Họa đến phía sau, mắt nhìn phía trước

30/06/2012 06:01 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Bao giờ mượn xe máy của các bà, các chị, tôi cũng phải chỉnh lại gương. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi chiếc gương thường là duy nhất trên xe họ rất hiếm khi soi đúng vị trí, không soi vếch lên trời thì soi vẹo sang bên sườn, cá biệt còn có những cái cổ gương cứng ngắc, không thể xoay để điều chỉnh hướng nhìn. Đơn giản là vì họ đâu có dùng đến nó.

Thỉnh thoảng ở đầu làng tôi, các anh trật tự kết hợp với CSGT lại lập chốt chặn bắt xe vi phạm giao thông. Một buổi chiều họ bắt được không biết mấy trăm xe và hầu hết đều vì cái lỗi trên xe không có gương chiếu hậu. Khó có thể tả được khuôn mặt ngẩn tò te của những người bị bắt, họ chẳng thể nào hình dung rằng trên đời lại có cái quy định đó, một số người thì hậm hực đổ riệt cho cảnh sát bắt bậy.

Vốn tính thương người, khi vượt qua chốt chặn, gặp anh hàng xóm đi chiều ngược lại, trên xe không có gương, tôi giảm tốc độ, gào to, cẩn thận CSGT đấy. Khi hai xe đi vụt qua nhau, nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy anh hàng xóm có giảm tốc độ, nhưng sau đó lại ung dung tiến vào "ổ phục kích" như vào chỗ không người. Buổi tối về nhà, gặp nhau, anh than thở, cứ tưởng mình đội mũ bảo hiểm, xe đầy đủ giấy tờ là an toàn rồi. Ai ngờ vẫn bị tuýt còi lại mất hai chục bạc tiền phạt vì thiếu một cái gương.

Trong các lỗi vi phạm luật lệ giao thông, lỗi thiếu gương là dễ phát hiện nhất, vì nó lù lù ra đấy, chỉ có điều là CSGT có bắt hay không thôi. Nói chung kể cả CSGT cũng coi lỗi này là nhẹ, chỉ phạt bổ sung khi mắc các lỗi to khác, hoặc trong các chiến dịch lớn mà bất kể lỗi to nhỏ, tiện thể bắt hết vào một mẻ lưới như chốt chặn ở làng tôi thôi. Cho nên, trên đường phố hiện nay, xe thiếu gương vẫn nhan nhản.

Xét ra, người ta coi nhẹ lỗi thiếu gương chiếu hậu vì đa số không sử dụng đến gương khi đi trên đường trong rất nhiều tình huống. Trước các ngã bã, ngã tư, bạn nên giảm tốc độ và ghìm chặt tay lái, bởi rất có khả năng có một anh choai choai nào đó phóng rẹt qua mũi xe bạn, tạt trái băng ngang sang bên kia đường, xe anh ta dĩ nhiên chả có cái gương nào, thay vào đó đầu và mắt anh ta đảo bên nọ bên kia như chảo chớp.


Trên đường, có gương hay không gương cũng giống nhau. Ảnh Hanoi.gov.vn

Các bà các cô, tuy có giảm tốc độ, bật xi nhan, nhưng bao giờ cũng phải ngoái khuôn mặt xinh đẹp lại để biết chắc rằng các xe đã nhường đường cho mình. Tôi đã từng chứng kiến một vụ va quệt, khi người đàn ông rẽ trái nổi khùng lên với người đâm vào xe mình rằng "Tôi đã…ngoái đầu lại xin rẽ, mà anh còn vọt lên". Với họ tín hiệu rẽ là… ngoái đầu lại. Nói chung trước các ngã ba ngã tư bạn không nên chỉ chú ý đến những chiếc xe đang bật xi nhan xin rẽ mà chú ý cả những người vừa tà tà tạt vào lề đường vừa ngoái cổ lại.

Tất cả những biểu hiện đó cho thấy người ta đã không nhìn gương chiếu hậu khi sang đường, nói gì đến khi chuyển làn. Có thể khẳng định là hầu hết người đi xe máy của chúng ta đều không nhìn gương, không bật xi nhan khi chuyển làn. Lỗi này CSGT cũng không bắt (may chăng họ bắt lỗi này của ô tô thôi). 

Khi tôi trò chuyện với một cô bạn về việc phải nhìn gương khi sang đường, chuyển làn, cô trề môi nói rằng, ngoái hẳn cổ lại nhìn bằng cả hai con mắt mà còn chẳng ăn ai nữa là nhìn vào cái gương bé tí bằng nắm tay ấy, mà nhìn qua gương thấy cả đống xe, xe nào cùng vùn vụt như sắp đâm vào mình, không thật hình như nhìn bằng mắt(!).

Nói chuyện thêm với nhiều người nữa thì thấy, phần lớn người đi xe máy thiếu kỹ năng nhìn gương, bởi có thể khẳng định rằng đấy là một kỹ năng không tự nhiên mà có. Nó phải trải qua rèn luyện. Trên gương xe máy thì không đề, nhưng trên mọi chiếc gương ô tô đều có dòng chữ mờ mờ "Objecs in mirror are closer than they appear ". Dịch nôm ra là: Vật thể nhìn qua gương có cảm giác gần hơn so với thực tế. Chiếc gương xe đúng chuẩn bao giờ cũng có tính chất của một chiếc gương cầu lồi, cung cấp cho người lái xe những hình ảnh về xe cộ ở phía sau không hoàn toàn giống như nhìn bằng mắt thường (hay nhìn qua gương phẳng), vì thế người lái xe phải trải qua rèn luyện, thì dần dần mới có kỹ năng quan sát xe cộ qua gương chiếu hậu, nhờ đó mới cảm nhận được chính xác luồng xe cộ phía sau. Không có kỹ năng này, sử dụng gương chiếu hậu có khi còn phản tác dụng.

Thực tế cho thấy nhiều người do không được rèn luyện thói quen này nên suốt đời phải ngoái cổ lại mỗi khi lái xe sang đường. Điều đó không những làm lãng phí một phương tiện an toàn rất hữu hiệu của chiếc xe, mà còn tự rước họa cho bản thân mình.

Khi bạn phải ngoái cổ lại để nhìn dòng xe phía sau, thì đương nhiên bạn không còn mắt để nhìn về phía trước nữa. Khi rẽ trái, bạn phải băng qua đường với một khoảng cách khá lớn, cả chục mét, trước hàng chục chiếc xe đang lao sầm sập vào sườn xe bạn, liệu bạn có đủ bình tĩnh và đủ tầm mắt để quan sát cả phía trước cả phía sau? Rẽ trái qua những đoạn đường như thế mà không dùng gương thì không sái cổ mới là lạ.

Điều 20, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vi phạm không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng”

Khi có quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên đường, rất nhiều ý kiến cho rằng, mũ bảo hiểm gây vướng víu khó chịu là làm giảm khả năng quan sát phía sau. Điều đó đúng với những người sang đường bằng cách ngoái cổ lại. Nhưng các nhà sản xuất đã tính cả rồi. Với chiếc xe máy khi lưu thông trên đường, bạn có thể thực hiện mọi thao tác rẽ phải, rẽ trái, chuyển làn, quay đầu xe mà mặt vẫn hướng thẳng về phía trước. Vì thế, tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhà sản xuất chiếc xe máy nào cũng làm ra cả hai cái gương, bên phải và bên trái, nhưng luật của Việt Nam lại quy định chỉ có một gương trái là đủ. Chẳng nhẽ chiếc gương phải là thừa?

Các cụ ngày xưa dặn con cháu, nhất là các cô cháu gái, là đi đứng phải đoan chính, tức là mắt phải nhìn thẳng, mặt hướng về phía trước, không nhìn ngang nhìn ngửa (đàn bà mà vừa đi vừa ngoái lại là tướng "dâm", không đoan chính). Nhiều cụ nhà nho cực đoan còn không… đáp lại, nếu như người hỏi không đến trước mặt mình mà nói. Xét ra khi đi xe máy, để đảm bảo an toàn, chúng ta cũng nên làm vậy.

Trở lại với chiếc mũ bảo hiểm. Thiếu kỹ năng nhìn gương chiếu hậu kết hợp với bản tính thích làm điệu, sợ nóng, sợ nặng đầu là những nguyên nhân khiến cho người Việt Nam không muốn dùng mũ bảo hiểm có kính, có hàm mà thường ưa loại mũ chỉ đội có một tí trên chóp để còn tiện ngó trước trông sau mỗi khi sang đường.

Vậy chiếc gương xe máy thường được dùng để làm gì? À, trừ một số loại xe ga, nhất định phải tháo cả hai gương mới "sành điệu" thì đa số các xe chỉ dùng một gương, và chiếc gương đó cũng chỉ để cho có, kiêm thêm chức năng treo túi ni lông rau cỏ thịt cá.

Chiếc gương còn kiêm thêm nhiệm vụ làm đẹp, khi các bà các cô còn chỉnh cho gương còn soi đúng vào mặt mình khi đi trên dường để thỉnh thoảng còn kín đáo liếc lại dung nhan một cái và tủm tỉm cười hài lòng, nhất là khi vừa có một "anh giai" vọt qua xe còn ngoái đầu lại...

Trên thị trường, gương xe rất nhiều loại. Khi người ta đã coi gương là vật để cho có, thì bao giờ người ta cũng chọn loại gương "đểu", mặt phẳng như gương thường, tầm quan sát hạn chế, và như thế còn là cái bẫy cho những người muốn sử dụng gương.

Tôi rất hy vọng rằng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ ngay lập tức kiểm tra chiếc xe của bạn hoặc của những người thân của bạn. Nếu trên xe không đủ hai chiếc gương, chất lượng gương không tốt (không có tính chất của gương cầu lồi), và đặc biệt gương soi không đúng vị trí, cổ gương không thể điều chỉnh như ý muốn được, thì tôi khuyên bạn hoặc khuyên người nhà bạn nên nhanh chóng sửa lại gương là tự hoàn thành một khóa tập huấn để có kỹ năng sử dụng gương chiếu hậu.

Họa có thể đến từ phía sau, trong khi mắt bạn ở phía trước. 

>> Đọc các bài viết Lối sống đô thị của TT&VH tại đây

                                                             Nguyễn Phi


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm