Từ sự hy sinh của "hiệp sĩ" Chinh...

08/09/2010 13:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Gia đình và những người đồng đội trong câu lạc bộ “săn bắt cướp” của anh Nguyễn Xuân Chinh đang đề nghị Nhà nước xem xét, truy tặng anh danh hiệu liệt sĩ, vì đã hi sinh trong khi làm “nhiệm vụ”.

Tôi để từ nhiệm vụ trong ngoặc kép, bởi lẽ đó không thực sự là một công việc mà anh - cũng như những người đồng đội khác trong câu lạc bộ - được giao phó bắt buộc phải hoàn thành. Đặt mạng sống của mình trong vòng nguy hiểm để đổi lấy sự bình an cho nhân dân, cho đường phố khỏi những kẻ cướp giật nguy hiểm, đó là một nghĩa cử cao đẹp, đáng được trân trọng và ghi nhớ. Mỗi lần đọc một bài viết kể về sự tích chiến công của các anh, về sự hi sinh các anh nhận lấy không chút than thở hay đòi hỏi phải được tôn vinh là một lần tôi xúc động, thầm cảm ơn cuộc sống vẫn còn có những chàng Lục Vân Tiên hết lòng bảo vệ người lành.

Nhưng việc anh Chinh vì đuổi theo tên cướp trên đường phố mà rồi hi sinh tính mạng khi tuổi đời hãy còn rất trẻ, cùng với câu chuyện về người lái tàu - là trụ cột của một gia đình với người vợ và ba đứa con nhỏ - đã hi sinh cánh tay của mình, đồng nghĩa với việc không còn khả năng theo đuổi nghề nghiệp đó nữa, để cứu lấy sinh mệnh của 300 hành khách trong một vụ tai nạn xe lửa trước đó, lại làm dấy lên trong tôi một nỗi ưu tư, day dứt.


Cha mẹ anh Chinh cùng với huy chương Tuổi trẻ
dũng cảm của TW Đoàn bên linh cữu con trai

Đành rằng xã hội luôn cần những con người dũng cảm như thế. Nhưng đôi khi quá mải mê trong việc ngợi khen, cổ vũ mà chúng ta quên mất một điều, rằng giá như không bao giờ phải để những hi sinh, mất mát như thế thì tốt hơn biết bao.

Cánh tay của người lái tàu kia có lẽ đã chẳng mất đi, cuộc sống của gia đình năm người họ có lẽ đã chẳng khốn khó hơn nhiều nếu như không có một chiếc xe cứ cố vượt qua đường ray xe lửa khi còi tàu đã hú. Bi kịch hơn, chỉ chục ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn này, tại cùng đoạn đường ray giao với đường dân sinh đó, lại xảy ra một vụ tàu hỏa đâm xe ô tô khác. Nguyên nhân? Cũng lại là ô tô cố vượt qua đường ray khi tàu đã gần tới. Tôi tự đặt câu hỏi: trong suốt một tuần sau khi vụ tai nạn đầu tiên xảy ra đó, dù báo đài đưa tin rất nhiều, dù các cơ quan chức năng tại địa phương đã tham gia vào cuộc để khắc phục hậu quả, nhưng tại sao việc khẩn thiết nhất, cần phải làm nhất là ngay lập tức xây rào chắn bê tông, hoặc một cách nào đó khác để kiểm soát tốt hơn khu vực dân sinh này, lại không được thực hiện kịp thời, để đến nỗi tiếp tục xảy ra vụ tai nạn thứ hai?

Cũng tương tự như vậy, anh Chinh có lẽ đã không phải ra đi ở tuổi 27, và nhiều chiến sĩ săn bắt cướp khác đã không phải nhập viện sau những lần truy đuổi kẻ phạm tội. Những vụ cướp giật trên đường phố vẫn xảy ra mỗi ngày. Trong số những kẻ phạm tội đó, có cả con nghiện, cả những kẻ liều mạng luôn mang theo mình dao, súng, sẵn sàng chống trả khi bị đuổi bắt. Trong khi đó, hành trang mà những anh hùng thầm lặng trên đường phố có được chỉ là những kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân và đồng đội sau những lần làm “nhiệm vụ”. Chính quyền biết đến sự tồn tại của họ, thành phố có trao tặng giấy khen cho họ, nhưng những hỗ trợ thiết thực hơn như một khóa huấn luyện về nghiệp vụ săn bắt cướp, hay dụng cụ khống chế kẻ tội phạm (tất nhiên, cùng với giấy cam kết chỉ sử dụng vào mục đích săn bắt cướp - nếu cần)... đều không được cung cấp. Thậm chí một chiến sĩ săn bắt cướp đã kể lại rằng sau một lần dẫn giải tội phạm đến trụ sở công an, anh đã bị chính những chiến sĩ công an này tịch thu chiếc còng số 8 tự mình trang bị. Biết họ làm vậy là đúng luật, nhưng vẫn thấy chua xót làm sao...

Ở nơi nào cũng có cái ác, cái xấu. Người chống lại chúng cũng rất cần được hỗ trợ, bảo vệ.

Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm