Hãy "tạm quên" nhân sâm Hàn Quốc để chiêm ngưỡng Đại Việt đệ nhất danh sâm: Loại sản vật dâng vua, tiến chúa giá trị bậc nhất của Việt Nam

05/03/2023 18:15 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Được mệnh danh trong sử sách là "Đại Việt đệ nhất danh sâm", sâm Báo đang bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình trong những dòng dược liệu quý hiếm, có giá trị cao.

Nhờ những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người, dược liệu này được các hộ dân tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa trồng rộng rãi để nâng cao thu nhập và đã có nhiều tín hiệu khả quan. Theo Vietnam Plus, giá của sâm Báo dao động từ 500-1,2 triệu đồng/kg, sản phẩm đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng...

Nhờ nguồn ra phong phú, một số hộ dân trồng sâm Báo có thu nhập cao từ 60-300 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu về 600 triệu-700 triệu đồng/năm.

Ngược dòng lịch sử

Công dụng thần kỳ của cây sâm Báo đối với sức khỏe con người đã được ghi trong sử sách Việt Nam trong hàng trăm năm qua.

Loại cây này được mô tả trong sách "Đồng Khánh địa dư chí" (do Quốc sử quán Triều Nguyễn soạn năm 1886) như sau: "Sâm Báo chất nhỏ mà trắng, vị đắng, có tính mát, có thể giải nhiệt". 

Cây sâm Báo đã được nhân dân vùng Vĩnh Ninh, thuộc Ái Châu (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) dùng từ trước thế kỉ 10. 

Đông y nhận định rằng, sâm Báo rất tốt cho người bệnh, có tác dụng nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; trị ho, sốt nóng, phổi yếu; hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn và đau lưng; điều trị ho kèm theo sốt nóng. 

Không chỉ vậy, sâm Báo còn có khả năng bồi bổ sức khỏe cho người bị suy nhược, sức khỏe gầy yếu hay những bệnh nhân mới ốm dậy. Ngoài củ sâm, lá và hoa của cây có thể chữa ghẻ ngứa, sao với gạo giúp bồi bổ cho hệ tiêu hóa.

Dù có công dụng như vậy, nhưng đến thời nhà Hồ, sâm Báo mới trở nên phổ biến hơn.

Tương truyền vào năm 1397, khi Lê Quý Ly (lúc này chưa đổi sang họ Hồ) đi khảo sát tiến độ xây dựng thành Tây Đô, ông tình cờ bắt gặp một nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Chưa kể, phần công trình do họ phụ trách cũng xây nhanh và chắc chắn hơn cả.

Tò mò, ông tự tra hỏi và biết được đây là nhóm thợ tới từ làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô. Họ có sức khỏe cường tráng là do trong lúc mệt mỏi, họ giải khát và tăng cường thể lực bằng một thức uống địa phương.

Đó là thứ nước được nấu từ củ cây sâm trên núi Báo. 

Lê Quý Ly bèn đem nhóm thợ cùng nước sâm về để các ngự y trong triều kiểm tra liệu có phải loại dược liệu này có tác dụng thần kỳ như vậy không. Sau nhiều ngày tra cứu, đưa người lên núi Báo tìm cây sâm quý để nấu nước uống, Lê Quý Ly mới tin tưởng. 

photo-2

Cây sâm Báo. (Nguồn: baothanhhoa.vn)

 Khoảnh khắc các ngự y dâng nước sâm trên núi Báo, Lê Quý Ly vô cùng phấn khích khi ngửi thấy mùi thơm thanh mát của thứ nước có màu nâu nhạt. Nước sâm có mùi thơm, mát, vị ngọt nơi đầu lưỡi, chỉ cần uống là lập tức khỏe lại, vô vùng khoan khoái. 

Từ đó, cây sâm Báo lọt vào "mắt xanh" của Lê Quý Ly, trở thành sản vật quý hiếm, là phần thưởng cho quan lại, lính tráng, thợ xây thành… có công trạng lớn. Tòa thành đồ sộ được xây dược thần tốc trong 3 tháng nhờ những thợ xây uống nước sâm Báo.

Tới thời nhà Hồ, sâm Báo được ưu ái chuyên dùng trong cung, trở thành "bảo vật tiến vua", được coi là sản vật quốc gia trong vương triều nhà Hồ. Tuy nhiên, khi họ Hồ diệt vong, cây sâm Báo dần chìm vào quên lãng, mất đi danh tiếng nhưng vẫn được truyền miệng trong dân gian.

Sản phẩm quý

Theo phân loại, cây sâm Báo có tên khoa học Abelmoschus Sagittifolius (Kurz) Merr. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sâm báo có các axid amin gồm 11 chất, gồm alann, prilin, tyrosin, phenylalamin, leucin… và các khoáng tốt cho cơ thể như canxi, natri, magie, sắt, đồng, kẽm photpho.

Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, cây có thể được bán với giá khá tốt so với những loại cây trồng khác. Cây thường được trồng vào tháng 2-4 và thu hoạch từ tháng 10 hoặc tháng 12 hàng năm. Người dân ở xã Vĩnh Hùng cho biết sâm báo là loại cây phải chăm sóc, bón phân và tỉa cành cẩn thận, đúng thời điểm cây mới phát triển được, là cây khó trồng.

Diện tích trồng sâm Báo tại xã là khoảng 10ha. Nhiều hộ sau khi thấy trồng lúa, ngô, mía không có hiệu quả nên chuyển sang trồng loài cây sâm Báo. Hai sản phẩm chính được người dân chế biến là sâm khô và sâm Báo ngâm rượu. 

photo-1

Hoa sâm Báo. (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Quy trình chế biến truyền thống đối với sâm Báo đòi hỏi nhiều bước phức tạp. Công thức này đòi hỏi ngâm củ sâm qua nước gạo nếp 9 lần, phơi 9 lần rồi mới đem vào sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên hiện nay, quy trình đã được giản lược và đa dạng hóa. Ngoài làm rượu, củ sâm Báo có thể sản xuất ra cafe, trà, siro sâm Báo rất bổ dưỡng.

Bên cạnh đặc sản nem chua, bánh gai, chè lam…, sâm Báo được kỳ vọng là thức quà mang đậm hồn cốt của xứ Thanh và đất Việt. Với định hướng phát triển nhắm tới du khách trong nước và quốc tế, sâm Báo được định vị là sản vật quốc gia.

Tất Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm