10/09/2020 19:34 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn)- “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” là câu nói được chiến lược gia người Áo khi còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đưa ra năm 1998, thời điểm ông giúp Việt Nam có danh hiệu Á quân giải bóng đá Đông Nam Á. 22 năm sau tuyên bố của HLV Riedl, câu nói đó vẫn ít nhiều giá trị.
HLV Riedl với nhiều thế hệ cầu thủ, HLV được làm cộng sự cho ông đã dành nhiều lời lẽ tán thưởng và kính trọng người thầy từng giúp bóng đá Việt Nam thăng hoa.
Trong giai đoạn trở lại hội nhập với bóng đá khu vực, sau HLV Weigang, cái tên HLV Riedl là một trong những người khai thác được tiềm năng của nền bóng đá.
Hai gương mặt còn lại được chọn lựa chính là HLV Calisto và hiện tại là Park Hang Seo.
HLV Alfred Riedl nhận được sự tôn trọng của nhiều người khi ông mang tư duy bóng đá chuyên nghiệp của Âu châu về áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. Sự chuyên nghiệp, thẳng thắn của HLV Riedl khi làm việc ở dải đất hình chữ S đã giúp ông nhận ra sự hạn chế của bóng đá Việt Nam qua tuyên bố “xây nhà từ nóc” như đã đề cập.
HLV Đoàn Minh Xương nhận định, ý kiến của HLV Riedl là chuẩn xác bởi thời điểm đó, bóng đá Việt Nam chỉ sống nhờ bao cấp của Nhà nước, khâu đào tạo trẻ không hề được chú trọng, chỉ duy trì tạm bợ. Phải sau khi chứng kiến những tiềm lực mà HLV Riedl gây dựng được cho bóng đá Việt Nam và câu nói khiến nhiều người làm bóng đá nước nhà phải tự ái kia, nền bóng đá mới thực sự thay đổi theo hướng tích cực.
Sau 22 năm, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nền móng vững chắc hơn từ hàng loạt lò đào tạo trẻ trong nước. Từ những lò truyền thống như SLNA đến hiện đại như HAGL, PVF, Hà Nội, Viettel… bóng đá Việt Nam đã tiến thêm một bước khá xa ra châu lục.
Bằng chứng là tấm vé dự U20 World Cup 2017. Trước đó 10 năm, HLV Riedl cũng đã đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup, để rồi 12 năm sau, HLV Park Hang Seo mới tái lập được thành tích như người tiền nhiệm.
Việc chú trọng phát triển tiềm năng nền bóng đá đã thực sự giúp bóng đá Việt Nam khoác trên mình diện mạo mới. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, 22 năm từ câu nói của HLV Riedl, “lời tiên tri” đó vẫn còn giữ nguyên những giá trị.
HLV Đoàn Minh Xương khi dẫn dắt Đồng Tháp vô địch quốc gia, giúp nhiều cầu thủ được triệu tập lên thi đấu cho đội tuyển của HLV Riedl cho biết: “Thực sự lời phát biểu của HLV Riedl về việc bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc vẫn còn đúng ở nhiều khía cạnh.
Như đã đề cập nhiều lần đó là mô hình tháp ngược từ V-League đến giải hạng Nhất. Giải hạng Nhất hiện tại chỉ có 12 đội, trong khi V-League có tới 14 đội, cái đỉnh tháp mà to hơn cái đế tháp thì cũng khó hiểu.
Đến hiện tại, HLV đội U19 Việt Nam Philippe Troussiers ca thán về các giải trẻ quá ít, cầu thủ trẻ không được thi đấu học hỏi nhiều trong một năm. Tính sơ sơ mỗi năm cầu thủ trẻ nhiều địa phương chỉ đá không nổi các trận đấu đếm trên đầu ngón tay thì sao khai thác hết nguồn lực cầu thủ trẻ trong nước được.
Nói điều này ra thì cũng phải đánh giá công bằng rằng một mình Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là không đủ để xây dựng hệ thống thi đấu giải trẻ theo hướng hiện đại, chuẩn mô hình của các nền bóng đá phát triển trên thế giới mà muốn làm được điều này thì phải cần sự hỗ trợ chính sách từ Nhà nước.
Minh chứng là hãy đặt câu hỏi hiện nay doanh nghiệp tư nhân, ông bầu nào đủ sức làm sân thi đấu, sân tập luyện cho cầu thủ của mình được.
Bóng đá Việt Nam trước mắt xác định đã chưa thể làm ra tiền, do đó nếu Nhà nước mình xác định đầu tư mạnh cho bóng đá để nhân dân có niềm vui, có sự tự hào thì phải chung tay ủng hộ sau lưng cho doanh nghiệp.
Bầu Đức từng tuyên bố ông chơi bóng đá 20 năm qua, tốn số tiền cỡ 2 ngàn tỷ. Con số này thực sự khổng lồ và về lâu dài, có thể không nhiều ông bầu chịu nổi duy trì ngân sách hoạt động để chơi bóng đá. Nhà nước cần những chính sách, luật hóa, hỗ trợ để doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư bóng đá thì được những quyền lợi khác như: thuê đất, giảm thuế…
Hiện tại các ông bầu có thể dùng bóng đá để làm ăn khi vẫn thấy lợi ích thôi còn sẽ không có nhiều người nói tôi yêu bóng đá quá, hàng năm bỏ ra trăm tỷ để duy trì tình yêu đó thì thực sự không có đâu.
HLV Troussiers nhìn thấy tình hình phát triển của cầu thủ trẻ Việt Nam không tốt do họ không được thi đấu thường xuyên ở CLB. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ chơi bóng, VFF cần nhiều nguồn lực chung tay để tổ chức giải đấu, muốn tổ chức thì phải có tiền, tiền từ đâu: từ các nhà tài trợ.
Nếu xem bóng đá là môn đặc thù ở Việt Nam thì phải có chiến lược xây dựng đồng bộ, phát huy mọi nguồn lực xã hội, giúp bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng phát triển, tìm tài năng cho nền bóng đá.
Ai cũng thấy các nền bóng đá phát triển trên thế giới đã tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ nếu không được thi đấu đội chính thì sẽ chơi ở đội hình B, giúp họ không ngồi hoài trên ghế dự bị, dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ cuộc, thui chột về chuyên môn.
Với tình hình Việt Nam hiện tại, nhiều CLB như DNH Nam Định, Thanh Hoá, SLNA, Quảng Nam… chỉ duy trì được đội 1 sống hàng năm thôi đã là mừng lắm rồi, không dễ mà tìm được đội hình 2. Nếu VFF tổ chức được như thế thì CLB cũng phải đôn đáo lo tiền di chuyển, ăn ở… Hiện tại, VFF chỉ nuôi quân ở các đội trẻ, đội nữ, đội U22 hay ĐTQG cũng đã đuối lắm rồi. Khả năng tìm tài trợ của họ cũng không phải là tốt.
Cách đây vài năm, tôi có gặp một chuyên gia bóng đá Đức. Tôi cũng có nói chuyện về giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam. Ông ấy hỏi tôi rằng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện tại là bao nhiêu.
Tôi trả lời là khoảng hơn 2 ngàn đến 3 ngàn USD/năm. Ông ấy nói với thu nhập đó thì thực sự rất khó mơ về World Cup. Bóng đá không chỉ đơn thuần là sự phản ánh trình độ kinh tế của mỗi quốc gia nữa”.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất