Giao hữu Việt Nam – Singapore còn 1 ngày: Calisto và nghệ thuật sắp đặt

13/10/2008 11:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Khi một HLV xếp một tiền vệ cánh thuận chân trái ở bên hành lang phải, nghĩa là ông không trông chờ vào những quả tạt bóng vào trong vòng cấm cho các vị trí khác dứt điểm. Ông muốn đội bóng của mình khi đưa bóng xuống đến biên, thì các tình huống tiếp theo sẽ là một pha bóng bó vào trong, hoặc nếu tạt cánh, thì đó phải là pha chồng biên với hậu vệ dâng cao.

Ông Calisto đã xếp Thành Lương hay Bảo Khanh bên cánh phải, rồi Tấn Tài bên cánh trái ở Cúp TP HCM chính là dựa trên nguyên tắc đó. Lối chơi Latin thường không khuyến khích những pha bóng kiểu như vậy.

Thực ra, trong số các HLV ngoại của ĐTVN, việc cho các cầu thủ chơi “trái cựa” không phải là sáng tạo của của ông Calisto. Năm 2004, đội tuyển dưới thời của ông Edson Tavares cũng đã từng thử nghiệm và có thời điểm thành công rực rỡ. Bảo Khanh đá cánh phải. Công Vinh cánh trái. Chỉ có khác ở chỗ, đội hình của Tavares không có một trung phong thực thụ. Huỳnh Đức, tiền đạo thứ 3 lại là người chơi thấp nhất, đôi lúc giống với một tiền vệ tổ chức hơn.

Có lẽ là 4 năm trước, khi quan sát đội tuyển với tư cách là HLV của một CLB, ông Calisto cũng đã nhận thấy những điểm ưu việt của nó. Thêm nữa, ông cũng là một môn đệ của bóng đá Latin như đã nói ở trên.
 
Hàng công của ĐTVN giờ chỉ trông chờ ở Công Vinh
 
Thành thử, nói ông Tô thử nghiệm cũng không hẳn mà sáng tạo thì càng không chính xác. Mặc khác, tiếc là nó đã chưa mang lại cho ông Tô những kết quả tích cực. Cả Bảo Khanh lẫn Thành Lương khi đá ở cánh phải đều không làm nên những đột biến và thiếu hiệu quả. Nguyên nhân nằm ở việc cả hệ thống của đội tuyển hoạt động không tốt, các vệ tinh xung quanh di chuyển chưa hợp lý, thiếu khoảng trống và phần nào đó là cả bản thân các cá nhân trên đều không có được phong độ tối ưu.
 

Trong những ngày qua, ở Mỹ Đình, Henrique Calisto tạm cất đi tác phẩm nghệ thuật sắp đặt còn dở dang của ông. Thành Lương đá cánh trái, Tấn Tài đá cánh phải. Buổi tập nào cũng vậy, nhưng khi họ được xếp chơi như ở CLB, ông Tô vẫn “cấm cửa” các pha tạt bổng.

Đánh thẳng mặt và chọc vào nách

6 cầu thủ có thể coi là chuyên trách tấn công- gồm 3 tiền đạo Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải và 3 tiền vệ Bảo Khanh, Thành Lương, Tấn Tài - hôm qua được ông Tô cho rèn 2 miếng đánh.

Một là tiền đạo nhận bóng quay lưng lại khung thành của đối phương, xử lý bằng một động tác quặt bóng qua người rồi tung ra cú dứt điểm ở thế đối diện với khung thành đối phương;

Hai là các cầu thủ chạy cánh đưa bóng xuống sát đường biên ngang rồi căng ngang vào trong cho các tiền đạo dứt điểm 1 chạm. Thường có 2 điểm cắt ở trong vòng cấm đảm nhiệm khâu “kết liễu” đối phương.

Cũng có điều phải bàn về độ thuần thục của miếng đánh này, vì các tiền đạo còn thiếu độ tự tin khi dứt điểm 1 chạm. Trong cách di chuyển, họ còn chưa thực hiện được nguyên tắc quan trọng: di chuyển cắt mặt thay vi chỉ có đâm thẳng rồi “vả lòng” hay “úp mu”.

Dẫu vậy, đó là cách tính không thể khác được của ông Calisto. Một chuyến do thám Singapore đá vòng loại World Cup với Saudi Arabia cách nay 4 tháng đã giúp ông nhận ra những ưu nhược điểm trong cách phòng ngự của đội bóng 2 lần liền vô địch Đông Nam Á.

Nếu “chiến” trên không với Singapore, chúng ta không có đủ cơ sở để đánh sập hàng thủ của đối phương chơi bóng bổng khá thuần thục. Rất cần và phải chiến trên mặt đất mới mong có cơ hội tiếp cận thành công.

Nói một cách hình ảnh, vậy là ông Tô chuyển đổi từ nghệ thuật sắp đặt sang nghệ thuật ứng dụng ở hệ thống tấn công. Nhưng có lẽ, ông lại tiếp tục với nó ở hàng phòng ngự khi trong tay đã có thêm vài quân bài...
 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm