29/12/2011 11:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Chúng ta luôn kêu gào thiếu nhân tài thể thao (nhất là bóng đá) nhưng dường như, ngành thể thao đang chưa tận dụng được nguồn chất xám nội, trong đó không ít tên tuổi từng được đào tạo ở trời Âu hẳn hoi.
Giữa bạt ngàn “gió ngoại”
Trong 20 năm mở cửa, thể thao và bóng đá VN nói riêng đón rất nhiều HLV, chuyên gia ngoại. Trong số cơ man thầy ngoại khó thể liệt kê, cơ bản đều được đào tạo trong một môi trường thể thao chuyên nghiệp, có trình độ cao hơn ta rất nhiều. Tuy vậy, để tạo nên dấu ấn thì không nhiều. Lý do thì vô cùng và đều nghiêm trọng: không hợp với môi trường thể thao còn nghiệp dư, lạc hậu và thiếu kinh phí; căn bệnh chạy theo thành tích đè nặng; đường lối phát triển theo phương châm đi tắt đón đầu, dàn hàng ngang mà thiếu nhạy cảm trước sự vận động mới của thể thao nước nhà…Trong bối cảnh đó, nguồn chất xám ngoại phải buộc uốn theo thời cuộc-đào tạo nên những thế hệ VĐV kiểu ứng thí, đánh chiếm mục tiêu ngắn hạn. Do đó, việc lãng phí chất xám ngoại khó tránh khỏi.
Khi không có một chiến lược lâu dài, tư duy nhiệm kỳ còn lộ rõ với những người có trách nhiệm với thể thao VN, cụ thể là bóng đá, đã kéo theo một hệ quả khá đau lòng: Không có tính kế thừa giữa các đời thầy ngoại dẫn đến. Từ đó, lối chơi thiếu bản bản sắc, không phát huy được với sở trường của chúng ta.
Nhìn U23 thể hiện tại SEA Games 26, chúng ta thấy rất rõ lối chơi không rõ ràng trong hệ thống chiến thuật. Ông Falko Goetz muốn chơi thứ bóng đá tấn công rực lửa nhưng không thể, và điều đó đi trái với “đặc sản” phòng ngự-phản công mà HLV Henrique Calisto đã dày công định hình cho bóng đá VN đã ăn vào máu của mấy thế hệ cầu thủ.
Đất nước chúng ta còn nghèo, nhưng nên nhớ xe ô tô, điện thoại xịn nhất vừa ra đời thì dân ta cũng rất nhanh lẹ sắm. Bóng đá là đứa con cưng của xã hội. Thực tế, các đội sẵn sàng bỏ đến trăm tỷ đồng để nuôi đội bóng, các ĐTQG thi đấu đều được treo tiền thưởng cao ngất. Như thế quá đủ để đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm dùng thầy ngoại: ký hợp đồng với HLV, chuyên gia thực sự đẳng cấp, đàng hoàng, chứ không đến lúc ký xong rồi vẫn phấp phỏng. Thì đấy, lãnh đạo VFF từng tuyên bố ông Goetz là HLV cừ nhất trong số các thầy ngoại dẫn dắt các ĐTVN, nhưng chữ ký chưa ráo mực đã bẽ bàng nhận ra không ổn rồi sa thải.
Nghĩ từ Hội đồng HLV QG
Hội đồng HLV QG bỗng dưng được quan trọng khi chẳng khác được trao quyền quyết định một vấn đề vô cùng hệ trọng: tiếp tục dùng hay chấm dứt hợp đồng với HLV Goetz.
Điều đó khiến cho dư luận càng buồn cười bởi lâu nay Hội đồng này tồn tại như một “thực thể lạ” trong ngôi nhà VFF. Chúng ta cũng biết, có thời điểm, “Hội” này lên đến 7 thành viên, đa số đều là những HLV, chuyên gia bóng đá hàng đầu. Giờ đây, dù Hội đồng HLV QG đã có cái phòng nho nhỏ ở trụ sở VFF để đỡ tủi thân (trước đây không có), nhưng vẫn tồn tại theo kiểu hữu danh vô thực.
Không chỉ Hội đồng HLV QG chẳng được VFF xem trọng lâu nay, nếu lướt qua cơ cấu, ban bệ của VFF, có thể thấy rất rõ thiếu nhiều gương mặt rất không cần thiết cho bóng đá VN. Trong khi, không ít chân dung xuất thân từ bóng đá. Cuộc đời họ vắt qua những năm tháng hào hùng và gian lao để có được một thế hệ những người tham gia hoạt động bóng đá sống sung túc như ngày hôm nay, nhưng không được coi trọng.
Mặt khác, chẳng thiếu vị đã tu nghiệp ở nước ngoài. Nếu bảo kiến thức họ lạc hậu, không hữu dụng cho bóng đá nước nhà thì phiến diện. Có chăng, do cơ chế làm họ không thể phát triển, hoặckhông thực sự được lãnh đạo VFF trọng dụng thì đúng hơn.
Có thể thấy phong trào HLV trẻ do CLB tự bỏ tiền túi xuất ngoại học tập nâng cao đã manh nha. Nếu may mắn họ được VFF để ý, sử dụng thì khong nhận được sự tôn trọng trong đối xử lẫn chế độ đãi ngộ. Những Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn, Hữu Thắng chắc chắn rất băn khoăn, thậm chí thẳng thừng từ chối lên ĐT thời điểm này.
Sân cỏ nội được coi là sân chơi do ngoại binh nắm giữ số phận các đội bóng. 2 ĐTQG thiếu nhân tài đến cùng quẫn. Vậy, có đau lòng không khi rất nhiều cầu thủ Việt kiều vẫn không về thi đấu, cống hiến vì sự phát triển của bóng đá quê hương.
Hãy nhìn bóng đá dưới lăng kính khác. Theo dự đoán mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2011 có thể là một “mùa vàng” kiều hối chuyển về VN, với doanh số ước đạt 9 tỷ USD. Như vậy, VN tiếp tục là một trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Chỉ cần bóng đá tận dụng được phần nhỏ chất xám từ kiều bào, cũng đã mừng.
Bóng đá VN thiếu nhân tài-cầu thủ và HLV giỏi, không tin là thế. Có chăng, VFF đã không tập hợp được lực lượng, trí tuệ. Họ không đủ năng lực, họ không muốn người giỏi bóng đá tham gia bộ máy mình; do tổ chức này không tạo được niềm tin để thu hút nhân tài, có lẽ là tất cả.
Thế nên chỉ tái cấu trúc VFF, thì mới hy vọng nền bóng đá nước nhà cất cánh.
NGỌC HÒA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất