Đại hội VFF khóa VII: Chờ đợi những cột mốc lịch sử

18/03/2014 10:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng một tuần nữa, Đại hội BCH VFF khóa VII sẽ chính thức khai diễn tại trụ sở VFF ở đường Lê Quang Đạo (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Đây có lẽ là kỳ Đại hội BCH VFF có nhiều biến cố nhất trong giai đoạn chuẩn bị, khi có tới ít nhất 4 lần VFF phải hoãn lại thời điểm tổ chức vì những lý do khác nhau.

Đại hội BCH VFF khóa VII diễn ra trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn do sự rút lui của hàng loạt doanh nghiệp, còn ĐTQG và ĐT U23 QG đã liên tiếp thất bại ở các giải quốc tế và khu vực trong 3, 4 năm trở lại đây.

Vì thế, thách thức dành cho những người sẽ nhận trách nhiệm điều hành bóng đá Việt Nam trong vòng 5 năm tới sẽ là rất lớn, bởi làm sao để vực dậy nền bóng đá trong bối cảnh hiện nay vẫn là bài toán chưa nhìn thấy lời giải.

Cách đây gần 3 năm, VPF ra đời với biết bao kỳ vọng, nhưng cuối cùng VPF vẫn chưa thể mang lại diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam, còn đại đa số các CLB đều phải sống dựa vào nguồn kinh phí do nhà tài trợ cung cấp chứ chưa thể tự nuôi sống bản thân.

Ngay cả những nhà tài trợ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong mấy mùa giải gần đây cũng đều được đưa về theo hình thức “cây nhà lá vườn”, tức là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền lãnh đạo của các quan chức cấp cao trong bộ máy VFF và VPF (như nhà tài trợ Eximbank với quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, nhà tài trợ Kienlong Bank với Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng).

Điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam dù đã trải qua mùa giải chuyên nghiệp thứ 14 và cũng đã được làm mới triệt để từ khâu tổ chức bằng việc giao trọn quyền quản lý và điều hành cho VPF, song về cơ bản thì vẫn không có nhiều thay đổi so với khi chưa có sự xuất hiện của VPF.

Có vẻ như không phải là một sự ngẫu nhiên khi các vị trí quan trọng nhất của nền bóng đá là ghế Chủ tịch VFF hay ghế trưởng BTC giải đều phải rất vất vả mới tìm được chủ nhân, dù vẫn chưa rõ là có thực sự phù hợp hay không vì còn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Giải VĐQG chuyên nghiệp đã trải qua 2 cuộc cách mạng thực sự trong vòng 3 năm qua, đầu tiên là việc quyền tổ chức và điều hành giải đấu được trao lại cho chính các CLB, và đến mùa bóng năm nay thì V-League lần đầu tiên trong lịch sử đón nhận trưởng BTC giải là người nước ngoài.

Còn ở kỳ Đại hội BCH VFF khóa VII sắp tới, nếu như quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng được tín nhiệm để trở thành Chủ tịch VFF chính thức của nhiệm kỳ VII thì sự kiện này cũng xứng đáng được coi là một cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi VFF lần đầu tiên có người lãnh đạo cao nhất xuất thân từ doanh nhân.

Danh sách ứng viên các vị trí chủ chốt

Chủ tịch: Lê Hùng Dũng (Quyền Chủ tịch VFF)

Phó Chủ tịch chuyên môn: Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng Tổng cục Thể dục thể thao)

Phó Chủ tịch tài chính: Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HA.GL); Lê Văn Thành (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Động Lực)

Phó Chủ tịch truyền thông - đối ngoại: Nguyễn Lân Trung (Phó Chủ tịch VFF); Nguyễn Xuân Gụ (Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam).

Danh sách ứng cử viên BCH

1. Lê Xuân Bình (sinh năm 1958, Phó Chủ tịch LĐBĐ Thừa Thiên Huế)

2. Cao Văn Chóng (1979, TGĐ Công ty cổ phần thể thao Bình Dương)

3. Lê Ngọc Chức (1962, GĐĐH CLB Đồng Tháp)

4. Dương Hữu Cường (1972, Chủ nhiệm CLB bóng đá Cà Mau)

5. Võ Thành Danh (1959, Giám đốc trung tâm TDTT Đắc Lắc) 6. Lê Hùng Dũng (1954, Quyền Chủ tịch VFF)

7. Đoàn Nguyên Đức (1962, Chủ tịch HA.GL)

8. Nguyễn Xuân Gụ (1952, Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam)

9. Nguyễn Thanh Hải (1967, Giám đốc trung tâm bóng đá Viettel)

10. Nguyễn Thanh Hải (1979, Giám đốc nhà máy nước giải khát Sana - Yến sào Khánh Hòa)

11. Dương Văn Hiền (1966, Giám sát trọng tài)

12. Bùi Xuân Hòa (1957, Chủ tịch CLB Đà Nẵng)

13. Phạm Phú Hòa (1974, Phó Tổng Giám đốc VPF)

14. Nguyễn Quốc Hội (1967, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T)

15. Lê Nguyên Hồng (1952, Chủ tịch CLB Quảng Nam)

16. Phạm Văn Hùng (1955, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Hải Phòng)

17. Nguyễn Đức Hưng (1958, Chủ tịch LĐBĐ Lâm Đồng)

18. Lê Hồng Kỳ (1957, Giám đốc Trung tâm TDTT Lạng Sơn)

19. Dương Vũ Lâm (1959, Phó Chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á)

20. Nguyễn Hiền Lương (1960, Giám đốc Trung tâm TDTT Công an nhân dân)

21. Nguyễn Văn Mùi (1955, Giám sát trọng tài)

22. Nhan Thiện Nhân (1969, HLV trưởng CLB An Giang)

23. Đặng Ngọc Oanh (1956, Phó Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng)

24. Lê Quý Phượng (1957, Hiệu trưởng Đại học TDTT TP HCM)

25. Nguyễn Hồng Thanh (1950, Tổng Giám đốc SLNA)

26. Lê Văn Thành (1959, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Động Lực)

27. Nguyễn Hưng Thái (1955, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Nam Định)

28. Trần Quốc Toản (1960, Phó Giám đốc Sở VH, TT &DL Hà Nam)

29. Trần Cơ Trường (1961, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Thái Nguyên)

30. Nguyễn Lân Trung (1955, Phó Chủ tịch VFF)

31. Phan Anh Tú (1957, Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội)

32. Trần Anh Tú (1963, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM)

33. Trần Anh Tuấn (1966, Giám đốc TDTT Quận 1, TP.HCM)

34. Trần Quốc Tuấn (1971, Vụ trưởng Tổng cục TDTT)

35. Phạm Ngọc Viễn (1950, Tổng Giám đốc VPF)


Mai An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm