Bayern & Nguồn gốc Do Thái bị lãng quên hàng thập kỷ

17/05/2012 14:00 GMT+7 | Champions League

(TT&VH)- Báo chí Đức cho rằng chính việc thừa nhận nguồn gốc Do Thái của mình sau nhiều thập kỷ im lặng dưới “gót sắt” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một sự thúc đẩy nội lực lớn lao cho Bayern trong vài năm qua, mà hai trận chung kết Champions League trong hai năm biểu thị cho niềm tự hào của đội bóng xứ Bavaria tại mặt trận châu Âu.

Bayern được thành lập năm 1900, nhưng phải đến thời của vị chủ tịch người Do Thái Kurt Landauer, đội bóng này mới bắt đầu khởi sắc. Ông Landauer bắt đầu ngồi ghế chủ tịch từ năm 1913 nhưng do chiến tranh thế giới thứ nhất nên thời gian nắm quyền của vị chủ tịch Do Thái này bị gián đoạn, phải đến năm 1919 mới chính thức xây dựng được kế hoạch phát triển cho Bayern. Tại thời điểm đó, các thành viên khác đã đòi hỏi đội bóng phải có một sân vận động nhưng ông Landauer đã gạt bỏ, quyết dành tiền để đầu tư cho công tác đào tạo trẻ. Nhờ những bước đi bài bản này, Bayern đã giành được hàng loạt chức vô địch tại các giải vùng, miền trước khi lần đầu lên ngôi tại giải vô địch Đức vào năm 1932.

Tuy nhiên, sự phát triển của Bayern đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Nazi). Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa này coi bóng đá chuyên nghiệp như một âm mưu của người Do Thái và Bayern, với chủ tịch và HLV là người Do  Thái, chính là một sào huyệt. Bởi vậy, ông Landauer đã phải từ chức và trốn sang Thụy Sỹ lánh nạn diệt chủng của phát xít Đức. Để ủng hộ vị cựu chủ tịch, các cầu thủ Bayern không ít lần cả gan chọc tức quân phát xít. Năm 1936, cầu thủ chạy cánh Willy Simetsreiter đã dám chụp ảnh với Jesse Owens, vận động viên điền kinh người Mỹ đã khiến Adolf Hitler tức điên khi giành tới bốn huy chương vàng Olymic Berlin.



Kurt Landauer, vị Chủ tịch người Do Thái của Bayern vào đầu thế kỷ XX đã buộc phải sang Thụy Sĩ để lánh nạn diệt chủng của phát xít Đức

Hậu vệ Sigmund Haringer lại to gan gọi một cuộc diễu hành có cờ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan là nhà hát của trẻ con còn đội trưởng Conny Heidkamp và vợ thậm chí đã giấu chiếc đĩa bạc của đội khi bị đòi quyên góp để làm vũ khí. Hành động phản kháng quyết liệt nhất diễn ra năm 1943 tại Zurich khi Bayern được mời đá giao hữu với tuyển Thụy Sỹ. Sau trận đấu, các cầu thủ đã xếp hàng và vẫy tay chào cựu chủ tịch Landauer đang có mặt trên khán đài. Quá cảm kích trước tình cảm này, năm 1947, ông Landauer đã quay trở lại làm chủ tịch Bayern cho đến năm 1951. Tổng cộng, người đàn ông gốc Do Thái này đã có tới 18 năm làm chủ tịch Bayern, lâu nhất trong lịch sử đội bóng.

Bayern không chỉ hiện hữu từ thời của Beckenbauer

Tuy nhiên, kể từ sau sự ra đi này, Bayern gần như không nhắc tới, nếu không muốn nói rằng lãng quên hẳn, cái tên Landauer và nguồn gốc Do Thái của đội bóng, ngay cả khi vị cựu chủ tịch mất năm 1961. Trả lời tờ Spiegel, ông Willi O. Hoffmann, chủ tịch Bayern giai đoạn 1979-1985, cho rằng ở thời điểm trước, đội bóng phải chiến đấu để tồn tại, để chuẩn bị cho giải đấu mới (Bundesliga) nên không có thời gian quan tâm tới truyền thống. Tuy nhiên, đây có thể xem như một lời bao biện bởi đến cuối thế kỷ XX, khi Bayern đã rất ổn định, đội bóng này cũng từ chối nhắc về nguồn gốc Do Thái dù lúc đó hàng loạt quyển sách hay bài viết về vấn đề này đã được ra đời.



CĐV Bayern tri ân Kurt Landauer trên khán đài trong một trận đấu năm ngoái

Schulze-Marmeling, tác giả của cuốn "FC Bayern và nguồn gốc Do Thái" (đã giành giải thưởng Cuốn sách của năm về bóng đá năm 2011), cho rằng chính việc Bayern đang muốn mở rộng thị phần tại châu Á là lý do khiến đội bóng này không muốn nhắc tới nguồn gốc Do Thái. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả định của tác giả Schulze-Marmeling bởi những năm gần đây, Bayern lại có những động thái rất tích cực nhằm tưởng nhớ vị cựu chủ tịch Landauer. Những nhóm ultra đã tổ chức tưởng nhớ ông Landauer và CEO Karl Heinz Rummenigge cũng phải thừa nhận vị cựu chủ tịch này là cha đẻ của Bayern hiện đại.

Bayern cũng tài trợ một số tiền cho đội bóng nghiệp dư TSV Maccabi Munich của người Do Thái xây một đường pitch có tên Landauer vào năm 2010. Đội các ngôi sao Bayern cũng đã tới đây thi đấu giao hữu và ông Uli Hoeness, người 10 năm trước tuyên bố ông không sống ở thời Landauer nên không biết gì, đã viết một bức “tâm thư” ca ngợi công lao của vị cựu chủ tịch. Thậm chí, Bayern cũng sẽ dành một góc trang trọng trong bảo tàng của đội bóng, nằm trong Allianz Arena, khánh thành vào mùa hè này, để tưởng nhớ ông Landauer. Ông Hans-Peter Renner, giám đốc phụ trách nội dung của bảo tàng, đã phải thốt lên: “Tôi đã gắn bó với đội bóng rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ nghĩ tới những câu chuyện đáng ngạc nhiên như vậy. Thật cảm động khi được biết đến những con người vĩ đại và những điều họ đã làm cho đội bóng”.

Ông Uri Siegel, một người cháu của Landauer cho rằng với nhiều người vùng Bavaria, Bayern  chỉ thực sự bắt đầu kể từ thời của Franz Beckenbauer ở những năm 1970. Xét về mặt thành tích và tài chính sau này, quả thật phải đến khi xuất hiện Beckenbauer và những đồng đội xuất chúng như Sepp Maier, Gerd Mueller, Bayern mới trở thành đội bóng số một nước Đức. Tuy nhiên, sẽ là quá đáng trách nếu Bayern quên đi những đóng góp của ông Landauer, người cả đời dành tất cả cho đội bóng như lời của ông Siegel. Trước đây, Bayern đã chậm trễ trong  việc tưởng nhớ công lao của vị cựu chủ tịch này nhưng cuối cùng, đội bóng này cũng đã thừa nhận nguồn gốc Do Thái của mình và trao cho nó một vị trí trang trọng.

Trần Khánh An


Bayern, một biểu tượng của chất Đức truyền thống

Dưới thời độc tài Adolf Hitler, Bayern thậm chí còn bị mang tiếng là bài Do Thái, dù trước đó, đội bóng này là cái nôi của người Do Thái. Sau chiến tranh thế giới II, đội bóng xứ Bavaria nhanh chóng xây dựng và trở thành một trong những CLB mạnh nhất nước Đức, nhưng họ cũng là một trong những đội bóng đề cao chất Đức truyền thống nhất, với những thủ lĩnh người Đức mang tính cách cứng rắn và kỷ luật. Sau trận bán kết Champions League vượt qua Real Madrid trên chấm phạt đền, tiền vệ Bastian Schweinsteiger thậm chí bị “nghi ngờ” rằng đã sử dụng một kiểu chào úy lạo rất thông dụng của các sĩ quan Đức quốc xã trước kia (ảnh). Tại nước Đức, Bayern có một lực lượng CĐV đông đảo bậc nhất, nhưng họ cũng là đội bóng bị căm ghét bậc nhất, bởi sức mạnh tiền bạc và tham vọng không biên giới.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm