18/05/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Khi còn nhỏ, tôi có lần hỏi mẹ: Dòng sông Nhuệ chảy qua làng và cánh đồng làng mình, dòng sông có trước hay cánh đồng có trước hở mẹ? Vừa ngạc nhiên vừa lưỡng lự, nhìn tôi mẹ bảo: Chắc là dòng sông có trước”. Trịnh Văn Sỹ viết vậy trong Hạnh phúc phải giấu kín (NXB Trẻ).
1. Có những dòng sông làm nên những ngôi làng, bồi đắp cho ký ức tuổi thơ tươi đẹp của biết bao thế hệ sống bên dòng sông ấy. Có những cái tên làng làm người ta nhớ mãi, cũng không khỏi thắc mắc cái tên ấy đã có từ đâu và từ khi nào. Có một ngôi làng là cái nôi sản sinh ra những con người kiệt xuất, là vùng đất bình an cho những người “đi và về”, là người bạn đồng hành với dân làng trải qua bao đau thương, khổ ải.
Có những câu chuyện về ngày đói kém, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, con người ta ôm lấy sự đói khổ của nhau, động viên nhau cố gắng vượt qua. Có những món ăn chỉ có trong những ngày “bao cấp”, qua thời ấy rồi chúng chỉ còn lại trong ký ức, trong miền sâu thẳm của hồn người. Có những ngày con người ta sống với nhau chỉ bằng một thứ duy nhất gọi là tấm lòng, cái tấm lòng chân thành ngày ấy cũng có thể cứu giúp con người vượt qua cơn khốn khó.
Có những người đã đi qua thời gian khó khăn nhất, rồi nhìn lại những chuyện cũ để hoài niệm và bất chợt tiếc nuối cho những chuyện ngày nay. Và cũng có những câu chuyện để kể, để nhớ về, để thấy hạnh phúc, thấy khổ đau và để thấy nơi ngực trái của mình còn nhịp đập.
Tất cả những thứ ấy đều có trong tác phẩm Hạnh phúc phải giấu kín của tác giả Trịnh Văn Sỹ, một tập tản văn với những câu chuyện ngắn nhưng là chuyện dài của cả một ngôi làng mang tên Đa Sĩ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Tác giả Trịnh Văn Sỹ không phải là một người viết văn chuyên nghiệp, ông là một sĩ quan cảnh sát giao thông, nhưng tâm hồn ông lại thuộc về nghệ thuật. Ông đã từng cho ra mắt quyển Trên những ngả đường đời và nhận được nhiều sự ủng hộ từ độc giả. Sau quyển đầu tiên, ông tiếp tục vun đắp cho đứa con tinh thần thứ hai của mình là Hạnh phúc phải giấu kín.
2. Ở mỗi tác phẩm, ông đều chọn cách kể rất riêng, chọn chủ đề riêng để nói, để bày tỏ lòng mình. Trong quyển Hạnh phúc phải giấu kín, từng câu chuyện đời, chuyện người được Trịnh Văn Sỹ khắc họa đầy chân thật và sống động. Ông không dùng những cách miêu tả trau chuốt, tô vẽ cho làng quê của mình mà ông kể tất cả mọi thứ một cách mộc mạc và giản đơn. Từng ký ức ngày xưa như được sống lại trong lòng tác giả và cả những người con xa quê, những người đã và đang sinh sống ở ngôi làng ấy. Những ký ức vui buồn cứ đan xen vào nhau qua lời kể của một người con yêu quê mình, yêu làng Đa Sĩ.
Đọc quyển sách này là cách chúng ta được trở về ngày xưa, ngày còn khó khăn, đói kém, ngày mà tình người chan hòa, thấu hiểu nhau. Đọc để thấy những thế hệ trước đã sống như thế nào, các thế hệ sau sẽ hiểu được ông bà, cha mẹ mình đã trải qua những gì và như một cầu nối giúp các thế hệ được nối kết với nhau nhiều hơn. Từng câu từ như một thước phim quay chậm về những ngày xưa cũ, về những ngày miếng cơm manh áo còn thiếu thốn, về những ngày cực khổ trăm bề nhưng con người vẫn cố gắng sống để mong được thấy ngày tươi sáng hơn.
Tác giả Trịnh Văn Sỹ đã thả cả hồn mình, cả tấm lòng của mình cho từng ký ức, từng nỗi nhớ niềm thương lên đầu bút. Những tâm tư tình cảm của ông cũng là của biết bao người đi trước, ông ngẫm lại đời ông bà cha mẹ mình và tiếc nuối cho ngày nay:
“Ngày nay ở làng quê, hầu như chẳng có nhà nào phải chạy ăn từng bữa. Chẳng ai phải mua từng phao dầu, só rượu, chai nước mắm về pha loãng mới dùng. Chẳng đứa trẻ nào phải nhặt từng sợi tóc rụng, nhặt mảnh chai để đổi lấy chiếc kẹo. Cũng chẳng có đứa trẻ nào thèm tóp mỡ như tôi thời ấy. Mọi thứ đều dư thừa, thậm chí phải đổ đi vì để quá hạn sử dụng. Khi không còn những điều ấy, cũng không còn những người đi qua làng như bà mua lông gà lông vịt, bà Bóp, ông thợ hàn bát, thợ đóng cối và cả cán bộ nhà nước như ông Dã, tất cả vẫn còn trong ký ức của tôi. Một ký ức vừa xúc động, vừa buồn đau về một thời mà thế hệ chúng tôi và ông bà cha mẹ đã đi qua”.
Sau tất cả, Hạnh phúc phải giấu kín như một món quà mà ngày còn nhỏ ta háo hức đợi mẹ trước sân nhà, những thứ dịu dàng nhất, ấm áp nhất đều nằm ở từng trang sách. Tại sao hạnh phúc phải giấu kín? Chắc chắn rằng khi đọc quyển sách này, độc giả sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình và tìm lại được những ký ức xưa bị thời gian đưa vào vùng quên lãng.
Tác giả Trịnh Văn Sỹ sinh năm 1957, quê ở làng Đa Sĩ, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Sĩ quan Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân), từng là Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông - Công an Thành phố Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản của ông là Trên những ngả đường đời (NXB Hội Nhà văn, 2018). |
Hồng Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất