Những kẻ ôm đàn trong bóng tối: Từ zero đến K300

11/07/2012 07:06 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Thời của họ không có những cuộc thi kiểu thi Vietnam’ Got Talent, Vietnam Idol hay Bước nhảy hoàn vũ, nên không ai trong số họ “bỗng dưng nổi tiếng” cả. Ngược lại, để ra được “ánh sáng”, được nhiều người biết tới hoặc công nhận, họ đã tự mình đi trong nhiều “góc tối”.  

>> Mời bạn đọc theo dõi những bài viết hay chuyên mục Góc khuất showbiz

Thật sự khi nghe cái tên Trần Toàn thì người ta chả biết gã là ai cho dù mười mấy năm trời  nhiều người vẫn còn nhớ những sáng tác của gã. Khi nói đến cái tên K300 thì nhiều người ồ lên “à, tay này trên Facebook tếu táo ghê lắm, làm thơ chọc ngoáy cũng kinh phết”. Khi ghép hai cái tên lại với nhau và giới thiệu đây là người đã sáng tác bài Hai người lính từng rất được  yêu thích trên Bài hát Việt thì nhiều người trố mắt ngạc nhiên “là gã này đây à?”. 



K300 (phải) và ca sĩ Trác Ngọc Linh trong phòng thu ghi âm cho đĩa nhạc đầu tay

Ra ánh sáng

Gã đó chính là Trần Văn Toàn, hay Trần Toàn hoặc K300. Tên nào cũng được nhưng thống nhất gọi K300 cho dễ nhớ, mà gã thấy thế cũng tiện, “mà cũng chẳng đụng ai”.

Hôm 17/6 vừa rồi, tại hội quán Yoko, K300 lần đầu tiên xuất hiện chính thức trước công chúng, ở tuổi 42, với  album đầu tay phát hành sau 5 năm trì hoãn. Lần này, để  không tiếp tục trì hoãn, K300 tự phối cho mình. Và Những  khoảnh khắc ra đời, 11 bài, 11 tự sự như đánh dấu 11 năm gã có mặt tại Sài Gòn, mảnh đất làm thay đổi cuộc đời và nuôi nấng những niềm tin gã đã vịn vào từ thuở bé. Hôm ấy, hội quán Yoko đông vui hơn mọi hôm.Ban nhạc mang tên AK-47, nghe rất súng ống. Cả nhóm chơi lần lượt tất cả các bài trong album, trong đó nhiều người đã rất lâu mới lại được nghe: Hai người lính Cánh thư cuối cùng, cả hai đều giành giải cao tại chương trình  Bài hát Việt năm 2006. Tinh thần của album Những khoảnh khắc có  nhiều nét giống với Đường về của nhóm Quái vật tí hon  khi tất cả đều là sáng tác của một người. K300 giống Hải bột của nhóm Quái vật tí hon ở chỗ những sáng tác của cả hai nằm im khá lâu mới được đem ra ánh sáng. Họ  được xếp vào dòng “underground”, tự mày mò, tự sáng  tác và… để đấy. 

Thị trường âm nhạc ngày càng phình to nhưng dành  rất ít chỗ cho “underground”. Hơn 10 năm trước, Nhà văn hóa Thanh niên từng là cơ sở hoạt động của RFC HCM (Rock Fan Club TP.HCM) nhưng chỉ một thời gian  ngắn thì CLB này bị “đẩy” ra ngoài bởi nhiều người  lo rằng mô hình này biến tướng với số fan ngày càng  đông đảo. Cần nhớ lại rằng những năm nửa đầu thập  niên 1990, nơi đây được xem là một trong những cái  nôi của rock Sài Gòn thời kỳ mới với những buổi diễn hàng nghìn người xem. Và mô hình RFC ở trong Nam lẫn ngoài Bắc đã từng giới thiệu được nhiều nhóm rock rất tiềm năng như Microwave, Thủy Triều Đỏ, Đại bàng trắng, Heroes  in Danger…, bây giờ thì hầu hết đã giải  tán. Âm nhạc K300 sống vào thời ấy. Anh sáng tác từ những năm 1995 và được phổ biến nhiều qua phần trình bày của nhóm rock Hà Nội, Thủy Triều Đỏ. 


K300 và Tuấn Evil, cựu thành viên nhóm The Light

Nửa đời lông bông

K300 sinh ở Hà Nội, ngụ ở làng hoa Vĩnh Tuy. Sau “mở  cửa”, nhà anh trở thành nghèo nhất khi phố xá bắt đầu lên đời. Dù giỏi Toán, Hóa và Vẽ nhưng lúc ấy K300 không nuôi được ước mơ nào cho mình, chỉ có đi học nghề mới  mong tìm được việc, nên anh quyết định bỏ thi đại học, đi  học nghề. Công việc đầu tiên là làm công nhân may găng  tay, rồi công nhân mài kính. Công việc mài kính nhàn nhã, K300 sáng đi làm chiều về tập võ và nghe nhạc. Thời kỳ  này sóng radio bắt đầu giới thiệu rất nhiều những ca khúc  quốc tế. K300 mê Pink Floyd, Dire Straits…, mê những  cao thủ guitar như David Gilmour, Mark Knopfler, Eric Clapton… (những người sau này được trang trọng đi vào bài hát có tên Cây guitar của tôi). Suốt ngày anh ngân nga Pink Floyd ở xưởng bất chấp một từ tiếng Anh bẻ đôi chẳng biết, bất chấp tất cả những bạn bè xung quanh lúc ấy toàn nghe Tuấn Vũ. 

Nhưng làm ở xưởng kính không lâu thì K300 bị đuổi vì tội trộm kính vụn mài làm quà tặng bạn gái. “Lúc ấy cả  xưởng đều làm như vậy thì chẳng ai bị phát hiện nhưng  đến lượt tôi thì bị bắt. Có lẽ số phận không muốn tôi làm công nhân”.

Bị đuổi, K300 lông bông suốt ngày ôm đàn hát, mang băng cassette sang nhà hàng xóm nghe nhờ, đợi người ta nghe xong anh mới rón rén xin nghe nhờ rồi đến khi gia đình hàng xóm ăn cơm tối thì lại mang băng về. Cả  gia đình rất lo cho tương lai của thằng con. Mẹ anh chạy vạy tìm được một việc ở lò bánh mì. Đáp lại, K300 bảo:  “Không, con không thích làm ở chỗ đấy”. Đêm ấy, lần đầu  tiên mẹ anh đã khóc cả đêm vì đứa con bướng bỉnh. “Hai  lần trong đời mẹ tôi khóc vì tôi, lần đầu là chuyện việc  làm, lần thứ hai là khi tôi đánh thằng em hư hỏng. Hai lần  đấy thôi mà tôi hối hận cả đời. Sau này tôi đem hết tâm sự  và gửi gắm vào bài Dại dột ơi, đó cũng là câu mà mẹ hay  nói với tôi, con dại dột lắm con ơi”.

Không làm được công nhân thì làm… bảo vệ. K300 làm bảo vệ cho một trường trung cấp dạy nghề, 15.000 đồng một tháng lương, làm theo ca. Cuộc đời K300 lúc ấy như một dòng sông trôi, không định hướng, không bến bờ. Anh tự nhận mình là một loser (kẻ thua cuộc) và họa vô đơn chí, đã thất thời mà lại còn làm… mất xe đạp của khách. Lương lúc ấy chỉ có 15.000 đồng mà bảo vệ thế nào để mất  chiếc xe Mifa trị giá… 700.000 đồng. Mất thì phải đền. May mà lúc ấy, thầy hiệu trưởng rất thương cậu bảo vệ, quyết định tặng luôn cho 60.000 đồng tiền thưởng Tết của mình cho cậu và kêu gọi mọi người giúp đỡ. Cuối cùng thì cũng đền  được cái xe nhưng điều xúc động nhất mà K300 nhận được  là lời của thầy hiệu trưởng nói với gia đình người bị mất xe:  “Những lúc rảnh rỗi tôi toàn thấy cậu ta chơi đàn, vẽ hoặc  đọc sách. Một người như thế chắc chắn không phải là một  người xấu”. “Tôi xúc động vô cùng, ít ra trong hoàn cảnh ấy, đó là một lời động viên vô cùng to lớn”, K300 nhớ lại. Nhưng  rồi bất chấp lời đề nghị của thầy là ở lại học miễn phí và sau  này ở lại trường giảng dạy, K300 lại ra đi. Anh muốn thay đổi  cuộc đời mình.

Lần này đích đến của K300 là ngành xây dựng, anh quyết  định làm… phụ hồ kiêm đạp xích lô. “Bẩn thì đến, sạch thì đi, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” là cuộc sống của những  phụ hồ như K300 lúc ấy. Nhưng K300 thì khác một chút, làm chăm chỉ như con ong, từ công trình này đến công trình khác, không nhậu nhẹt, bài bạc, chỉ nghe nhạc và nghe nhạc. Lúc ấy, chủ thầu đã từng chỉ K300 trước mặt mọi người và nói: “Chúng mày tin tao đi, thằng Toàn sau này sẽ có một tương  lai rất khác chúng ta, nó sẽ đi rất xa”. Lúc ấy đi xa đâu chẳng biết, chỉ biết cứ mỗi lần từ công trường về nhà là K300 lại  nhào đến ôm đàn suốt vài giờ liên tục, hát cho đã đời rồi mới  chịu làm việc khác.

Và cuối cùng K300 đi xa thật, lần này là vào đại học tại chức mỹ thuật công nghiệp. Suốt mấy năm trời K300 miệt mài vẽ, vẽ từ lớp tối đến cả lớp buổi sáng của dân chính  quy đến nỗi có thầy nêu gương anh trước sinh viên chính  quy rằng “các cậu cần phải học cậu ấy, người muốn học thì  không đủ điều kiện đi học, người đủ thì lại chểnh mảng”. Nhưng cái câu quan trọng nhất mà mà K300 lĩnh hội được suốt mấy năm học lại là một câu đơn giản từ người thầy dạy vẽ: “Em phải nhớ rằng điểm của cuộc đời cho em quý hơn rất  nhiều điểm mà tôi chấm cho em”.



K300 luôn tự mình làm tất cả. Từ bìa đĩa cho đến poster quảng cáo bán đĩa đều 1 mình anh nghĩ ra ý tưởng. Những ý tưởng của K300 trên Facebook được rất nhiều người yêu thích

Làm lại từ điểm xuất phát

Ra trường, năm 1995, K300 vào  làm công ty quảng cáo, lương 600 ngàn một tháng. Lĩnh  lương về đưa gia  đình một ít, một ít  để đủ xài nhưng trưa  nào cũng nói dối mọi  người cùng công ty  là buồn ngủ để tránh  việc phải đi ăn cơm  chung. Tiền đâu mà ăn,  túi lúc nào cũng lép kẹp,  “ngủ trưa” và “đọc sách” là hai thuật ngữ để chỉ  trưa không có gì bỏ vào bụng, tối đến chẳng có gì  ăn. “May mà tôi chưa bao  giờ ngủ trưa và đọc sách trong một ngày, không thì chẳng biết thế nào”.

Cuộc sống cứ trôi và cuộc đời K300 vẫn cứ lơ lơ lửng lửng. Lúc này anh đã bắt đầu có những sáng tác và được  nhiều người chú ý, đặc biệt là ca khúc Cánh thư cuối cùng do nhóm Thủy Triều Đỏ thể hiện. Bài hát với những hờn giận vu  vơ, những “cánh thư không mang lời hẹn hò”, tiếng guitar gỗ  móc nhịp nhẹ nhàng một thời trở thành ca khúc rất được yêu  thích của giới sinh viên. Lúc ấy, lẽ ra K300 đã trở thành thành  viên của Thủy Triều Đỏ nhưng khi nhóm này quyết định trở  thành một ban nhạc nghiêm túc “thì tôi quyết định ra đi bởi  tôi chẳng bao giờ nghiêm túc được trong âm nhạc”. Tuy thế, K300 cũng để lại cho Thủy Triều Đỏ nhiều ca khúc nổi tiếng  khác như: Nơi tuổi thơ tôi qua, Bạn bè, Cái chết trắng, Chuyện tình chiếc dây đàn, Giây phút uyên ương… Ca khúc Nơi tuổi  thơ tôi qua cũng từng tham gia Bài hát Việt, từng được VTV  ghi hình và tài trợ kinh phí làm video clip trong chương trình  ca nhạc về Hà Nội. Ca khúc Bạn bè là ca khúc rock đầu tiên  được VTV3 tài trợ kinh phí và ghi hình. Ca khúc này cũng từng  có mặt trong chương trình VTV bài hát tôi yêu. Ca khúc Hai  người lính, ngoài giải thưởng của Bài hát Việt cũng từng được trao giải về Đề tài chiến tranh hay nhất của năm.

Âm nhạc gần như là lẽ sống cho K300 nhưng chưa khi  nào đem lại cho anh được một cuộc sống đỡ chật vật. K300 vẫn phải dựa vào nghề quảng cáo để mưu sinh nhưng đất Hà  Nội lúc ấy chẳng hợp với anh. Năm 2000, mẹ mất, 49 ngày  vừa xong, K300 lên tàu vào Nam, trong túi chỉ vỏn vẹn hơn  5 triệu đồng, quyết gầy dựng cuộc đời mới. May thay, mảnh  đất phương Nam không xử tệ với anh. K300 xin việc làm khắp  nơi, dần dần, được nhận vào những công ty quảng cáo danh  tiếng, từ Stormeye cho đến Sachi và hiện anh đang là nhân  viên sáng tạo tại Lowe Việt Nam.

Phảng phất trong âm nhạc của K300 hiện ra rất nhiều hình bóng Sài Gòn. Thành phố lạ là hình ảnh nhà ga Hòa Hưng, nơi đón tiếp gã đàn ông ngơ ngác chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào. Sài Gòn thành quen với những buổi cà phê Bố  già trong Chuyện phiếm và rồi tỏa nắng trong Funky Xuân…  K300 yêu Sài Gòn như  thể anh được sống đúng với  con người  mình. Hà Nội vẫn đó, vẫn nhớ,  vẫn yêu nhưng không thể gọi  thành tên bởi bất cứ khi nào nhớ đến K300 lại bay ra. Và  anh lại hát “Dại dột con ơi,  sao không về với mẹ. Về với  lời ru xa xăm, con trót quên  rồi”. K300 không quên một  chuyện gì, kể cả người con gái anh làm mất  chiếc xe đạp Mifa. Cuộc  đời đã cho anh nếm trải  đủ mọi cung bậc và giờ  anh dùng âm nhạc để cảm ơn cuộc đời.

Nguyên Minh





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm