Phải giữ tốc độ tăng trưởng trên 6%

18/10/2008 09:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 17/10, ngày làm việc thứ hai tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, các đại biểu thảo luận tại tổ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng đọc tại phiên khai mạc đi sát với thực tế. Các đại biểu đánh giá cao 8 nhóm giải pháp tổng hợp, đồng bộ đồng thời hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số ý kiến khác bày tỏ sự băn khoăn. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhận xét báo cáo của Chính phủ chưa nêu hết những khó khăn, tồn tại. Đại biểu QH tỉnh Đắc Lắc cho rằng, thực hiện thắt chặt việc giảm chi nhưng không phải là "thắt hết", người nông dân muốn phát triển sản xuất rất cần đến các nguồn tín dụng song lại gặp khó khăn khi tiếp cận, ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất, nâng cao đời sống. Một số đại biểu cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác như: giải quyết việc làm cho người lao động; quan tâm cải tiến công tác dự báo; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; cải cách tư pháp; xem xét lại một số chương trình sự nghiệp kém hiệu quả; vấn đề kiểm soát giá cả; tình trạng đầu tư nhiều nhưng không hiệu quả, đầu tư dàn trải... Đặc biệt, nhiều ý kiến bức xúc về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả lại 13 dự án đồng thời yêu cầu lãm rõ trách nhiệm của EVN cũng như Bộ Công thương trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách TƯ và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, cần đánh giá việc huy động trái phiếu và khả năng giải ngân, xem vướng mắc chỗ nào để tháo gỡ, và đề nghị Chính phủ cùng các bộ hữu quan nên có đánh giá về việc chuyển nguồn để khắc phục tình trạng vốn có mà không sử dụng được. Nêu lên thực trạng tại một số tỉnh như Bình Thuận, Bạc Liêu... có những công trình đã chờ 10 năm nay mà không có vốn, đại biểu yêu cầu cần nghiên cứu lại cơ chế về điều chuyển vốn; địa phương nào, ngành nào không sử dụng được thì xem xét để điều chuyển sang địa phương khác, ngành khác.

Bên lề Quốc hội, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Du Lịch (Đại biểu TP.HCM) đã bày tỏ quan điểm về những vấn đề liên quan đến tình trạng lạm phát, khả năng tăng trưởng của đất nước trong thời gian tới. Ông cho rằng, Việt Nam phải cố gắng giữ được tốc độ tăng trưởng trên 6%. Đây là chỉ số cần thiết để không phát sinh các vấn đề phức tạp. Muốn vậy, chúng ta phải chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Nhưng tình hình thế giới suy thoái như thế này thì chúng ta phải mở rộng thị trường nội địa, kích cầu đầu tư, nới lỏng tiền tệ, hạ thấp lãi suất...

“Tôi tán đồng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa con số 6,5% - 7%. Đây là con số mềm chứ không nên cố định trên 7%. Vì trong trường hợp bối cảnh kinh tế xấu như vậy thì phải tính toán cân đối giữa kiềm chế lạm phát với đảm bảo tốc độ tăng trưởng và chúng ta phải tính bài toán định lượng vì quan hệ đầu tư với tăng trưởng, lâu nay vẫn quen định tính” – ông Lịch nói.

Trả lời câu hỏi “Nếu lạm phát năm 2009 vượt quá 15%, điều gì sẽ xảy ra”, ông Lịch cho rằng: “Tôi không nghĩ lạm phát lên tới 15%. Với tình hình như năm 2008 thế giới xảy ra tình trạng hai thái cực song song: Nóng (lửa) do tăng giá của 3 loại hàng hóa chính là lương thực thực phẩm, nhiên liệu và kim loại. Bên cạnh đó, thị trường tài chính lại suy thoái (băng). Cuối năm 2008, lửa giảm nhưng băng lại lớn hơn để báo hiệu sự suy thoái. Cái tuyệt vời rất hay của Việt Nam chúng ta vừa qua là trong gọng kìm của băng và lửa thì nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định. Đấy là thành quả lớn trong sự điều hành của Chính phủ vừa rồi. Để kiềm chế lạm phát, tôi cho rằng cần phải tính toán kỹ để tránh bị động vì cho đến nay không ai khẳng định rằng nền kinh tế toàn cầu không suy thoái. Đây là vấn đề rất quan trọng để chúng ta cần cảnh giác để kịp thời đối phó”.

T.Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm