07/05/2011 06:54 GMT+7 | V-League
(TT&VH Cuối tuần) - Tất cả các sự việc đều có quan hệ nhân quả. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu ta là cuộc chạy đua theo kiểu ăn xổi. Vậy nên, chuyện phải trả giá là tất yếu. Tiếc rằng, nó đến sớm hơn tiên liệu.
V-League năm thứ 11 đã khép lại lượt đi với bao điều đáng suy nghĩ. Đã có những bất thường xảy ra.
Đấy là sự leo thang của bạo lực sân cỏ, khi số lượng thẻ phạt tăng đột biến so với lượt đi mùa giải trước. Khái niệm giữ chân cho đồng nghiệp là thứ xa xỉ, trước sức ép thành tích đã buộc cầu thủ đối xử với nhau như kẻ thù.
Trọng tài (TT) đã cố gắng rất nhiều để thiết lập kỷ cương, hạn chế bạo lực sân cỏ. Có điều, bản lĩnh cùng chuyên môn hạn chế, đã biến những nỗ lực đó thành sự cứng nhắc. Khi các đội càng phản ứng dữ dội, như một phản xạ có điều kiện, thì lực lượng cầm cân nảy mực càng bối rối, đánh mất sự tỉnh táo lẫn dũng khí. Mối quan hệ giữa cầu thủ, quan chức với TT thực sự căng thẳng, hơn hẳn các mùa giải trước. Nguy cơ đó đã vượt khả năng kiểm soát của Hội đồng trọng tài quốc gia. Bản thân họ cũng không nghĩ rằng, đầu mùa giải hai bên đã gặp nhau, nhưng bước vào cuộc chơi, xung khắc lại dữ dội như thế. Tất cả đã định hình những quả bom, chỉ chờ phát nổ ở lượt về, nếu như sự căng thẳng không được vãn hồi.
Đấy là sự sa sút thảm hại của hàng loạt đại gia, hoặc biểu tượng một thời chưa xa. ĐT.LA đang chôn chân dưới đáy bảng, nguy cơ rớt hạng đã hiện rõ trước mắt. Á quân Hải Phòng cũng bị đẩy xuống vị trí 12. Đành rằng năm nay Hải Phòng thiếu Leandro, nhưng để lấy điều đó biện giải cho sự đi xuống thất vọng như thế, không thuyết phục chút nào.
Huấn luyện viên Dusit không đủ sức vực dậy Hoàng Anh Gia Lai |
Tiêu biểu nhất cho sự thất thế của các đại gia một thời, đấy là HA.GL và B.BD. Cả hai đều phải thay tướng, sau vòng 13. Điều hài hước, những thay đổi đó không có dấu hiệu của sự hồi sinh. Huấn luyện viên Huỳnh Văn Ảnh chẳng hơn gì Dusit. Trong khi, sự có mặt trở lại của nhà cầm quân Đặng Trần Chỉnh cũng không mới mẻ gì.
Nếu như bầu Đức còn chấp nhận thực tế đến lúc phải trả giá cho cách làm ăn đong, bằng việc lo chăm bẵm công tác đào tạo trẻ để chờ thời, thì B.BD vẫn ảo tưởng. Họ thực sự mất phương hướng, trong việc vạch ra cho mình một con đường để thoát cơn khủng hoảng trầm kha.
Tính đến thời điểm này, HA.GL đã trôi qua năm thứ 7 thất bại sau khi lên đỉnh, B.BD đã 3 mùa trong khi ĐT.LA 5 mùa bóng đánh mất hình ảnh của mình. Với Hà Nội.T&T, xem ra năm nay, họ quá khó bảo vệ được ngôi vương. Có thể thấy, ngôi vô địch đã biến động rất mạnh, khi những đội bóng nhiều tiền đã không còn làm mưa làm gió.
Đấy là những cái giá phải trả rất rõ, bởi tất cả những đại gia trên đều phát triển trên cái nền không vững. Sức mạnh đồng tiền chỉ phát huy ở thời điểm nhất định, nó không quyết định đến thành công ở thì tương lai.
Trong bối cảnh đó, thì sự lên ngôi của hàng loạt đội bóng mang sắc màu địa phương, là sự bất thường tích cực. Đã đến lúc, V-League phải trả lại những giá trị đích thực. Có lẽ, VFF cũng phải cảm ơn Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, SHB.Đà Nẵng, Tập đoàn cao su Đồng Tháp, K.Khánh Hòa, những đội bóng đã mang đến cảm xúc đích thực của môn thể thao vua.
Khi VFF tuyên bố đây là mùa giải chuyên nghiệp đích thực, thì chỉ sau lượt đi với nhiều diễn biến phức tạp, họ đã run run cho đoạn kết.
Cái gì cũng có giá của nó!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất