng mọi người, đến những sản phẩm làm bằng tay…Tất cả những kỹ năng đó đã theo chúng tôi suốt cuộc đời.

Công nghệ là một điều tuyệt vời, nhưng một cuốn sách in với ngôn ngữ và minh họa tốt sẽ vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người đọc. Nói một cách công bằng, cùng với giá trị giải trí, những trang truyện tranh còn có giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Mỗi nhân vật bước ra từ trang sách tác động trực quan đến nhận thức, suy nghĩ của các con, từ đó có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển về tâm hồn, tính cách của trẻ. Bản thân tôi những cuốn sách nhớ lâu đến bây giờ là sách thiếu nhi được đọc từ nhỏ, có những câu chuyện đã đi vào cả giấc mơ từ lúc nào không biết.

* Nhiều năm sống ở Thụy Điển, anh có nhìn nhận gì về sách dành cho trẻ em ở ngước ngoài?

- Ở nhiều nước, sách cho thiếu nhi người lớn tìm đọc rất nhiều, đặc biệt là người già. Truyện tranh không chỉ là loại hình giải trí mà còn là môn nghệ thuật rất được coi trọng. Có nhiều kênh giải trí có chương trình truyện tranh dành cho trẻ em. Đội ngũ tham gia vẽ minh họa cho truyện tranh thiếu nhi là những họa sĩ tài năng, và có những khóa đào tạo chuyên sâu về đồ họa sách. Ở trường học, sinh viên sẽ được giảng dạy về cách vẽ tranh, viết kịch bản, kỹ thuật phối màu trong truyện tranh và học cả về nghiệp vụ xuất bản.

Ở Thụy Điển nơi tôi cùng gia đình đang sinh sống, các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của thế giới được biên dịch sang tiếng Thụy Điển đã làm phong phú cho mảng này. Hơn thế là các ấn phẩm cho thiếu nhi được xuất bản với chất lượng công nghệ tiên tiến nên rất đẹp về thẩm mỹ.

Xuất bản sách cho thiếu nhi là vấn đề lớn, bên cạnh các đơn vị hữu quan, cần có các hội hội thảo, vận động sáng tác… và cần đề xuất với Chính phủ dành ngân sách quốc gia về Chương trình xuất bản sách cho thiếu nhi. Chúng ta nói, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, vì thế, có lẽ không thể thiếu những cuốn sách hay cho thiếu nhi!

* Xin cảm ơn họa sĩ!

Thành Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm