Hậu quả của 'chặt chém' trên truyền hình

11/11/2016 06:58 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây nhiều chương trình giải trí truyền hình thường tạo kịch tính bằng việc tạo ra các mâu thuẫn (có thể theo kịch bản có sẵn) để thu hút khán giả nhảy vào cuộc. Kịch bản thường thấy là các thành viên giám khảo giả vờ cãi nhau, nói xấu, công kích nhau… thoải mái. Nhưng hậu quả của nó thì khó lường đối với khán giả.

Ví dụ như mới đây Tiếu lâm tứ trụ phát sóng tập 1, cũng do Minh Nhí có những lời “công kích” Hồng Vân nên có báo đã giật tít kiểu như: “Minh Nhí vạch trần NSND Hồng Vân mê ăn tinh bột đến mức phát phì”.

Liệu với khán giả xem truyền hình ở xa, nhìn thân hình Hồng Vân hiện nay, rồi tình bạn mấy chục năm với Minh Nhí, họ tin hay không tin lời của Minh Nhí?


Cặp đôi Hồng Vân – Minh Nhí trên ghế nóng "Tiếu lâm tứ trụ"

Hay như cuộc thi Căn hộ ước mơ đang phát sóng lúc 20h trên HTV7 Chủ nhật, nhìn cảnh các thí sinh cãi nhau như hàng tôm hàng cá, thậm chí đập đồ, ném đồ nghề vào nhau… Liệu các em nhỏ xem chương trình này có rút ra “kinh nghiệm” là muốn đạt được ước mơ thì phải “cá tính” một cách cộc cằn, sẵn sàng tấn công, đạp lên đồng đội để được đi tiếp.

Có thể bộ lọc của trẻ nhỏ rồi sẽ quên theo thời gian, nhưng tức thời thì khó nói là không bị ảnh hưởng. Ngay ngày sau, tuần sau trẻ nhỏ đến trường, nếu có thi thố gì, rất có thể “dấu ấn” từ những cuộc chửi lộn thô lỗ trên Căn hộ ước mơ có thể sẽ được các em “cập nhật”.

Mà cũng đâu thiếu mấy vụ chửi lộn, đánh lộn giả trong trò chơi rồi thành chửi lộn thật, đánh lộn thật ngoài đời. Nhiều giám khảo khi chưa đến với cuộc chơi truyền hình, họ là bạn, nhưng khi chơi xong tình bạn tiêu tan.

Liệu độc giả nhỏ tuổi khi đọc những tựa đề như “Phạm Hương luôn bị Hà Hồ dắt mũi tại The Face”, “Phạm Hương chính thức tuyên chiến với Hồ Ngọc Hà”… trên mặt báo thì họ nên tin đây là thông tin giả hay thật?


Lan Khuê, Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương trên ghế nóng "The Face"

Đành rằng truyền thông và truyền hình đang dần mất vai trò định hướng dư luận, thay vào đó là tìm cách giải trí để bán quảng cáo, tăng thu nhập. Nhiều khán giả cũng tìm kiếm sự kịch tính bằng việc xem các cuộc chửi lộn, cãi nhau… như thật đó, nhưng nhiều khán giả khác cũng bị tổn thương và thấy bị xúc phạm.

Xúc phạm vì nhiều chương trình có tính hài hước hoặc thời trang mà nội dung tiểu phẩm chẳng có gì để xem, mà chủ yếu phải xem các nhân vật ngồi “ghế nóng” chặt chém nhau. Hậu quả của những chương trình như vậy không chỉ làm biến chất truyền thông, mà còn làm biến chất cả âm nhạc, sân khấu, thời trang, tấu hài… Bây giờ nhiều người không cần biết nội dung kịch bản và chuyên môn là gì, chỉ cần xem “giám khảo, thí sinh chặt chém, chửi lộn” là đủ rồi.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm