Khai thác năng lượng tái tạo để sản xuất điện mới đạt 1%

17/02/2009 11:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau nhiều lần trì hoãn, việc tăng giá điện đã được Thủ tướng phê duyệt và sẽ áp dụng từ 1/3/2009. Tăng giá điện là yêu cầu không thể đừng, tuy nhiên, chúng ta đang lãng phí một nguồn điện rất lớn, và nếu có phương án đầu tư hợp lí về lâu dài đó sẽ là nguồn điện giá rẻ và bền vững.

Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Huy Phùng, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam).

Việt Nam có nguồn năng lượng sơ cấp khá đa dạng như: than, dầu khí, thủy năng, năng lượng mới và tái tạo. Tính tới đầu năm 2005, tổng trữ lượng than đã được tìm kiếm, khảo sát, thăm dò, đánh giá đạt 5,88 tỷ tấn. Tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa khoảng 3,3-4,4 tỷ m3 dầu quy đổi, khí chiếm tỷ lệ 55-60%. Tiềm năng kỹ thuật thủy điện nước ta khoảng 123 tỷ KWh;...Mặc dù được đánh giá như vậy nhưng so với các nước khác tính theo đầu người thì không thể nói là quá dồi dào.

Pin mặt trời – nguồn điện của tương lai


Nhu cầu nhu cầu năng lượng điện của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh, điều quan trọng là chất lượng điện phải tốt để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển KT-XH. Lâu nay, việc dự báo nhu cầu điện còn theo kiểu đơn ngành chưa đồng bộ. Trước mắt, chúng ta vừa phải sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng truyền thống, vừa phải tăng cường đầu tư để tìm nguồn năng lượng mới. Theo đó, cần tăng cường công tác dự báo quy hoạch, xây dựng lộ trình chung phát triển ngành năng lượng nói chung. Trên cơ sở đó, về lâu dài để có những nghiên cứu các vấn đề phát triển bền vững như: môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, thực trạng ngành năng lượng chúng ta hiện nay vẫn còn hạn chế như: hệ thống năng lượng phát triển chưa đồng bộ, thiếu độ tin cậy; công tác dự báo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức; môi trường xuất hiện nhiều vấn đề.

Để đảm bảo nguồn năng lượng cho tương lai thì công tác đầu tư thăm dò phát hiện các nguồn năng lượng mới phải được chú trọng hơn nữa. Đặc biệt, hiện nay, về tiềm năng năng lượng tái tạo chúng ta phải có đánh giá kỹ hơn đáng tin cậy hơn: năng lượng điện từ biogas có quy mô vẫn hạn chế; nguồn năng lượng gió thiếu những điều tra cơ bản; năng lượng mặt trời thiếu vắng những tổng kết; năng lượng sinh khối thiếu phần khảo sát, quy hoạch. Đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề đặc biệt quan trọng. Hiện nay, chúng ta vẫn ưu tiên xây dựng các nhà máy thủy điện hợp lý, nhưng đồng  thời phải khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo.

Hiện tại, khai thác năng lượng tái tạo để sản xuất điện tái tạo ở Việt Nam mới đạt 1% tiềm năng được đánh giá. Việc sử dụng nhiệt để sản xuất điện có triển vọng hơn nhưng cũng mới chỉ được đánh giá và bước đầu đưa vào khai thác. Ví dụ: năng lượng mặt trời  để đun nóng, sử dụng biogas. Việc nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học cũng cần phải quan tâm, tuy nhiên trong nhiên liệu sinh học cũng phải có lộ trình khai thác để không tác động đến an ninh lương thực, thực phẩm và đất đai.

M. Cường (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm