12/03/2015 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nam bộ là vùng đất có nhiều cơ sở tín ngưỡng với những lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo mà tầm ảnh hưởng cũng như quy mô lan tỏa lớn mang tính vùng và liên vùng, hàng năm thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt người tham dự. Chúng ta có thể kể đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Nghinh Cô (Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu), lễ hội chùa Bà (Bình Dương), lễ hội Gò Tháp (Đồng Tháp), lễ hội Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang)…
Điều đáng nói là hầu hết các lễ hội ở miền đất này diễn ra hết sức hiền hòa, linh thiêng, vui vẻ, dù nhiều lễ hội có tính ganh đua quyết liệt như lễ hội Ok-om-bok đua ghe ngo (Sóc Trăng), lễ hội đua bò (Bảy Núi, An Giang)... Người dân địa phương và khách du lịch, khách hành hương gần như chưa hề chứng kiến những cảnh giẫm đạp lên nhau gây mất an ninh trật tự hay tranh giành lộc thánh dẫn đến tranh cướp, đánh nhau.
Vì sao lễ hội tại Nam bộ hiền hòa như vậy? Thể thao & Văn hóa lần lượt giới thiệu những phân tích của các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về văn hóa Nam bộ, hầu mong khơi gợi thêm nhiều góc nhìn khác.
Mở đầu cho loạt bài về đề tài này, Thể thao & Văn hóa giới thiệu bài viết của Nguyễn Thị Khánh Trâm - chuyên viên của Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM.
“Là người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhưng tôi có một thời gian khá dài làm việc và sinh sống ở đất phương Nam. Từ góc độ khách du lịch, góc độ điền dã lấy tư liệu nghiên cứu, từ kết quả những đợt điều tra xã hội học, tôi nghĩ lễ hội tại Nam bộ hiền hòa vì có vài đặc điểm riêng.
Không gian mở
Quan niệm có tính cát cứ xưa nay ở các lễ hội miền Bắc như “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” không thấy thể hiện ở những lễ hội Nam Bộ. Người dân phương Nam quan niệm “lễ hội là của chung”, nhiều người đi lễ hội là đi chơi lấy vui là chính, có người đi để biết, kết hợp với thực hành tín ngưỡng. Có những người năm nào cũng đi vì nhu cầu và niềm tin vào đối tượng thờ tự...
Về quy mô, các lễ hội Nam bộ là lễ hội mở, không có tính khép kín (của 1 làng, 1 địa phương) , thậm chí có nhiều lễ hội mang tính vùng và liên vùng nên đã thu hút số người tham dự rất đông, lên đến hàng triệu người như lễ hội Bà Chúa Xứ ở núi Sam, lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Oc Om Bok đua ghe ngo…
Trong những ngày diễn ra lễ hội, hiếm thấy có trường hợp phải đi cấp cứu do đánh nhau hay bị chết chẹt giữa không gian hỗn độn, náo loạn mà không thoát ra được.
Quản lý linh hoạt
Ở hầu hết những cơ sở tín ngưỡng đều có ban quản lý, nhưng người dân cũng tham gia “quản lý” lễ hội một cách rất tự nguyện như giữ trật tự, hướng dẫn đi lại, nấu ăn, làm vệ sinh, giữ xe... Ở nhiều nơi, các hình thức đón tiếp du khách hay người hành lễ rất thực tế với tấm lòng rộng mở, thân thiện. Tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu vừa diễn ra ở Bình Dương (5/3/2015) có những điểm phát nước, khăn ướp lạnh, bánh mì, xôi… của những nhóm tự nguyện.
Nhìn chung, ở các lễ hội Nam bộ người dân biết rất rõ mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội cộng với đức tính rộng rãi nói chung của người Nam bộ nên họ đã dành thời gian, công sức, tiền bạc… đóng góp. Có nhiều lễ hội, trước khi khai mạc cả tháng, người dân ở khắp nơi đã gửi gạo, dầu ăn, củi đốt, nước tương, gia vị… và trong những ngày lễ hội là các thực phẩm như rau, củ, quả… để góp cho bếp ăn miễn phí phục vụ tất cả mọi người, từ du khách đến tín đồ (như lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ hội Gò Tháp…).
Quan niệm khác về “lộc”
Khi đề cập đến các lễ hội miền Bắc, một số nhà nghiên cứu đã nói đến vấn đề “đứt gãy văn hóa” nên “mù tâm linh”, từ đó mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười và những hành vi gây phản cảm khiến công chúng phê phán. Ở Nam bộ, hầu hết các lễ hội diễn ra với biển người tham dự nhưng hầu như không để lại sự cố nào. Về mặt tư duy, người dân không có suy nghĩ phải lấy được cái gì (theo cách cướp, chiếm, giành nhau… cho bằng được) mà vật lấy được xem là “lộc”. Người dân tôn trọng vật cúng của mình và của người khác.
Người dân xem vật cúng là thiêng liêng nên tôn trọng, nhưng không giành giật. Người đi lễ nếu có cầu nguyện thì họ “xin/cầu” (sức khỏe, tài lộc, bình an…), những người buôn bán thì “vay” tiền (Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu…).
Đồ cúng thường là nhang đèn, trái cây, tiền… nhưng không có hiện tượng nhét tiền vào tay Phật hay để khắp nơi trên điện thờ. Phần lớn người dân bỏ tiền vô thùng công đức hoặc đưa trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận (có ghi sổ sách). Người dân không xem đồng tiền như vật dẫn (kết nối 2 thế giới âm - dương) để từ đó khấn những lời vụ lợi, thậm chí mặc cả với thần linh. Họ cúng tiền là gửi tình cảm vào đối tượng thờ tự và trách nhiệm tôn tạo di tích.
Nhiều cơ sở tín ngưỡng ở Nam bộ sử dụng tiền công đức ngoài việc tôn tạo, trùng tu di tích và trả lương cho bộ phận trông coi còn chi cho phúc lợi xã hội một số tiền khá lớn (làm hạ tầng, xây nhà tình nghĩa, trợ cấp người nghèo, trường học…). Chỉ tính riêng ở cơ sở miếu Bà ở núi Sam, trong 10 năm từ 2000 đến 2009, số tiền chi cho phúc lợi xã hội hơn 85 tỷ đồng - theo sách Lịch sử xây dựng và phát triển miếu Bà Chúa Xứ núi Sam”.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thị Khánh Trâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất