02/02/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Hai năm liền, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa đã trao Giải thưởng Lớn cho các nhạc sĩ, đó là Phú Quang (năm 2020) và Hồng Đăng (2021). Có thể ai cũng biết đến Phú Quang với những nỗi niềm đau đáu về Hà Nội phố, nhưng không phải ai cũng nhận ra còn có một tâm hồn Hà Nội nữa, cũng rất nồng nàn với Hoa sữa và rất tha thiết với Kỷ niệm thành phố tuổi thơ…
Thế nên, việc trao giải cho Hồng Đăng được coi là một “phát hiện” thú vị của giải thưởng vừa qua, khi soi chiếu sự nghiệp của người nhạc sĩ “quen mà lạ” này dưới góc độ “tình yêu Hà Nội”. Và cũng với góc soi chiếu đó, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã điểm qua một kho tàng “Hà Nội ca” trong non thế kỷ qua.
Ngay từ thời tiền chiến, tác giả âm nhạc đầu tiên viết về Hà Nội không phải ai khác mà chính là Văn Cao. Hai hành khúc yêu nước mà ông viết cho các tráng sinh Hướng Đạo hát những đêm lửa trại là Thăng Long hành khúc ca viết về chiến thắng giặc Minh của Lê Lợi, còn Gò Đống Đa thì viết về chiến thắng giặc Thanh của Quang Trung. Cùng với hai hành khúc yêu nước này là hai ca khúc lãng mạn nói về hồn cốt của kinh thành xưa. Đó là Cung đàn xưa và Thu cô liêu.
Cung đàn xưa là một nuối tiếc về những âm giai xa xăm của tổ tiên, cha ông đang phai nhạt dần giữa thời đại du nhập văn hóa Âu Tây: “Cung đàn ngâm buồn xa vắng trong tiếng thầm “lưu luyến” chiều năm xưa gót hài khai hoa mắt buồn lưu xuân dáng hồng thơm hương” giữa “Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la”.
Đó là Thu cô liêu được Văn Cao viết khi đi vẽ ở Chùa Láng cho bài tập của lớp học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng chung một hoài cảm u buồn: “Thu tịch liêu, cô liêu/ Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu”.
Nhưng cũng chính Văn Cao của thập kỷ 40 thế kỷ trước lại có một hành khúc tiên đoán ngày trở về của đoàn quân chiến thắng tại Hà Nội trước khi sự kiện ấy diễn ra thực sự tới 6 năm. Hành khúc Tiến về Hà Nội không chỉ tiên đoán về sự kiện này sẽ diễn ra, mà còn tả nó diễn ra như thế nào đúng như những gì của sự thật sau đó trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954: “Chúng ta ươm lại hoa - sắc hương phai ngày xa - ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”.
Biết đâu khi hát cùng Văn Cao bản hành khúc này, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lưu giữ cái sự “ươm lại hoa” ấy bằng cách vẽ phố cổ Hà Nội ngay từ ngày kháng chiến ở Khu III. Và ông đã tạo ra một dòng các bức họa về phố cổ Hà Nội mà người đời đã gọi tên thân thương là “Phố Phái”. Chính Văn Cao đã có bài thơ Phố Phái để tặng cho bạn mình: “Tôi gửi một lá thư về phố Phái - Người đưa thư sẽ đưa đến phố anh…”. Cũng nhờ thế mà nay ta mới có giải thưởng Bùi Xuân Phái dành cho những tác giả sáng tạo “Vì tình yêu Hà Nội”.
***
Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, trên chiến lũy Thủ đô, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã hát lên bài thơ Thủ đô huyết thệ của võ sư Trịnh Đình Báu thành một hành khúc hùng tráng. Còn với Huy Du thì là ước hẹn Sẽ về Thủ đô: “Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”. Năm nay, Huy Du là nhạc sĩ tiếp theo các nhạc sĩ trước, có tên đường ở Hà Nội.
Trước Huy Du vài năm, đã có tên đường Nguyễn Đình Thi. Như được thời gian giao cho trọng trách viết thành một Hà Nội ca, bài trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi đã xứng đáng để tôn vinh nhà văn Nguyễn Đình Thi là người có công đóng góp lớn cho lịch sử Tân nhạc Việt Nam bởi Diệt phát xít và Người Hà Nội.
Còn biết bao các nhạc sĩ khác đã đóng góp vào kho tàng “Những bài ca Hà Nội” qua các thời kỳ thăng trầm của Thủ đô. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ với Nhớ mùa thu Hà Nội và Đoản khúc mùa thu Hà Nội cũng đã được Thủ đô vinh danh đặt tên cho một con đường nối từ đường Âu Cơ xuống công viên nước.
Ca sĩ Hồng Nhung thể hiện ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội":
Nhờ có các nhạc sĩ “Vì tình yêu Hà Nội” như thế, người viết bài này mới có đủ “bột” để “gột nên hồ”. Khi sưu tầm và tuyển chọn tập bài hát “1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội” dịp Thăng Long Hà Nội nghìn tuổi năm 2010 với 1.000 ấn phẩm nặng tới hơn 3kg với hơn một nghìn trang nhạc. Trong số họ, có nhiều người đến nay đã thành “người thiên cổ”.
Đấy là Trần Văn Nhơn - nhạc sĩ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ huy dàn nhạc Đài Pháp Á với ca khúc Hà Nội 49. Đấy là nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng (anh trai nhạc sĩ Phạm Duy) với Cười đổ kinh thành. Đây là Đoàn Chuẩn với vệt tình khúc mùa thu Hà Nội để được người mến mộ vinh danh là “Vua tình khúc mùa thu Hà Nội” với những Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Chiếc lá cuối cùng...
***
Ngay từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc thì lại có thêm những “Hà Nội ca” mới như Quê tôi giải phóng của Văn Chung, Chiều Hồ Gươm của Trần Thụ, Mời anh đến thăm quê tôi của Nguyễn Đức Toàn. Các nhạc sĩ miền Nam tập kết ra Hà Nội cũng góp vào kho tàng “Hà Nội ca” rất nhiều nhạc phẩm mang nỗi nhớ nhung từ Hà nội gửi về quê nhà như Cánh tay miền Nam trên đất Bắc của Trần Kiết Tường, Quê tôi của Lưu Cầu, Tình ca của Hoàng Việt, Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu, rồi Trên đường ta đi tới của Bửu Huyền. Rồi họ cũng trở thành người ngợi ca Hà Nội như Phan Huỳnh Điểu với Những ánh sao đêm, Lưu Bách Thụ với Cô thợ nề thủ đô...
Những năm chống Mỹ, lại thêm những “Hà Nội ca” mới chan chứa tình yêu như Trên đường Hà Nội của Hồ Bắc, Tiếng nói Hà Nội của Văn An (thơ Cảnh Trà), Bài ca Hà Nội của Vũ Thanh, Khi thành phố lên đèn của Thái Cơ, Em đứng giữa giảng đường hôm nay của Tân Huyền, Mùa hoa phượng nở của Hoàng Vân, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân…
***
Từ ngày thống nhất đất nước, số lượng “những bài ca Hà Nội” đã được gia tăng rất nhiều về số lượng và cả chất lượng. Người đời còn hát mãi Gửi anh người trai Hà Nội và Trời Hà Nội xanh của Văn Ký, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, Mùa xuân đến rồi đó của Trần Chung, Hà Nội - trái tim hồng của Nguyễn Đức Toàn, Cảm xúc tháng Mười của Nguyễn Thành (thơ Tạ Hữu Yên), Tình yêu Hà Nội của Hoàng Vân, Nhớ Hà Nội của Hoàng Hiệp, Lối cũ ta về và Một mình của Thanh Tùng hay một sáng tác từ lâu của Trần Quang Lộc Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu) hoặc Hà Nội ngày tháng cũ của Song Ngọc. Và dào dạt nhất là những tình khúc Hà Nội của Phú Quang đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái để rồi tác giả cũng vừa tạ mùa đi cuối Đông 2021.
Trong số các tác giả có những “Hà Nội ca” còn đang tận hưởng niềm vui sống, bên cạnh Hồng Đăng, tác giả của Hoa sữa nổi tiếng vừa được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2021, thì không thể không nhắc tới Phạm Tuyên với cả những ca khúc dành cho người lớn và dành cho thiếu nhi.
Năm nay 2022, kỷ niệm 50 năm ngày Hà Nội chiến thắng B52 tháng Chạp 1972, không thể không nhắc đến Hà Nội những đêm không ngủ và Hà Nội - Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên. Ngay sau chiến thắng này, Hiệp định Paris được ký kết, nhịp sống thanh bình lại về với Hà Nội thì Phạm Tuyên lại tiếp tục hát về nó qua Từ một ngã tư đường phố. Rồi sau ngày thống nhất, Phạm Tuyên lại thả mình vào thơ Quang Dũng qua Mây đầu ô.
Thực ra, ngay trong những ngày đầu chống Mỹ, kể cả người lớn vẫn hát lên giai điệu trẻ thơ Trường cháu là trường mầm non của Phạm Tuyên. Những giai điệu trẻ thơ của Phạm Tuyên đã góp vào kho tàng “Nhi ca” của “Những bài ca Hà Nội” như Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Hát dưới trời Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cánh én tuổi thơ. Mùa xuân này, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bước sang tuổi 92.
Ca sĩ Thanh Lam hát "Hoa sữa" năm 1997:
***
Ở thế hệ trẻ hơn một thập niên - thế hệ 4x, bên cạnh Phú Quang rất đại chúng, có những tác giả cũng rất nổi tiếng như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Trương Ngọc Ninh, những ca khúc của họ cũng có nhiều công chúng chọn lọc hơn. Nguyễn Cường bắt đầu có duyên với “Hà Nội ca” bằng Lời chào mùa hạ (phỏng thơ Lưu Quang Vũ). Ngay từ năm 1974, giai điệu răng cưa này đã gây nên một cảm hứng lạ trong người mến mộ: “Tháng tư qua - Tháng tư qua - Phượng cháy lên rồi - Nắng xôn xao - Bừng sáng tươi lên - Màu lá non xanh…”. Chàng nhạc sĩ phố Hàng Bạc này đã trút thơ ấu mình vào một da diết trầm bổng trong Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội khiến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phải tấm tắc khen với tôi.
Cũng vẫn chất Nguyễn Cường, cũng vẫn giai điệu răng cưa: “Phố Hàng Lược chợ hoa - Phố Hàng Đào lụa tơ - Đất Thăng Long người ơi - Mái nhà nào chờ tôi…” và còn nhiều ca khúc khác như Trong gió bấc về...
Phó Đức Phương ra đi, nhưng sẽ còn sống mãi với những Bên dòng sông Cái và Một thoáng Tây Hồ với giai điệu dìu dặt âm hưởng ca trù. Sinh thời, anh thường nói đùa với tôi: “Bây giờ không chỉ một thoáng Tây Hồ nữa mà là hiện diện cả một quận mới của Hà Nội - quận Tây Hồ”. Và như duyên trời, căn nhà anh ở trước ngày bay lên cõi thiên thai cũng là căn nhà ở quận mới này. Giờ đây, là nơi hương khói bàn thờ anh.
Trần Tiến cũng khỏi bàn. Chàng nhạc sĩ cùng phố với Ga Hàng Cỏ đã từng rưng rưng “Hà Nội ngày ấy”: “Hà Nội buồn thương nhớ ơi! - Nơi tôi qua ngày thơ ấu - Chiều chiều mẹ dắt qua đê - Ngắm con sông tràn nước lũ…”. Cũng như Nguyễn Cường, vệt ca khúc viết về Hà Nội của Trần Tiến cũng rất đặc sắc với Ngẫu hứng sông Hồng, Mùa xuân gọi, Tạm biệt chim én, Hà Nội những năm 2000 v.v… Còn gần đây là Ngẫu hứng phố: “Hà Nội cái gì cũng rẻ - Chỉ đắt nhất tình bạn bè thôi…”.
Nếu với Hà Nội mở rộng hôm nay, thì cũng không thể quên Quê nhà: “Quê nhà tôi ơi! Xứ Đoài xa lắm…”. Vệt “Hà Nội ca” của Dương Thụ cũng hằn lên một cá tính sáng tạo qua những tình khúc như Cho em một ngày, Em đi qua tôi, Họa mi hót trong mưa, Hơi thở mùa xuân, Vẫn hát lời tình yêu. Nó còn phiêu diêu lãng đãng trong Lắng nghe mùa xuân về, Trở về, Mong về Hà Nội: “Những con đường mát xanh của Hà Nội - Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội… Những phố phường rất xưa của Hà Nội…”.
Trương Ngọc Ninh gắn bó với Hà Nội từ khi trở thành lính phòng không bảo vệ Thủ đô và hiện là chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Vệt sáng tác về Hà Nội của anh có thể nói bắt đầu từ “Hạt mưa mùa xuân” và sau đó là sự tuôn trào của những năm tháng làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Với một góc nhìn riêng, Trương Ngọc Ninh rất độc đáo với Cửa ô nhịp phố và đặc biệt là Tháng Mười Hà Nội tràn ngập hơi thở nhạc nhẹ trẻ trung: “Ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - Lời xưa ru tôi, ru tôi vào đời - Gặp lại ngàn xưa trên lối cũ…”.
Với thế hệ đã “lục tuần”, “tri thiên mệnh” hay “tứ thập bất hoặc” cũng rất miên man những “Hà Nội ca”. Người mến mộ vẫn còn tha thiết với Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, Hà Nội và tôi của Lê Vinh, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Khoảnh khắc của Trương Quý Hải. Còn như mới đây thôi những Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu, Mùa thu của Lương Minh, Hà Nội trong mắt ai của Vũ Quang Trung, Hương ngọc lan của Anh quân v.v… Cũng rất mới nữa là Không còn mùa thu của Việt Anh, Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường, Son của Tuấn Nghĩa. Những mùa đông yêu dấu của Đỗ Bảo, Gió mùa về của Lê Minh Sơn v.v…
Thành một vệt riêng thì có Nguyễn Vĩnh Tiến với Hà Nội, Hà Nội cà phê, Hát ru @, Thư Hà Nội, Bên cạnh đấy là Giáng Son với Giấc mơ trưa mà Nguyễn Vĩnh Tiến làm lời, Xuân Hà Nội, Mong manh, Phố khuya v.v… và gần đây nhất là Hà Nội mười hai mùa hoa qua giọng ca ám ảnh của Thu Phương.
***
Đấy là những nhạc phẩm viết dành cho thị hiếu, cho công chúng mọi thời đại. “Vì tình yêu Hà Nội”, còn có một dòng chảy ngầm mà tác giả của những nhạc phẩm ấy chỉ với ý định là để thăng hoa những cảm xúc riêng tư của mình, để hát cho một nhóm bạn bè lưu truyền không chính thức qua người này rồi người kia. Nhưng có khi vẫn cứ lắng đọng và thổn thức đâu đó trong đời sống. Đã có một thời, Hà Nội truyền miệng với nhau Đêm chia tay cứ ngỡ là bài hát Nga, hóa ra là của nghệ sĩ guitar Hải Thoại. Cũng tưởng là bài hát Nga, hóa ra Ngôi sao ban chiều lại là của nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu. Dòng chảy ngầm này cứ chảy cùng dòng chảy dào dạt trong đời sống và nếu gặp duyên trời, nó sẽ hợp lưu vào một lúc nào đó, làm phong phú thêm những nhạc phẩm “Vì tình yêu Hà Nội”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất