HLV Trần Văn Khánh: Đừng mang phản ứng bột phát trên sân vào đời thường

11/04/2009 19:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Hơn 1 tuần qua, dư luận "nóng" lên với những câu chuyện về những hành động đầy tai tiếng của một số tuyển thủ quốc gia khi trở về CLB. Người ta nói nhiều về môi trường bóng đá thời "chuyên nghiệp" mà "lắm chuyện", để rồi mổ xẻ ra nhiều vấn đề về cuộc sống cầu thủ. Liệu các HLV, những người thầy gắn bó với các cầu thủ hàng ngày sẽ nhìn nhận về việc này như thế nào?. TT&VH Cuối tuần đã trao đổi với HLV Trần Văn Khánh, trợ lý HLV thủ môn ở ĐTQG và là HLV thủ môn ở T&T.Hà Nội.

Gặp HLV Trần Văn Khánh (cựu cầu thủ, HLV của Thể Công) sau một buổi tập của T&T.Hà Nội, ông đã chia sẻ nhiều chuyện về cuộc sống của cầu thủ thế hệ xưa và lớp đàn em ngày nay. Ông Khánh trầm ngâm nhớ lại : "Thời của chúng tôi so với bây giờ thì cuộc sống vật chất, điều kiện tập luyện không thể bằng. Nhưng ngày xưa có những cái mà cầu thủ chúng tôi luôn phải phấn đấu rất nhiều. Mỗi trận ra sân đá bóng với chúng tôi lúc ấy là điều hạnh phúc, vì bạn bè của chúng tôi phải ra trận mà không biết bao giờ sẽ trở về. Điều đó khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và xác định được nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ của người tham gia công tác thể thao, để rồi lao vào tập luyện và tập luyện. Lúc ấy, chúng tôi cũng là thanh niên, cũng muốn bay nhảy lắm chứ. Kể cả khi đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, chung tôi cũng tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nước bạn, nhưng khi về Tổ quốc chúng tôi vẫn sống đúng mực. Chúng tôi không kênh kiệu, không thỏa mãn, dù phải nói thật là đối tượng thi đấu của chúng tôi lúc ấy mạnh hơn bây giờ nhiều. Chúng tôi toàn đá với các đội cấp độ đội tuyển của Liên Xô, CHDC Đức, Trung Quốc...thì trình độ của họ đâu phải kém. Nhưng dù có đi đâu, làm gì thì thế hệ chúng tôi cũng nhìn nhận ra vấn đề để tự hoàn thiện con người mình hơn".

* Nhắc về chuyện cũ, ông sẽ nghĩ sao về cuộc sống của cầu thủ ngày nay khi họ đã được hưởng chế độ đãi ngộ cao ở V-League, được thưởng lớn và có những danh hiệu khi chiến thắng ở ĐTQG?

- Bây giờ cuộc sống đầy đủ lắm, đồ dùng cái gì cũng bấm, có xe máy, điện thoại đẹp...Khi xã hội phát triển, kinh tế phát triển thì tất nhiên gia đình và các cá nhân cũng phát triển, trong đó có cuộc sống của cầu thủ. Nhưng khi có điều kiện sinh hoạt, tập luyện tốt hơn thì sự gian khổ, sự trau chuốt trong tập luyện của họ chưa được hết mình vì họ không tập trung hết mình cho công việc tập luyện. Cầu thủ tập luyện nhưng bị phân tán vì công việc nọ kia, có thể nghĩ đến chỗ này chơi hay hơn, chỗ kia thích hơn. Có nhiều cái khiến họ bị phân tán, không tập trung cho nghề nghiệp. Cuộc sống hiện đại thuận lợi quá nên ý chí, sự phấn đấu, sự khát khao chơi bóng của cầu thủ không lớn như ngày xưa.

Tất nhiên, không phải tất cả các cầu thủ đều như thế. Có người đầy ý chí, nghị lực vươn lên, thích học hỏi kiến thức văn hóa, nhưng không phải là nhiều. Có điều nữa là cầu thủ ngày nay chóng thỏa mãn, khi có một chút danh tiếng thì dễ tự mình đánh mất chính mình. Vì vậy, họ có những lúc không kiểm soát được thái độ, hành vi của mình và nghĩ rằng bây giờ họ là trung tâm, là số một nên có người dễ bị trượt trong cuộc sống.

* Vậy theo ông, vấn đề cầu thủ đánh mất chính mình có phải lỗi hoàn toàn thuộc về cầu thủ khi môi trường, điều kiện sống của họ đã khác rất nhiều so với các thế hệ trước?

- Bây giờ nếu đổ lỗi ra thì rất khó. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm, nhưng một con người, một cầu thủ có nhận thức tốt thì người ta biết cách tự hoàn thiện mình, có sự tự giác, tự kiểm soát được hành vi của mình. Cái đó mới là điều quan trọng nhất, bởi nói gì thì nói chứ nhận thức, tri thức của con người phải được đề cao.
 
HLV Trần Văn Khánh và Hồng Sơn ở V-League 2009 - Ảnh D.A
 

 
* Các cầu thủ VN hiện tại nhận được nhiều tiền hơn, thu nhập cao hơn trước, nhưng một số người đã tự đánh mất mình với những chuyện tai tiếng. Ông có nghĩ các cầu thủ đã phải trả giá với cuộc sống vật chất cao hơn, nhưng đi kèm là "scandal" lại xảy ra dồn dập hơn?

- Tôi không đụng chạm đến vấn đề kinh tế, vì tiền của cầu thủ có người nhiều, có người ít. Tôi vẫn muốn nhắc lại một điều rằng mọi hành vi của cầu thủ phải cần xuất phát từ nhận thức, tri thức của họ. Khi người ta có tiền, nhưng có trí thức thì họ sống khác chứ! Tôi không nhận xét cầu thủ này nhiều tiền quá, cầu thủ kia ít tiền quá có thể khiến họ hư hỏng, bởi điều đó không đúng. Tôi vẫn nhắc các học trò của mình rằng cuộc sống ngày càng phát triển thì cầu thủ càng phải học hỏi nhiều hơn, được trang bị tri thức thì dẫn người ta đến đường đi đúng. Tập luyện bóng đá chắc chắn cũng phải có tri thức, bởi đấy không chỉ là tri thức về chuyên môn mà còn là kiến thức về cuộc sống để nhìn nhận ra vấn đề và tự hoàn thiện mình.

* Với sự việc liên quan đến một số cầu thủ tên tuổi trong sinh hoạt đã có những hành động bị dư luận chê trách trong thời gian gần đây, ông có nghĩ cái TÔI của cầu thủ quá lớn khiến họ để xảy ra những "sự cố" tai tiếng, ảnh hưởng đến tập thể?

- Cầu thủ nếu có thái độ kênh kiệu, lúc nào cũng nghĩ mình là số 1 thì chuyện đó dễ xảy ra. Nhưng vấn đề về sự kiểm soát của cầu thủ khi trên sân có những hàng động nóng nảy, bị nhận thẻ phạt, có nhiều cái đáng để suy nghĩ. Khi phản ứng trên sân, cầu thủ có thể không biết mình là ai nữa. Cái thói quen bột phát ấy nếu không rèn giũa hàng ngày thì người ta dễ bị kích động, dễ không làm chủ được mình. Trên sân hơi nóng mắt nhau một chút là muốn lao vào nhau rồi. Cái đó thuộc về phản ứng của cầu thủ trên sân.

* Nhưng chẳng lẽ các cầu thủ cứ nhất thiết có phản ứng trên sân, thậm chí phản ứng xấu, thì khi bước ra cuộc sống đời thường họ cũng sẽ có những hành động tương tự?

- Ngày xưa, chúng tôi đá bóng, chúng tôi có 2 con người. Con người ở trên sân thì chúng tôi phải tận dụng mọi điều kiện luật cho phép để chiến thắng đối phương. Nhưng khi bước ra khỏi vạch vôi thì chúng tôi phải xác định mình cũng là người bình thường. Chúng tôi không mang "nghệ thuật" trên sân vào đời và ngược lại, không mang "tiểu xảo" nào đó ở trên sân bóng vào đời sống. Ngày trước, tôi nếu hiền trên sân thì làm sao đá bóng được. Vào sân, không ai có thể bắt nạt được tôi. Mọi thủ đọan của đối thủ, tôi đều biết, có thể vượt qua điều đó để "trị" lại người ta. Trên sân, tôi hầm hố lắm, Nhưng khi bước ra ngoài sân bóng thì tôi phải sống chan hòa, nhường nhịn với mọi người, chứ chẳng lẽ trong sân sừng sộ với nhau thì khi ra cuộc sống cũng sừng sộ như vậy. Bây giờ nhiều ông mang phản ứng bột phát trên sân vào đời khiến nó lố bịch lắm. Đừng làm điều đó! Mà nói nhiều về chuyện này thì chung quy lại vẫn là vấn đề nhận thực và tri thức của cầu thủ.

* Với "sự cố" của thủ môn Hồng Sơn, học trò trực tiếp ở ĐTQG và T&T.HN, ông đã chia sẻ với Sơn như thế nào và thủ môn này có nói gì với ông sau những chuyện đã xảy ra?

- Sự cố của Sơn là điều đáng tiếc. Vì hành động đó, Sơn đã phải trả giá với kỷ luật của CLB. Tôi chỉ muốn nói với Sơn rằng khi một cầu thủ có được thương hiệu rồi thì phải cố gắng giữ được thương hiệu đó. Cầu thủ tạo được thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Giờ anh đã là người của công chúng thì mỗi hành động nhỏ nhất cũng phải kiểm soát được mình. Tôi muốn Sơn đừng lặp lại chuyện đã qua. Đấy là bài học để Sơn nhìn vào đấy mà tập luyện tốt hơn, có những hành vi đúng mực trước đám đông, trong cuộc sống. Sơn có tâm sự, xin lỗi tôi, nói cậu ấy rất buồn và hứa sẽ làm lại. Tôi có nhắc lại là lời hứa của người đàn ông thì cần phải biết giữ lấy lời. Tôi đang chờ đợi Sơn thực hiện được lời hứa đó.

* Xin cảm ơn ông.
 
Trần Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm