22/04/2023 16:04 GMT+7 | Giải trí
Sự ra đi của một ngôi sao khiến ta nhận ra sự khắc nghiệt trong ngành công nghiệp Kpop.
Việc nam thần tượng Moonbin qua đời gây sốc cho người hâm mộ trên toàn thế giới và một lần nữa nhấn mạnh những áp lực mà thần tượng Kpop đang phải đối mặt. Sự việc diễn ra lúc anh và thành viên cùng nhóm Sanha đang thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Trong khi nguyên nhân chính xác của cái chết vẫn đang được điều tra, cảnh sát cho biết Moonbin "dường như đã tự kết liễu đời mình".
Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt sự ra đi đột ngột của những người nổi tiếng trẻ tuổi trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Jung Chae Yull, một nữ diễn viên 26 tuổi, được tìm thấy đã chết tại nhà riêng vào đầu tháng này. Nữ diễn viên Yoo Joo Eun qua đời ở tuổi 27 vào tháng 8 năm ngoái. Cựu thành viên nhóm nhạc nữ f(x) - Sulli, qua đời vào năm 2019 ở tuổi 25 sau một thời gian dài bị bắt nạt trên mạng. Còn bạn thân của cô là Goo Hara (Kara) được phát hiện đã tự sát tại nhà riêng một tháng sau đó.
Không phải tất cả trường hợp kể trên đều được kết luận là tự sát. Nhưng sự ra đi của Moonbin khiến mọi người phải xem xét lại về sự khốc liệt trong ngành giải trí Hàn Quốc.
Thần tượng không hào nhoáng như vẻ bề ngoài
Được biết đến là nền văn hóa siêu cạnh tranh, theo Bloomberg, Hàn Quốc có tỷ lệ người tự tử cao nhất trong số các nước phát triển. Trong khi tỷ lệ tự tử nói chung đang giảm, thì cái chết của những người ở độ tuổi 20 đang tăng lên.
Và là một người nổi tiếng ở Hàn Quốc có nghĩa là họ sẽ phải chịu áp lực lớn hơn người bình thường và cũng lớn hơn nhiều so với các ngôi sao nhạc pop ở Âu-Mỹ, theo Rob Schwartz - phóng viên châu Á của Tạp chí Billboard.
Sự cạnh tranh đã khốc liệt ngay từ ban đầu. Thần tượng là một lựa chọn nghề nghiệp rất phổ biến của những người trẻ tuổi đầy tham vọng tại Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát do Bộ giáo dục Hàn Quốc thực hiện vào năm 2021 cho thấy diễn viên, người mẫu và ca sĩ nằm trong số 10 công việc mơ ước hàng đầu của học sinh tiểu học.
Để trở thành một ngôi sao Kpop, hầu hết mọi người cần phải trải qua một thời gian đào tạo mệt mỏi. Điều đó có nghĩa là họ sẽ mất kết nối với bạn bè, đồng nghiệp và người thân của mình, và điều này có thể kéo dài trong nhiều năm.
Đối với trường hợp của Moonbin, dù đã là diễn viên nhí trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng Vườn Sao Băng khi mới 11 tuổi, anh chàng vẫn phải thực tập trong 8 năm trước khi ra mắt với tư cách thành viên nhóm nhạc thần tượng Astro. Em gái của anh, Moon Sua, đã dành 12 năm luyện tập mới có thể trở thành một phần của nhóm nhạc nữ Billie.
Sau nhiều vòng tuyển chọn căng thẳng, chỉ một số ít thực tập sinh được bước lên sân khấu. Và những gì đang chờ đợi họ là một ngành công nghiệp đã sở hữu quá nhiều các ngôi sao. Mỗi năm, có hàng trăm nhóm nhạc Kpop ra mắt nhưng chỉ số ít trong đó có thể bật lên và nhận được chú ý của công chúng.
Những thần tượng ra mắt ở những công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận khán giả khi các ông chủ lớn thâu tóm thị trường. Hào hứng khi được ra mắt bao nhiêu, thực tế sẽ "tát vào mặt" họ đau đớn bấy nhiêu.
Ngay vừa khi ra mắt, thần tượng đã là "con nợ" của công ty. Họ sẽ phải làm việc để chi trả các khoản chi phí đào tạo, sản xuất và đầu tư trước đó. Sẽ chẳng là vấn đề khi bạn đến từ một tập đoàn lớn và đã nắm chắc thành công trong tay. Nhưng nếu không phải, tình huống sẽ hoàn toàn ngược lại. Các nhóm nhạc như EXID, AOA, F.T. Island từng có khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm làm việc không lương vì lý do trên.
Ông Schwartz chỉ ra rằng sự kiểm soát từ các công ty quản lý cũng là nguyên nhân gây ra sự căng thẳng cho các ngôi sao Hàn Quốc.
Phổ biến nhất là việc những thần tượng mới ra mắt sẽ bị ràng buộc bởi hợp đồng nô lệ - những giao kèo độc quyền, dài hạn khiến thần tượng Kpop không làm chủ được lịch trình hoặc thu nhập của bản thân. Mặc dù những năm gần đây, một số ngôi sao Kpop đã thắng kiện để giải phóng họ khỏi những bản hợp đồng vô lý nhưng về cơ bản nó không thể thay đổi hoàn toàn bản chất về mối quan hệ giữa hai bên.
"Các ngôi sao Kpop hiện tại đã có nhiều quyền kiểm soát hơn, theo nghĩa là họ không bị kiểm soát nhiều như trước khi nữa" ông Schwartz nói. "Nhiều thứ đã thay đổi nhưng không có nghĩa mọi thứ đã trở nên tốt hơn."
Tiêu chuẩn "hoàn hảo" đè nặng lên đôi vai các thần tượng
Người ta thường gọi thần tượng là nghề bán hình tượng. Thật vậy, các nghệ sĩ Kpop thường thể hiện sức hút của bản thân để có thể thu về nhiều người hâm mộ nhất có thể. Với sự phát triển của mạng xã hội, các thần tượng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những người hâm mộ tiềm năng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, sự cuồng nhiệt từ người hâm mộ - vốn được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông xã hội, đôi khi có thể là con dao hai lưỡi. Họ chú ý đến mọi hành động, cử chỉ. Họ nhận xét từ mái tóc, trang phục cho đến ngoại hình. Họ săm soi những thần tượng Kpop và sẽ chê bai khi nhận thấy những điểm không hài lòng.
Tiêu chuẩn về hình thể, tiêu chuẩn về thái độ, tiêu chuẩn về “vẻ đẹp Hàn Quốc” (Korean Beauty) nơi các thần tượng trông phải gầy và trắng trẻo - tất cả đè nặng lên đôi vai của các nghệ sĩ giải trí.
Trước đây, các thành viên TXT đã từng phát trực tiếp và nhắc về việc bản thân đã "nhịn đói để trông gầy hơn". Hay Amber Liu từng suy nghĩ đến việc phẫu thuật thẩm mỹ do nhận về những chỉ trích về ngoại hình nhưng đã được thành viên cùng nhóm khuyên ngăn.
Thành viên f(x) cũng chia sẻ thêm "Thành thật mà nói, chúng tôi nói nhiều về chế độ ăn kiêng hơn là âm nhạc… Chúng tôi được dạy cách nhịn đói". Vào thời điểm f(x) thành công nhất, Amber cho biết bản thân chỉ uống một lon Coca-Cola mỗi ngày.
Việc các nghệ sĩ bị ép buộc sở hữu cơ thể không lành mạnh hay thay đổi để đi theo tiêu chuẩn cái đẹp có thể dẫn đến các bệnh về tâm lý.
Một khi đã ra mắt, những người nổi tiếng không chỉ được dõi theo chặt chẽ bởi người hâm mộ, mà còn bởi công chúng. Ở một đất nước mà sự khác biệt từ lâu đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi, trở thành người của công chúng đồng nghĩa với những tiêu chuẩn về thái độ cao hơn mà công chúng áp đặt lên họ.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Hàn Quốc Ha Jae-kun chia sẻ: "Hàn Quốc có tiêu chuẩn đạo đức khắt khe hơn đối với người nổi tiếng so với các quốc gia khác. Nếu một ngôi sao cư xử khác một chút so với những gì khán giả coi là "chấp nhận được", công chúng sẽ chỉ trích họ. Và nghệ sĩ khó có thể không bị ảnh hưởng bởi những điều này".
Ngoài ra, các nghệ sĩ Kpop cũng phải luôn tỏ ra hạnh phúc và lan tỏa sự tích cực tới mọi người. Một nữ thần tượng từng nói: "Tất nhiên, tôi sẽ đăng những điều hạnh phúc lên mạng xã hội. Bởi vì nếu tôi đăng rằng tôi bị trầm cảm, sẽ không ai muốn thấy điều đó".
Một người có thể trông hạnh phúc mỗi khi xuất hiện trước công chúng, nhưng phía sau hậu trường, họ có thể đang trải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất cuộc đời. Thật trớ trêu khi nghề nghiệp của họ là mang lại niềm vui cho người khác nhưng lại không thể khiến bản thân mình hạnh phúc.
Sau những sự việc xảy ra, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đối xử nhẹ nhàng với những ngôi sao Kpop.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất