Audrey Hepburn vẫn tỏa sáng

29/10/2010 07:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Thời gian gần đây cái tên Audrey Hepburn bỗng dưng được nhắc tới khá nhiều. Đầu tiên là bộ 10 con tem hình cô vừa được bán đấu giá ở Đức hôm 16/10 với giá chóng mặt, 600.000 USD. Kế đến là bộ sách ảnh Audrey Hepburn của nhiếp ảnh gia huyền thoại Bob Willoughby được xuất bản. Nếu không có Bob thì có lẽ chẳng bao giờ Audrey Hepburn bất tử như ngày hôm nay. Đáng nói, cả hai nhân vật chính ấy, đều đã lần lượt qua đời.

Qua đời vẫn có giá


Audrey Hepburn trong My fair lady

Bộ sách ảnh Audrey Hepburn - Photographs 1953–1966, bìa cứng, 282 trang, nhà Taschen xuất bản có chữ kí in tặng của Bob, được bán với giá 450 bảng Anh. Cuốn sách ảnh này chỉ in đúng 1000 cuốn (có đánh số) và đã được mua hết. Hiếm một người đã qua đời nào lại có thể biến một người qua đời khác tiếp tục trở thành một ngôi sao sáng. Chỉ có thể là Bob.

1953–1966, thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời phim ảnh của Audrey Hepburn và cũng là thời kỳ sôi nổi nhất của “Ông vua tạo sao”, Bob Willoughby. Trong cuộc đời cầm máy của mình, Bob Willoughby đã xoay ống kính vào không biết bao nhiêu nhân vật của Hollywood, một số ít trở thành bất hủ, số còn lại đều được biết tiếng. Từ Marilyn Monroe, John Wayne, Humphrey Bogart đến Elizabeth Taylor, William Holden, Jack Lemmon… Trong số đó Audrey Hepburn là một trường hợp đặc biệt, người mà cả cuộc đời Bob xưng tụng là Nàng thơ của ông, “người có một nụ cười do Chúa đã thiết kế nên để làm tan chảy mọi trái tim trần tục”.

Một nụ cười rạng rỡ và một phong thái thanh thoát. Nụ cười ấy phả vào cuốn sách và ngay lập tức nó tỏa ra ngay vẻ đẹp xa hoa lộng lẫy. Như nhân vật chính của nó, người cả cuộc đời được xưng tụng như một mẫu người quý phái mà Hollywood khó có thể tìm lại được một lần thứ hai. Tất cả những chi tiết trên bìa sách đều mang tính biểu tượng cao. Phần gáy là một màu xanh nhẹ nhàng và tươi mát của thương hiệu kim hoàn Tiffany nổi tiếng. Hepburn sẽ còn là gì nếu thiếu Tiffany. Và nhân vật chính, sang trọng và quý phái, xuất hiện với chiếc áo màu hồng nhạt, búi tóc thanh thoát và táo bạo được tô điểm bằng một chiếc nơ cao trên đỉnh. Đôi găng tay màu trắng tinh khôi để hờ trên ghế tựa, như một điệu múa chuẩn bị vào vai diễn.

Bất ngờ này tạo nên bất ngờ khác, theo từng trang sách, từng bức ảnh tư liệu hiện ra, đầy ma thuật, như chứng minh đã có một thời như thế, điện ảnh đã sản sinh ra một vẻ đẹp như thế, tươi trong và dịu dàng. Thời tuổi trẻ sôi động của một con người đã từng sống rất thật trong My Fair Lady, với nụ cười tô điểm một vẻ đẹp không bao giờ lỗi thời. Bởi thế, từ một cô công chúa nhỏ tuổi của Hollywood, Audrey Hepburn theo dòng thời gian đã hóa thân thành một “nữ hoàng”. Và đến giờ Audrey Hepburn vẫn là một nữ hoàng không ai có thể lật đổ.

Bob Willoughby (đã mất) trước đây kể lại rằng: “Lần đầu tiên gặp Audrey Hepburn, thật sự tôi không biết mình phải làm gì. Bởi cô ấy toát lên hình ảnh của một nữ diễn viên đầy tiềm năng, và đó là những nét chấm phá mà người ta yêu cầu tôi phải chộp lấy trên từng khuôn hình một. Tôi đã quan sát cô ấy từ nhiều phía. Nụ cười tươi trẻ của cô ấy đã hớp hồn tôi và khiến tôi nóng ran người, như vừa hớp một ngụm whisky vậy”. Bob Willoughby quen với Audrey Hepburn lần đầu tiên khi được một tạp chí gửi đi thực hiện bộ ảnh kể lại ngày làm việc của Audrey Hepburn tại phim trường khi quay bộ phim Roman Holliday. Đây là một bộ ảnh về cô mà ông chưa bao giờ làm trước đó và lúng túng chưa biết nên thực hiện ra sao. Đó là vào năm 1953. Và những câu chuyện sau đó đã trở thành số mệnh, bất luận thế nào, Bob vẫn là người chụp Audrey Hepburn đẹp nhất thế giới.

Một vẻ đẹp tự nhiên và tao nhã, dù với chiếc quần jean hay chiếc áo Lacoste. Người con trai của nhiếp ảnh gia bộc bạch: “Cô Audrey Hepburn luôn nói cô là “một tổng thể hoàn hảo đầy khuyết điểm”. Nhưng cá nhân tôi có thể đúc kết về Audrey Hepburn trong ba cụm từ: dịu dàng, mạnh mẽ và đầy lòng trắc ẩn, Và người khắc họa ra được điều ấy chỉ có thể là ba tôi”.

Ông vua tạo sao - Bob Willoughby

Bob trụ ở Holywood 20 năm, ông để lại cho kinh thành ấy nhiều tên tuổi lẫy lừng, nhiều bộ phim danh tiếng như The Graduate, My Fair Lady, Rosemary’s Baby hay Ocean’s Eleven. Nhiều tạp chí gọi ông là star-maker, tạo nên sự nghiệp cho nhiều người, nhiều bộ phim lẫy lừng.


và trong Breakfast at Tiffany’s, những bức ảnh kinh điển của Bob Willoughby
Trong suốt 20 năm hành nghề, ảnh của ông chưa từng vắng bóng trên các tạp chí quá một tuần. Khi Hollywood vào thời hoàng kim của mình hơn nửa thế kỷ trước bắt đầu chú ý đến khái niệm nhiếp ảnh phim trường phục vụ cho quảng bá thì Bob Willoughby đã có mặt và ông nhanh chóng trở thành tay máy vĩ đại nhất.

Trước đó, trước khi Warner Bros phát hiện ra sự lợi hại trong những bức hình của Bob sẽ ảnh hưởng đến cả chiến lược quảng bá phim ảnh Hollywood thì Bob đi chụp dạo. Chụp dạo nhưng có số má, ông chuyên chụp những nghệ sĩ Jazz tiếng tăm, cho tờ Harper’s Bazaar vào năm 1950 khi vừa 23 tuổi. Những bức ảnh Jazz của ông, như những câu chuyện cũ, xem lại như thể nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác. Những tiếng khọt khè của cây saxophone nhuộm đục khuôn hình trắng đen, tham vọng và mong muốn hướng tới đỉnh cao của những người da màu. Chet Baker ngồi trên một ghế xếp, mặt nhìn xa xăm, Billie Holiday ồn ào giữa những câu chuyện, June Christy nghiêng về phía trước, lả lả bàn tay trên nắp dương cầm, khuôn mặt của Jack Teagarden, Louis Armstrong hay Pee Wee Russell bóng bóng mờ mờ như đang mất đi trong thế giới khác… Sau này khi có người hỏi có gì giống nhau giữa một người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo và một gã chuyên đi chụp phim trường mà mọi thứ được sắp đặt sẵn, Bob trả lời “Là nhãn quan”.

1954, Bob được Warner Bros thuê chụp vài tấm của Judy Garland trong cảnh cuối của A Star Is Born, sự kiện này ngay lập tức gây ra nhiều chấn động. Tờ Life đăng ngay ảnh chân dung của Judy lên trang bìa, Bob ngỡ ngàng, lần đầu tiên ông được Life chú ý, Warner Bros choáng váng vì sức mạnh của một bức ảnh. Kết chuỗi mọi thứ lại với nhau, Warner Bros, Life, Look, The Saturday Evening Post quyết định mời Bob làm tay máy đầu tiên chụp ảnh phim trường, mở ra khái niệm “still photographer” chuyên bán ảnh cho các tạp chí, làm no mắt dân tình và làm các hãng phim nhẹ nhõm vì đã tìm ra một lối tiếp thị mới đi sâu vào lòng công chúng. Lúc ấy Bob chỉ vừa 27 và ông không nghĩ rằng từ đây trở đi ông trở thành một nhiếp ảnh gia có thể xộc vào bất cứ khu nào của Hollywood mà không cần phải trình giấy và là người bị đám paparazzi không ưa nhất trái đất.

Đạo diễn Sydney Pollack trong hồi ký cuối đời mình đã viết: Đôi lúc một nhà làm phim chỉ cần nhìn một bức ảnh là có thể cảm được hồn của cả một bộ phim, điều đó hiếm nhưng cũng lác đác xảy ra và cái tay vĩ đại làm được cái điều ấy chính là Bob.

Bob mất cuối năm 2009 ở tuổi 82 vì ung thư, sinh thời ông là dân L.A chính hiệu, cuối đời ông mất ở Vence (Pháp), nơi mà ông cho rằng không còn dấu ấn Hollywood nào ở đó, để ông có thể bình tâm sống và hưởng thú an nhàn tuổi già.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm