Hiện tượng U19 Việt Nam: Nhìn từ 'thế hệ Vàng' của Văn Quyến

25/09/2013 06:20 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhất là trong bóng đá, nhưng có lẽ cũng là không thừa khi nhắc về lứa U16 từng làm nên kỳ tích ở sân chơi châu lục năm 2000.

Đơn giản, nhắc để hy vọng, lứa U19 đang được tung hô lúc này, tránh được cảnh "thui chột" đáng tiếc như thế hệ đàn anh.

13 năm trước, ngày 9/9/2000 trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), U16 Việt Nam gặp Trung Quốc trong khuôn khổ loạt trận thứ 3 vòng loại bảng A thuộc VCK giải vô địch U16 nam châu Á.

Thua Nhật Bản 0-2 trong trận mở màn và dù thắng Nepal 5-0 ở trận kế tiếp, nhưng cửa đi tiếp của U16 chủ nhà là quá hẹp, khi đối thủ tiếp theo là Trung Quốc, quá mạnh. Hơn thế, vào thời điểm đó, khi mà bóng đá Việt Nam vừa "hụt Vàng" cực đau tại Tiger Cup 1998 trên sân nhà và đang chuẩn bị cho giấc mơ Vàng SEA Games 23 tổ chức ở Hà Nội 3 năm sau đó, thì dễ hiểu... chả ai quan tâm đến lứa con nít này chơi ra sao ở cái sân chơi vốn được coi là quá tầm.

Nhưng rồi, cuộc lội ngược dòng ngoạn mục với chiến thắng chung cuộc 3-2 bằng các bàn thắng của Văn Quyến, Như Thuật, Quang Tuấn đã giúp U16 Việt Nam không chỉ vượt qua chính Trung Quốc để giành quyền vào bán kết mà vị trí thứ tư chung cuộc năm đó cũng trở thành thành tích tốt nhất của bóng đá trẻ Việt Nam trên sân chơi châu lục cho tới tận lúc này (tính cả lứa U16 lẫn U19).

Có hơn, chỉ là thành tích của đội U19 miền Nam Việt Nam khi cũng là chủ nhà của giải tổ chức vào năm 1964 với vị trí thứ 3 chung cuộc.

Dễ hiểu vào thời điểm đó, chiến công của U16 Việt Nam được tung hô thế nào. Những khán đài của sân Chi Lăng đầy ắp khán giả, kín trên mặt trang của các tờ báo thể thao trong nước vừa bước vào thời kỳ nhật báo thịnh vượng là hình ảnh, lời ngợi khen HLV Nguyễn Văn Thịnh cùng các học trò: Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Đức Anh, Minh Đức, Lâm Tấn, Quang Tuấn...

Khi mà những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Công Minh... chỉ chạm đến những ngôi á quân SEA Games 1995, 1999; Tiger Cup 1998, nhiều người đã kỳ vọng vào một thế hệ Vàng mới ra đời. Văn Quyến được xếp vào hàng tài năng đặc biệt - một trong 4 ngôi sao bóng đá trẻ xuất sắc nhất châu Á lúc bấy giờ; Như Thuật được kỳ vọng thay thế Hồng Sơn ở khu giữa sân; Ánh Cường sẽ là "tiểu Huỳnh Đức" còn Lâm Tấn "đặt chỗ" thay Công Minh; Minh Đức kế tục Hữu Thắng...

Tất nhiên, mô hình đào tạo tập trung theo kiểu gà nòi lúc ấy không thành, nhưng đội tuyển U16 với nòng cốt là Sông Lam Nghệ An ấy vẫn được trọng dụng, để 2 năm sau còn dự VCK U19 châu Á và lại có trận hòa Trung Quốc 2-2, nhưng tiếc là không thể vượt qua vòng bảng.

Ánh hào quang được dựng lên ở VCK U16 châu Á 2000 được xem là bệ phóng không thể tốt hơn cho lứa cầu thủ tài năng này và cũng không ít người còn tiếp tục tỏa sáng trong những năm kế tiếp. Nhưng rồi, thật kỳ lạ là chẳng ai trong số đó, kể từ thầy đến trò trở thành những ngôi sao đích thực của làng cầu Việt.

Kẻ "tự đào hố chôn mình" mà có lẽ điển hình nhất là Văn Quyến; người tài năng không thể phát huy để rồi tới mức thui chột trên băng ghế dự bị, hoặc đánh mất mình trong cơn lốc của thời bóng đá bắt đầu lên chuyên với thước đo là tiền bạc.

Hãy hy vọng rằng, thế hệ U19 hiện tại, với tài năng không hề kém, sẽ tiến xa hơn thế hệ đàn anh năm xưa và đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao mới.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm