Falko Goetz cần tự “đi chợ”

12/06/2011 19:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Chúng ta luôn ngưỡng mộ và khâm phục bóng đá Đức, trong đó có các huấn luyện viên Đức, nhưng đó mới chỉ là khái quát, còn từng con người cụ thể lại phải chờ đợi.

Ngay sau khi bản hợp đồng giữa huấn luyện viên Falko Goetz với VFF vừa khô mực chữ ký, Đại sứ Đức tại Hà Nội Rolf Schulze đã bày tỏ thông qua một thông cáo báo chí rằng, kể từ nay “2 quốc gia sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trên lĩnh vực bóng đá”.

Cũng giống như cách nay chừng 1 năm, khi Eintracht Frankfurt có mặt tại Việt Nam đá 2 trận giao hữu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng vị đại sứ yêu thể thao này bày tỏ ước nguyện của mình qua giới truyền thông là muốn được nhìn thấy sự giao lưu và dấu ấn của nước Đức trong thể thao và bóng đá Việt Nam.

Thật ra, dấu ấn của người Đức lan tỏa khắp nơi trên khắp hành tinh mà thế giới thứ ba cũng không hề thiếu. Trước khi Việt Nam có ông Falko Goetz, các đội tuyển quốc gia cũng đã từng 2 lần làm việc với các huấn luyện viên Đức là ông Karl Heinz Weigang và Rainer Wilfeld. Trước khi Liên đoàn Bóng đá Đức gõ tên ông Goetz vào trong tập hồ sơ lưu trữ danh sách các huấn luyện viên Đức ra nước ngoài hành nghề chỉ vài tháng, họ cũng đã giới thiệu người của mình tới Nepal hay Rwanda.

Ông Falko Goetz cần phải tự lập ra cho mình bản danh sách đội tuyển quốc gia

Ông Falko Goetz, người chỉ nhiều hơn Juergen Klinsmann 2 tuổi, được hít thở bầu không khí bóng đá sục sôi với cuộc cách mạng trẻ hóa ở World Cup 2006 mà nước Đức là chủ nhà và lọt vào tới vòng bán kết.

Sự kiện này chính thức xác nhận bóng đá Đức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin, mà sự thay đổi về tư duy do Klinsmann khởi xướng, tạo nên những ảnh hưởng rất lớn.

Hẳn là ít nhiều Falko Goetz cũng chịu sự tác động đó. Nhưng điều đấy không có nghĩa chúng ta chắc chắn sẽ thấy phương pháp huấn luyện, tư duy chiến thuật và nhân sự kiểu Klinsmann ở sân tập Thành Long hay Mỹ Đình.

“Trong nhiều điểm tương đồng gắn kết Đức và Việt Nam đặc biệt nổi trội lên là sự đam mê bóng đá. Chính vì thế tôi vui mừng là giờ đây hai nước chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực bóng đá” - Ngài Rolf Schulze, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, phát biểu về sự kiện ông Falko Goetz trở thành huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam.

Năm 2010, Eintracht Frankfurt có mặt ở Việt Nam và người viết đã được tiếp xúc với một huấn luyện viên cũng rất trẻ và cũng sống trong “thời đại” Klinsmann, ông Michael Skibbe (sinh năm 1965), nhưng lại vẫn bị ám ảnh bởi những tư duy khá cũ và trông cậy vào đội ngũ cựu binh. Ông từng khẳng định rằng đội tuyển Đức sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì nếu như không có nhạc trưởng Michael Ballack (chấn thương). Nhưng cuối cùng, như chúng ta đã biết, với dàn cầu thủ rất trẻ, đội tuyển Đức đã hạ gục Anh, Argentina để có mặt ở vòng bán kết, rồi chỉ thua đúng Tây Ban Nha sau đấy đã vô địch.

Ông Falko Goetz khi cầm quân ở Hertha Berlin trong mấy mùa, xét về số bàn thắng nhiều nhất giải, đội bóng của ông nằm trong Top 5 ở Bundesliga (mùa 2004-2005, 2005-2006), thứ 6 mùa 2006-2007. Đồng thời đội bóng ấy cũng được đánh giá là tương đối trẻ trung và sẵn sàng cởi mở cho đối phương chơi bóng (nên thủng lưới khá nhiều).

Ngoài những phẩm chất như làm việc khoa học, sử dụng hệ thống phân tích của máy tính, xây dựng tính đồng đội, thế hệ huấn luyện viên chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng Klinsmann còn được ca tụng ở sự quyết đoán và đôi khi là dám đương đầu mà rõ rệt nhất với các huấn luyện viên đội tuyển ấy là triệu tập danh sách.

Ông Falko Goetz không chịu chờ cho tới sau trận Macau mà ông sẽ bắt tay vào làm luôn từ trận đấu đó, còn huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ sắm vai trợ lý.

Vòng mới rồi, ông Falko Goetz đã xuống Lạch Tray xem Hải Phòng đá với SHB.Đà Nẵng. Cũng không biết chừng, ông sẽ tự tay điền bổ sung một số gương mặt ông chấm được ở đó cũng như cả những trận khác ông đã xem chứ không chỉ chịu cảnh “nấu nướng” với những thứ nguyên liệu mà các cộng sự ông đã đi chợ.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm