'Hậu' phép màu

17/07/2016 21:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hầu hết các bác sĩ của chương trình đều khẳng định các ca phẫu thuật rất an toàn, chương trình sẽ hỗ trợ y tế nếu các nhân vật có bất kì tai biến gì. Cho đến nay chưa có một nhân vật nào báo cáo về những vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định việc phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó là còn chưa nói, theo thời gian, khi đến tuổi lão hóa, các chi tiết trên gương mặt sẽ "xộc xệch" đi. Việc khắc phục lúc này tiếp tục đòi hỏi thêm tiền, và sẽ khó có thể đẹp được.

Nên câu hỏi "có cần thiết phải thay đổi toàn bộ diện mạo hay không"  thiết nghĩ vẫn phải đặt ra với các chương trình nhưThay đổi cuộc sống, Phép màu sắc đẹp.

Tại Hàn Quốc, chương trình Let Me In!, một chương trình tương tự Thay đổi cuộc sống đã từng bị chỉ trích vì có xu hướng thay đổi toàn bộ gương mặt của người tham gia trong khi chỉ vài bộ phận trên gương mặt không ưa nhìn.


Thí sinh trong Gala "Change Life - Thay đổi cuộc sống". Ảnh: VTV

Cũng cần phải nói thêm, dù các Thay đổi cuộc sống, Phép màu sắc đẹp chủ trương không truyền thông, nhưng khi phát sóng trên truyền hình thì vẫn bị coi là một hình thức truyền thông. Mục đích nhân đạo của Thay đổi cuộc sống hay Phép màu sắc đẹp khó có thể nói là "vô tư" như những chương trình phẫu thuật cho trẻ bị hở hàm ếch do các tổ chức nhân đạo thực hiện.

Thực tế cho thấy, sau khi chương trình phát sóng rất nhiều người có diện mạo bình thường đã đăng ký tham dự. Khi nhóm người tin vào sắc đẹp nhân tạo tăng, thì nhóm bị hạn chế về nhan sắc (chưa nói có dị tật trên gương mặt) sẽ khó thích nghi hơn. Đó là ảnh hưởng xã hội cần phải nghĩ tới.

Nguyễn Hà My: Thay đổi diện mạo vì một vết chàm

Nguyễn Hà My: Thay đổi diện mạo vì một vết chàm

Nguyễn Hà My không phải ca 'nặng' của Thay đổi cuộc sống (Change Life). Khiếm khuyết duy nhất trên gương mặt của cô là vết chàm, còn lại tất cả các nét của cô đều rất hài hòa.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay thay vì khuyến khích phẫu thuật thẩm mĩ, đang nỗ lực giúp người dân bớt ám ảnh bởi vẻ bề ngoài. Ở Đài Loan (Trung Quốc) đã từng có phong trào "Hãy chấp nhận cái mặt của tôi", chống kì thị về vẻ bề ngoài. Velasquez Lizzie, cô gái người Mỹ bị gọi là "xấu nhất thế giới" đã không chọn phẫu thuật thẩm mĩ. Cô đã dũng cảm đứng lên, xây dựng phong trào giúp phụ nữ tự tin là chính mình. Cô là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.

Hải Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm