Hoạ sĩ Lê Kinh Tài: Tôi vẫn thích dùng "Giờ thứ 25" của mình

25/10/2009 17:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như tin TT&VH đã đưa, họa sĩ Lê Kinh Tài có cách khai thác về “giờ thứ 25” theo kiểu rất “cụ thể”, là mỗi giờ anh dành ra 2-3 phút cho riêng mình, để trong 24 giờ, anh lại có được giờ thứ 25. Cuộc trò chuyện dưới đây, sẽ không xoáy vào chuyện hội họa, mà là cái quan niệm khá ngộ nghĩnh, hài hước của họa sĩ này.

HS Lê Kinh Tài

* Mỗi ngày có 24 giờ, mỗi
giờ dành ra 2-3 phút, để cuối cùng anh có giờ thứ 25 chen giữa các giờ còn lại. Từ đâu mà anh nghĩ ra ý tưởng độc đáo này?

- Đó không phải là do tôi ngồi nghĩ ra, mà sự thật là tính tôi hay “lơ mơ”... Công việc kiếm tiền cụ thể của tôi là làm design, khá bề bộn, nhiều lần tôi muốn bỏ để toàn tâm với hội họa, nhưng quả thật hơi khó. Vì vậy mà tôi càng hay lơ mơ. Những lúc làm việc, tôi vẫn tranh thủ “lơ mơ”, tranh thủ nhìn nhận vấn đề xã hội theo khía cạnh của riêng mình. Mỗi khi xong một ngày làm việc cho vợ con (tôi vẫn hay nói vui như vậy), tôi lại lục lọi trong trí nhớ những gì đã nghe, thấy và cảm nhận để xổ tất cả vào tấm toan trước mặt. Những đêm làm được điều này, tôi nghĩ mình đã trải được nỗi lòng với tất cả niềm vui, nỗi buồn, thậm chí nhiều điều bức xúc...

* Từ những tác phẩm sinh ra trong sự “lơ mơ” như thế. Vì sao anh nghĩ cần phải đặt tên cho triển lãm là Giờ thứ 25?

- Tôi đối diện và mở nhiều nút thắt
cùng những truy vấn đại loại như: “Sao mau hết giờ quá nhỉ?”; “Giá như còn thêm giờ tôi sẽ...”; “Phải chi một ngày có 48 tiếng!”... Tôi nghĩ chuyện này cũng không có gì to tát hay đáng tự hào cả, mà hình như tầng lớp lao động trí óc, văn nghệ sĩ... đều thế cả. Chủ đề triển lãm mang tên Giờ thứ 25, như một thông điệp cho chính tôi là trước tiên, nó cũng như những lần triển lãm trước đây. Tôi thích chọn ngôn ngữ hội họa kiểu “đối thoại”, tôi luôn muốn chia sẻ với người xem về cái khắc nghiệt của thời gian, khi chúng ta chỉ có vỏn vẹn 24 giờ mỗi ngày.

* Trong khi có một số ý kiến
đang lên tiếng về sự lãng phí thời giờ, nhất là của giới văn nghệ sĩ, với quan niệm như vừa nói, anh bảo vệ đồng nghiệp của mình thế nào đây?

- Ai cũng có lý của mình trong cách sử dụng thời giờ cả, nghệ sĩ cũng là người, họ có cách quản lý thời gian của họ theo suy nghĩ riêng. Nếu có sự lên tiếng về sự lãng phí, tôi nghĩ xã hội nên nhìn nhận khách quan hơn ở họ về hiệu quả công việc. Thời giờ với văn nghệ sĩ thường đi song song với thái độ trân trọng cái nghiệp mà họ đã chọn, họ thường không nghiêng về hướng sử dụng thời giờ để làm việc bên ngoài xã hội, mà là đi vào bên trong các suy tư của chính mình. Tôi nhiều lần bị đồng nghiệp mắng là “rách việc”!


Tác phẩm Giờ thứ 25, sơn dầu, 190x480cm, 2009

Tác phẩm Nếu đôi cánh đó bỗng dưng mọc
ra?, sơn dầu, 90x70cm, 2008

* Cái lợi thực tế từ khi anh nghĩ ra “chiêu thức” này là gì?

- Tận dụng triệt để quỹ thời gian!

* Xin hỏi thêm, tranh của anh từng ở mức giá 150 USD một bức, bây giờ thì hàng ngàn, hàng chục ngàn USD. Để nâng giá lên rất cao như vậy, anhnghĩ có phải là vấn đề “thời gian” hay không?

- Sáng tạo vẫn là thứ gì đó bí ẩn và vô chừng trong tâm thức của từng nghệ sĩ. Còn chuyện tranh bán được giá, đó càng là một sự vô chừng, vì hôm nay có người mua, chắc chi ngày mai đã còn. Chính vì thế, do khá bực mình vì chuyện mất thời giờ ở bên ngoài, nhưng tôi vẫn chưa thể nghỉ việc kiếm cơm chỉ để vẽ tranh. Nói chung, bây giờ tôi vẫn thích dùng “giờ thứ 25” của mình.

Triển lãm Giờ thứ 25 khai mạc lúc 17h30 ngày 25/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3) với 25 tác phẩm khổ lớn, sẽ kéo dài đến ngày 4/11/2009. Cách đây 2 năm, Lê Kinh Tài đã thực hiện một triển lãm cá nhân về chủ đề thời gian, có tên Hết ngày là đêm, cũng diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ 27/8 đến 5/9/2007.

 Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm