26/01/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá
LTS: "Hoạt động và sinh hoạt văn hóa của thanh niên trong thời gian rỗi" là một trong những chủ đề của cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Thanh niên thực hiện trên 1022 thanh niên đại diện cho các nhóm tại 6 tỉnh thành. Sự thừa nhận văn hóa thanh niên với tư cách "tiểu văn hóa" là một bước tiến quan trọng trong nhận thức khoa học và chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Dựa trên số liệu của đề tài khoa học cấp bộ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2022 "Nghiên cứu dự báo tình hình thanh niên giai đoạn 2022 – 2026 và những vấn đề đặt ra đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi", bài viết tóm tắt của TS Đặng Vũ Cảnh Linh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) tập trung phân tích một số biểu hiện về xu hướng văn hóa, định hướng giá trị cho thanh niên Việt Nam hiện nay.
Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa thanh niên, nghiên cứu về sự tác động của các loại hình giải trí tới đời sống văn hóa, giá trị và đạo đức của thanh thiếu niên...
Khảo sát về sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam, cho thấy giới trẻ có xu hướng dễ dàng tiếp thu văn hóa nước ngoài thông qua các phương tiện giải trí đặc biệt có sự bắt chước theo phong cách, lối sống và một số các giá trị văn hóa được tiếp thu (Hà Thanh Vân, 2012).
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên trên 1022 thanh niên đại diện cho các nhóm thanh niên: Học sinh sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, nông dân, công nhân, kinh doanh, dịch vụ tại 6 tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã phản ánh một số biểu hiện về văn hóa và định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam hiện nay. Dưới đây là một số kết quả phân tích từ số liệu khảo sát, có tính chất tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách thanh niên trong thời gian tới.
Hoạt động và sinh hoạt văn hóa của thanh niên trong thời gian rỗi
Về các hoạt động và hoạt động, sinh hoạt văn hóa của thanh niên trong trong thời gian rỗi, kết quả điều tra phản ánh các hoạt động mà đại đa số thanh niên làm nhiều nhất (trên 80%) là nói chuyện với người thân (88,8%). Tiếp theo đó là hoạt động đọc sách, báo, tin tức (85,7%), nghỉ ngơi (83,9%), nấu ăn, chăm sóc nhà cửa (83,3%), xem phim, nghe nhạc (82,3%), sử dụng mạng xã hội (80,7%).
Đối với riêng các hoạt động mà phần lớn thanh niên làm ở mức độ thường xuyên nhất đó là nói chuyện với người thân (42%), sử dụng mạng xã hội (40,7%), nghỉ ngơi (39,8%) và nấu ăn, chăm sóc nhà cửa (34,9%). Tuy nhiên tỷ lệ này cũng chỉ chiếm hơn 40%, còn lại các hoạt động khác thanh niên thường xuyên thực hiện trong lúc rảnh rỗi chủ yếu chiếm trên dưới 20%.
Điều đáng nói trong kết quả thu được từ số liệu trên là cùng với cuộc cách mạng công nghệ và thông tin, ngày nay vào Internet và mạng xã hội là hoạt động không thể thiếu đối với thanh niên, thậm chí tỷ lệ thanh niên đồng thuận đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng về các việc làm của thanh niên ở mức độ thường xuyên chỉ sau quan tâm nói chuyện với người thân. Với thế hệ những người trẻ tuổi (thế hệ Z), mạng xã hội không chỉ là nơi đem lại nhiều ích lợi trong học tập, lao động, nghề nghiệp mà còn trở thành nhu cầu và hoạt động không thể thiếu trong thời gian hàng ngày của thanh niên.
Số liệu điều tra cho thấy có sự phân cấp rõ ràng về mức độ thường xuyên thanh niên thực hiện trong thời gian rỗi của mình. Với quỹ thời gian hàng ngày và những công việc thường xuyên vẫn tập trung vào việc dành thời gian cho gia đình, học tập, lao động và vào mạng internet. Còn ở mức độ thỉnh thoảng và hiếm khi, thanh niên dành cho các hoạt động học tập, lao động, vui chơi, giải trí với bạn bè, đi du lịch và đặc biệt là tham gia các loại hình văn hóa, giải trí theo "mốt" phù hợp với tâm lý tuổi trẻ như đến quán bar, vũ trường và hát karaoke. Các hoạt động theo nhu cầu và sở thích cá nhân như mua sắm, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, chơi nhạc, vẽ tranh, tham gia các câu lạc bộ, đoàn thể, hoạt động từ thiện, xã hội thì khá đồng đều theo các mức độ thường xuyên, hiếm khi và thỉnh thoảng (Xem bảng 1).
Biểu hiện văn hóa theo trào lưu, xu hướng
Tìm hiểu về các sở thích, hoạt động thể hiện cá tính riêng, các biểu hiện theo xu hướng, trào lưu văn hóa mới (hot trend) của thanh niên hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy sự đa dạng của các hoạt động mang cá tính mạng mẽ, khẳng định cái tôi rất lớn của tuổi trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, văn hóa thế hệ thanh niên Z được gắn với thời đại Internet trở nên phổ biến, đồng thời là những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế- xã hội do thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đem lại, sự mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực trong kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.
Theo kết quả bảng 2, các biểu hiện trong đời sống văn hóa, giải trí điển hình có tỷ lệ thanh niên đồng thuận cao trên 50% ở 20/21 hoạt động và không chênh lệch nhiều. Các hoạt động có tỷ lệ thanh niên đồng thuận từ 60% trở lên xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm: tham gia các nhóm, mạng xã hội (69,0%); chia sẻ các status của mọi người (68,9%); tập gym, ăn kiêng giảm béo (67,8%); tổ chức đi phượt, offline cùng bạn bè (65,7%); làm các thước phim up facebook, youtube, tiktok (63,9%); làm đẹp (63,5%); mua bán hàng online (63,4%); Chia sẻ status hay của mọi người (63,3); nhuộm tóc theo các thần tượng (62,8%); viết status/up ảnh mỗi ngày (61,9%); ăn mặc theo phong cách thần tượng (61,2%); học và làm theo các xu thế mới (trend) (61,4%); theo dõi, bình luận các drama (60,3%). Các hoạt động còn lại đều dao động từ trên 50% đến dưới 60% (Xem bảng 2)
Kết quả điều tra phản ánh thực tế khá rõ ràng là đa số thanh niên hiện nay không muốn trở nên lạc lõng, bị cô lập hoặc bị coi là lạc hậu với các xu hướng văn hóa chung của nhóm mình. Ngược lại để được nhìn nhận là cấp tiến thậm chí là "có chất", "sành điệu" (theo cách nói của thanh niên), thì ít nhiều cũng phải tham gia, trải nghiệm các hoạt động theo trào lưu, xu hướng. Tuy nhiên mức độ tham gia thường xuyên cho những hoạt động này không cao.
Định hướng giá trị của thanh niên
Nghiên cứu về thanh niên không thể không tìm hiểu về các giá trị sống của thanh niên, những giá trị mà thanh niên coi trọng và hướng đến sẽ quyết định các hành vi của thanh niên tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Bảng khảo sát đưa ra các giá trị mà thanh niên hiện nay tin tưởng, coi trọng và cho thang điểm theo thứ tự từ 1-5 theo thứ tự từ không tin tưởng (0), không tin tưởng một phần (1), không hoàn toàn tin tưởng (2), tin tưởng (3), khá là tin tưởng (4), cho đến rất tin tưởng (5).
Kết quả khảo sát cho thấy: Giá trị mà các thanh niên coi trọng và tin tưởng nhất hiện nay (thang điểm từ 3 đến 5) theo thứ tự từ cao xuống thấp là nhóm giá trị thuộc về gia đình và phẩm chất đạo đức của bản thân.
Cụ thể, coi trọng và tin tưởng những người trong gia đình (81,2%), coi trọng và tin tưởng phẩm chất, đạo đức của bản thân (79,4%); Tiếp theo nhóm giá trị thứ hai có tỷ lệ thanh niên đồng thuận cao là đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước (79,5%), tương lai tốt đẹp của đất nước (78,5%), tính nghiêm minh của pháp luật (78,2%); Nhóm giá trị thứ 3 mà thanh niên coi trọng, tin tưởng và hướng tới đó là nỗ lực cố gắng, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, hướng tới thành công trong sự nghiệp và sự thành đạt của bản thân trong tương lai...
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khoảng trên dưới 10% thanh niên tở ra nghi ngờ hoặc chưa tin tưởng vào chủ trương, chính sách, những việc tích cực, tiến bộ, các mối quan hệ với mọi người, ý nghĩa cuộc sống…. Đây là những chỉ báo rất đáng quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và làm công tác đoàn kết tập, tập hợp thanh niên, giáo dục lý tưởng, đạo đức pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trong thời gian tới.
"Đối với mức độ chưa tin tưởng, có tỷ lệ khá cao 19,6% thanh niên không tin vào những hình mẫu, thần tượng mình kỳ vọng 19,5% thanh niên không tin vào trời phật, thánh thần, 15,9% thanh niên không tin mọi người sống đều có số mệnh..." - TS Đặng Vũ Cảnh Linh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất