Hậu trường Táo quân Kỷ Sửu 2009

18/01/2009 11:53 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Tối 30, dù bận mấy, nhiều gia đình vẫn cố thu xếp xong mâm cỗ cúng, quây quần bên mâm cơm sum họp truyền thống và không thể thiếu món”…Táo quân của chương trình Gặp nhau cuối năm, để rồi sang năm mới, khối người gặp nhau lại…vỗ đen đét khen : Táo quân năm nay “gớm” thật ! Ai lỡ bận việc không xem được “nước 1” thì phải ráng chờ xem “nước 2” (phát lại), hoặc không đợi được phải mua…đĩa lậu.
 
Người xem háo hức, người làm hồi hộp
 
Chương trình Táo quân không những được sự kỳ vọng và đón đợi của khán giả mà ngay các diễn viên và ê kíp thực hiện cũng không kém phần háo hức. Ngay khi kịch bản (KB) mới rục rịch làm, các diễn viên quen thuộc đã tới tấp hỏi thăm khi nào ghi hình Táo quân, năm nay họ được mời vào vai gì... Dịp Tết, diễn viên bận sô ngoài, sô nhà hát nên muốn biết chính xác thời gian tập, lịch ghi hình để thu xếp lịch diễn sao cho… tham gia Gặp nhau cuối năm bằng được. Diễn viên sâu sát với nội dung kịch bản nên có thể phát hiện thêm các vấn đề thú vị và cùng tham gia bàn luận với nhóm thực hiện để bổ sung nội dung. Nhiều câu thoại hay và các tình huống hài hước được họ sáng tác trên sàn tập, sau khi thống nhất với nhóm, được chính thức đưa vào KB.

Tuy nhiên, vì chính sự quan tâm đó nên những người thực hiện không tránh khỏi áp lực. Vẫn màn Táo quân nhưng phải nói được cái mới. Vì vậy, các Táo quen thuộc đều được làm mới. Ngoài Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng do Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh đảm nhiệm, các diễn viên trong vai Táo thường hoán đổi vị trí cho nhau… Mỗi năm lại có thêm một vài vị Táo mới và dĩ nhiên phải bỏ đi một số Táo không còn “nóng”. Chẳng hạn, năm 2007 có Táo Blog, Táo Cơ chế… Năm 2008, có Táo Báo chí… Năm 2009, có Táo Thoát nước, Táo Điện lực, Táo Dự báo...

Là chương trình tạp kỹ nên kết cấu chương trình cũng thu nạp nhiều yếu tố phụ trợ như vũ đạo, âm nhạc, xiếc… Các năm trước, xiếc chỉ hỗ trợ kỹ thuật thì năm nay có nhiều tiết mục xiếc độc lập thể hiện tài năng của các Táo. Vì vậy, các diễn viên múa và xiếc tham gia nhiều hơn hẳn các năm trước. Phần tình huống hài vẫn được coi là hạt nhân chủ đạo của chương trình. “Chừng ấy món hài và cũng chừng ấy ngón nghề đã được chúng tôi thể hiện trong suốt 7 năm làm Gặp nhau cuối tuần và 5 năm làm Gặp nhau cuối năm, trong khi khán giả luôn đòi hòi cái mới, cái hấp dẫn nên những người thực hiện phải vắt óc nghĩ ra trò mới”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người phụ trách chương trình này nhiều năm nay, cho biết.

KB chuẩn bị trước cả năm và… liên tục phát triển

Để có KB luôn thời sự, hấp dẫn và bất ngờ với khán giả, kịch bản Táo quân là cả một công trình vắt óc của một tập thể. Nhóm tác giả kịch bản “cứng” gồm có nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng (tác giả KB phim Chuyện nhà Mộc, Người không cầu may…), đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đạo diễn Thế Anh và một số gương mặt trẻ. Trong Táo Quân 2007, những tiếng động phát ra từ miệng Táo Blog (do Hiệp “gà” thủ vai): “híc híc”, “ặc ặc”, “ke ke” - những từ “độc quyền” của “cư dân” mạng - gây sốc với Ngọc Hoàng và làm náo loạn ngôn ngữ thiên đình là “sản phẩm” của Phạm Thu Hiền (22 tuổi) - khi đó là sinh viên năm thứ ba ĐH Sân khấu Điện ảnh. Cô là người viết trẻ nhất nên được giao viết về nhân vật Táo Blog. Cô đã “lang thang” trên các diễn đàn, các trang blog và ghi chép lại toàn bộ những câu, từ ấn tượng và cả những ý tưởng chợt “nẩy” ra trong quá trình tìm kiếm. Thức trắng bên màn hình vi tính suốt 2 đêm để đầu tư cho vị Táo này, Táo Blog trở thành một trong những Táo ấn tượng của màn Táo quân thành công năm 2007. Năm nay, vắng Đỗ Trí Hùng và không có các tay viết “8X”. Thay vào đó là các nhà biên kịch 6X và 7X như Tiến Dũng và Đình Lộc, những người đã “có sự thẩm thấu xã hội”, theo đánh giá của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, để chuyển tải những vấn đề của năm.

KB bao giờ cũng là khâu được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng. Sau khi đưa ra ý tưởng chính, nhóm viết phát triển thành kịch bản khung và mỗi người đảm trách một lĩnh vực. Có người sáng tác thơ, người viết lời thoại, có người lại được giao viết riêng cho từng Táo… Sau đó, các thành viên trong nhóm cùng thảo luận, sửa chữa và nâng cao để hoàn chỉnh KB. Trên sàn tập, thấy đoạn nào không ổn hay “đo” phản ứng của người xem, nếu cảnh diễn hay tình huống không tạo được “ép phê” thì sữa chữa hoặc sẵn sàng cắt bỏ.

“Ai có tật thì giật mình”

Gặp nhau cuối năm là một trong những chương trình lớn của VTV nên kịch bản được Đài duyệt và thông qua nội dung trước khi triển khai, khác với các chương trình hoàn chỉnh rồi mới duyệt và hội đồng nghiệm thu chất lượng trước khi phát sóng. NSND Khải Hưng - nguyên Giám đốc VFC cho biết, hội đồng nghiệm thu của đài có thể sửa một vài chi tiết nhưng Gặp nhau cuối năm ít khi bị sửa. “Những cái chúng tôi không kiềm chế được hay làm hơi quá so với sự thật thì phải sửa và sửa là đúng”, ông Hưng nói.

Hỏi ông, chương trình có năm đụng chạm đến cả những vị “quan lớn”, ông có nhận được những lời đe dọa hay quở trách nào từ trên giáng xuống? Ông cười mà rằng: “Dọa thế nào được tôi. Mà tôi có hại ai đâu. Tôi chỉ muốn cuộc đời tốt đẹp hơn thôi”. Ông là người xem kịch bản hoàn chỉnh trước lúc ghi hình nên “biết nên làm thế nào và làm đến đâu”. “Chúng tôi làm với cái tâm sáng nên không sợ làm bất kỳ ai động lòng. Nhưng ai có tật giật mình và giật mình thì càng tốt”. Hỏi ông, “Có phải vì say mê sáng tạo mà… để quên một vài câu thoại nào đó “đụng chạm” khiến có người phản ứng?”. Ông thủng thẳng nói: “Chúng tôi chẳng để quên cái gì mà có người vẫn giật mình”.

Về nội dung, chương trình không né tránh hay e sợ một vấn đề nào. “Có gì nói được thì chúng tôi mạnh dạn đề cập. Chưa đưa ra những việc chưa đến nơi đến chốn hoặc chưa thẩm định rõ ràng... Đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm, chúng tôi phải cân nhắc kỹ nhưng không né tránh hoặc e sợ… Mục đích của màn Táo quân cuối năm là góp ý, xây dựng chứ không theo kiểu chê bai hay miệt thị. Đã có người gắn cho các nhân vật trong màn Táo với ông này, bà kia ngoài đời và cho rằng chúng tôi không được xây dựng những hình ảnh Táo như thế. Nói như thế là chưa hiểu được tiếng cười trong nghệ thuật!”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định.

Cái kết luôn phải cân nhắc nhiều nhất

Phần kết chương trình có lẽ là phần được cân nhắc và… sửa chữa nhiều nhất. Năm 2006, sau khi ghi hình cảnh các Táo từ chức, thấy không khí có vẻ ảm đạm và… không cần thiết nên nhóm biên tập quyết định cắt bỏ cảnh này, dù rằng lúc diễn ở sân khấu, sau những tưng bừng “khai công, nhận tội” của các Táo, đây là màn diễn lắng lại tạo cho khán giả nhiều cảm xúc và nghĩ suy.

Năm 2007 và 2008, màn kết vui vẻ hơn và tạo cảm giác phấn chấn, tin tưởng. Phần “vĩ thanh” năm 2007 thể hiện niềm tự hào của đất nước sau một năm với nhiều thành tựu đặc biệt trên mặt trận chính trị và ngoại giao, đưa đất nước bước vào những vận hội mới… Năm 2008, phần dàn dựng ca khúc À í a cùng với phần múa minh họa để kết thúc chương trình hơi dài nên lúc dựng cũng được rút gọn.

“Cái kết cảm thấy quá đà thì tự mình cắt đi. Một câu thoại ý tốt nhưng có thể diễn viên diễn thành ý khác thì phải nắn chỉnh kịp thời”, ông Hưng cho biết. 

Táo quân ngày càng lớn mạnh

Táo quân theo xu hướng ngày càng được dành nhiều thời gian phát sóng hơn, mặc dù trước Giao thừa, cả ba kênh sóng của VTV chụm lại một nên “đất chật” và nhiều chương trình đều muốn có mặt ở đây.

Năm 2005, chương trình dài 75 phút, năm 2006, 2007 và 2008 đều 90 phút nhưng năm nay sẽ dài 120 phút, là năm thời lượng dài nhất trong 6 năm qua. Để chuẩn bị cho chương trình ghi hình trong 3 giờ và rút lại trong khoảng 90-120 phút, kịch bản dày dặn khoảng 40-50 trang và ngoài khâu chuẩn bị cả năm thì số ngày tập luyện so với các chương trình tạp kỹ khác của VFC cũng ở vào mức kỷ lục: 5-6 ngày đêm (thật ra tập đêm là chủ yếu vì ban ngày diễn viên còn nhiều việc khác).

Gặp nhau cuối năm Xuân Kỷ Sửu phát sóng vào 20 giờ - 22 giờ ngày 25/1 (30 Tết) trên VTV. Khoảng 40 nghệ sĩ tham gia chương trình này. Chương trình được dàn dựng như một đêm thi hoa hậu với các màn thi trang phục tự chọn, tài năng và thi vấn đáp, đồng thời có thêm các clip ca nhạc ngoại cảnh.

Các diễn viên phía Nam được gửi kịch bản trước để nghiền ngẫm và ra Bắc muộn hơn để ráp nối với các đồng nghiệp ngoài Bắc. Ngoài việc mất nhiều thời gian để bàn thảo, những ngày sắp đến lịch ghi hình, ê-kíp thường làm việc với nhau đến tận 10-11 giờ tối. Các nhóm tập trước với nhau rồi sau đó ghép lại theo tổng thể chung của chương trình. Dù chuẩn bị ý tưởng từ trước nhưng trước khi quyết định chọn sự kiện nào để các Táo báo cáo thì những người thực hiện còn căn cứ vào tổng kết của báo chí để bồi đắp phần nội dung cho phù hợp.

VTV muốn xây dựng Gặp nhau cuối năm trở thành chương trình có “thương hiệu” riêng và duy trì thường xuyên 2 chương trình lớn/năm. Vậy nên mức đầu tư vào các năm lẻ thường “nặng” hơn năm chẵn và theo chiều hướng… tiến lên. Năm 2007, mức đầu tư gấp đôi năm trước nên mời được đông đảo diễn viên trong Nam ra Bắc, sân khấu dàn dựng hoành tráng hơn... Mức đầu tư cụ thể mỗi năm căn cứ nội dung KB, đặc biệt là khâu thiết kế sân khấu và số lượng diễn viên phía Nam sẽ mời.

Địa điểm ghi hình suốt 5 năm qua và năm nay đều “chung thân” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội nhưng lịch thuê địa điểm cũng phải đặt trước cả năm. Mặc dù chương trình chỉ phát giấy mời cho đại biểu nhưng vé chợ đen trước Cung luôn đắt như tôm tươi. Giá vé cũng tăng lên theo hàng năm.

Giám đốc VFC ngồi ở hàng ghế khán giả

Trong các buổi ghi hình Gặp nhau cuối năm tại Cung Hữu Nghị Hà Nội, nguyên Giám đốc VFC - NSND Khải Hưng đều có mặt. Ông ngồi ở hàng ghế khán giả. Còn đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sau những ngày chuẩn bị đầy bận rộn và cả buổi chiều làm việc mướt mồ hôi với các diễn viên, khi chương trình bắt đầu chạy là lúc anh “trốn” ra khỏi Cung nạp năng lượng cho dạ dày để vào tiếp tục trở lại đứng sau hậu trường.

Hải Đông - Long Nghệ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm