Huyền thoại country George Jones qua đời: Một khoảng trống không thể bù lấp

28/04/2013 08:41 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - George Jones, được xem là “giọng ca” của dòng nhạc country, đã qua đời hôm 26/4, thọ 81 tuổi. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong dòng nhạc country, vốn là niềm tự hào của nước Mỹ.

“Rất có thể có ai đó đã trở thành một ca sĩ vĩ đại nhất của dòng nhạc country truyền thống, song chúng ta sẽ không bao giờ có được một George Jones khác” - nhà soạn ca khúc Bobby Braddock khẳng định - “Không ai tạo được sức ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ khác trong dòng country như Jones”.

Với giọng ca khỏe và sâu lắng, Jones đã có nhiều ca khúc chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng suốt 4 thập kỷ, từ những năm 1950 đến những năm 1980. Chất lượng các nhạc phẩm của ông không chỉ được các đồng nghiệp trong dòng nhạc country ngưỡng mộ, mà còn nhận sự ca ngợi từ nhiều nghệ sĩ khác như Frank Sinatra, Pete Townshend, Elvis Costello, James Taylor.

Sau khi hay tin Jones qua đời, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự thương tiếc ông. Merle Haggard nói: “Thế giới đã mất đi ca sĩ country vĩ đại nhất mọi thời đại”. Còn ngôi sao country Garth Brooks bày tỏ: “Giọng ca vĩ đại nhất của dòng country sẽ không bao giờ chết. Jones có một vị trí trong trái tim của bất cứ ai yêu thích dòng nhạc này”. Giọng ca cựu trào Dolly Parton xúc động nói: “Trái tim tôi tan vỡ. George Jones là ca sĩ yêu thích của tôi và là một trong những người mà tôi ngưỡng mộ nhất thế giới”.

Từ ca sĩ quán rượu rẻ tiền thành một biểu tượng

Trong sự nghiệp trải dài hơn 50 năm, Jones đã tiêu thụ được hơn 150 triệu đĩa hát trên toàn thế giới. Từ một ca sĩ trình diễn trong những quán rượu rẻ tiền, ông trở thành biểu tượng của dòng nhạc country truyền thống.

Jones đã sống sót sau nhiều cuộc chiến lâu dài với rượu, ma túy. Ông cũng có những lần đã cận kề với cái chết, gồm một cuộc phẫu thuật ngay trên đường và cả lần chết hụt trong một vụ tai nạn xe buýt - lần đó ông may mắn bởi đã quyết định chuyển sang đi máy bay vào phút chót.

Nhiều lần không có mặt trong các buổi hòa nhạc do say xỉn đã khiến Jones có biệt danh “No Show Jones” (Jones chẳng có mặt) và sau này ông đã thu âm một ca khúc mang tựa đề như vậy. Cuộc sống “hoang dã” của ông được thể hiện trong nhiều ca khúc và trên cả gương mặt đẹp trai với đôi mắt đen láy.

Jones sinh ngày 12/9/1931 ở thị trấn Saratoga, phía Đông Texas. Ông là con út trong gia đình có 8 người con. Từ nhỏ Jones đã hát trong nhà thờ và 11 tuổi đã bắt đầu trình diễn trên các đường phố ở Beaumont để kiếm sống. Có lần, sau một màn diễn kéo dài 2 tiếng, ông đã kiếm được 24 USD, đủ để nuôi sống gia đình trong 1 tuần.  

Gia đình nghèo khó của ông từng sống trong ngôi nhà được Chính phủ bao cấp. Cha ông, một người lao động nghiện rượu và khi say thường dựng cổ con cái dậy vào nửa đêm để hát cho nghe. Trong những lần nhu thế, cha Jones nhận thấy cậu con út rất thích âm nhạc nên đã mua cho con một cây đàn guitar.

Cuối những năm 1940, Jones bắt đầu sự nghiệp trên đài phát thanh cùng cặp vợ chồng Eddie & Pearl.

Chìm ngập trong rượu và ma túy

Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, Jones gia nhập binh chủng lính thủy đánh bộ vào năm 1951 và giải ngũ sau 3 năm. Năm 1955, Jones có ca khúc ăn khách đầu tiên là Why Baby Why và đến đầu những năm 1960, ông đã trở thành một ngôi sao hàng đầu của dòng country.

“Tôi hát những ca khúc phù hợp với những người cần cù làm việc và yêu cuộc sống thường nhật. Đó chính là tinh thần của dòng nhạc country” – Jones nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1991 - “Người hâm mộ tôi là fan thực sự của dòng country và họ biết tôi không phải là người giả dối”.

Cuộc hôn nhân của Jones với Wynette, người vợ thứ 3, kéo dài từ năm 1969 đến năm 1975 (Wynette qua đời năm 1998.) Mối quan hệ của họ vô cùng sóng gió, hết ẩu đả rồi lại hòa giải. Rồi sau một lần cãi vã, Jones đã lái chiếc máy cắt cỏ đi uống rượu vì Wynette đã giữ chìa khóa ô tô nhằm ngăn chặn ông đi tìm ma men. Ông đã kể lại việc làm đó trong nhạc phẩm Honky Tonk Song (1996) và tự chế nhạo mình trong 4 video nhạc quay hình ảnh ông ngồi trên chiếc máy cắt cỏ.

Năm 1999, Jones tiếp tục đoạt giải Grammy với ca khúc Choices. Năm 1992, ông được ghi tên vào Sảnh danh vọng dòng country và năm 2008, ông được tôn vinh tại Trung tâm Kennedy.

Cuối những năm 1970, chứng nghiện ma túy và rượu của Jones càng nặng hơn và năm 1978 ông đã đệ đơn tuyên bố phá sản. Cuối cùng Jones đã bị bắt ở Jackson vào năm 1983 vì tội tàng trữ cocaine. Ông đồng ý tham gia một chương trình hòa nhạc từ thiện và bị kết án 6 tháng tù treo. Trong cuốn hồi ký I Lived to Tell it All phát hành năm 1996, Jones viết: “Trong những năm 1970, tôi uống rượu suốt ngày. Chỉ có lúc ngủ là tôi tỉnh táo nhất”.

Bản ballad cứu vớt cuộc đời

Năm 1980, một bản ballad dài 3 phút đã làm thay đổi cuộc đời ông. Nhà sản xuất lâu năm của Jones là Billy Sherrill, gợi ý ông nên thu âm ca khúc He Stopped Loving Her Today do Braddock và Curly Putnam sáng tác. Ca khúc này viết về một người đàn ông tới lúc xuống mồ vẫn ôm tình yêu dành cho một người phụ nữ.

Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm, Jones mới thu âm xong ca khúc này, một phần vì ông không thể xử lý được giai điệu ca khúc, một phần vì ông quá say, không đủ tỉnh táo để đọc một đoạn ngắn ở giữa ca khúc. “Mặc dù rất đơn giản, song tôi không thể nhớ nổi. Tôi đã hát trong lúc say. Tôi đã lừa gạt hàng triệu người” - Jones viết trong cuốn hồi ký.

Và Jones không thể tưởng tượng được rằng ca khúc He Stopped Loving Her Today, gồm nhiều chỗ ngậm miệng ngân nga, đã lập tức ăn khách sau khi được phát hành. Thành công đó đã đưa Jones vào hàng “sao”. Cát-xê trình diễn của ông đang từ 2.500 USD tăng vọt lên thành 25.000 USD. “Đó là lúc Chúa xuất hiện” – Jones từng nói.

Năm 1981, nhạc phẩm này đã đem về cho Jones giải Grammy. Bản ballad này thường xuất hiện trong các cuộc bình chọn ca khúc country được yêu thích nhất mọi thời đại và đã đoạt giải Ca khúc của Năm của Hiệp hội nhạc Country trong 2 năm liền.

Khi qua đời, Jones đang ở chặng giữa của chuyến lưu diễn thế giới. Ông định hoàn thành tour diễn này vào tháng 11 ở Nashville với một màn trình diễn với sự tham gia của nhiều ngôi sao. Nhiều ngôi sao đang nhớ đến những điều tốt đẹp về Jones.  

Việt Lâm (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm