“Hàng nhái” K-pop tràn lan

24/07/2012 07:15 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - K-pop đang gặt hái được thành công khắp toàn cầu và đã thâm nhập được vào thị trường Mỹ “khét tiếng”. Song nhiều người đang tự hỏi, liệu K-pop có giữ được vị thế “đỉnh” lâu dài hay không khi mà các sản phẩm âm nhạc của họ đang bị “nhái” tràn lan ở hải ngoại. 

Trong 3 năm qua, năm nào lượng đĩa bán ra của nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, trên khắp toàn cầu cũng tăng gấp đôi. Tuy vậy, nhiều công ty sản xuất đang lo lắng khi các “chiêu trò” của họ bị nhiều công ty nước ngoài sao chép lại. Và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ chưa đem lại được những kết quả khả quan. Trong khi đó, nhiều người lại chỉ trích cách đối xử của các công ty giải trí nước này đối với các nghệ sĩ trẻ của họ. Các công ty thường ký những hợp đồng dài với nghệ sĩ và bắt họ phải làm việc cật lực, trong khi lại không trả thù lao xứng đáng. 



Ban nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Girls’ Generation (hình trên) và “bản sao” Trung Quốc - Idol Girls.

Sản phẩm xuất khẩu “chủ lực” của Hàn Quốc

K-pop đã tạo được sức ảnh hưởng toàn cầu và năm ngoái nền công nghiệp này đã thu về được 177 triệu USD từ các sản phẩm xuất khẩu. Thành tích đó khiến các nhà hoạch định chính sách ca ngợi K-pop là sản phẩm xuất khẩu “chủ lực” của Hàn Quốc, cùng với các sản phẩm “chiến lược” khác như ô tô, điện thoại di động và kim chi. Họ phấn khích khi nhiều nhóm nhạc, với những giai điệu dễ nhớ và các màn vũ đạo sôi nổi, đang mang lại cho đất nước này một hình ảnh trẻ trung và năng động hơn.

 Song nhiều chuyên gia cho rằng K-pop vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Mặc dù đang ăn khách ở thị trường hải ngoại, nhưng xét về doanh thu thì K-pop vẫn “chưa là gì” so với nền công nghiệp trò chơi điện tử. Năm ngoái,  nền công nghiệp trò chơi điện tử xứ kim chi đã “bỏ két” được 9,1 nghìn tỷ won (khoảng 8 tỷ USD) và 221 triệu USD từ các sản phẩm xuất khẩu.

Chưa kể, thị trường đĩa CD của Hàn Quốc cũng đang trì trệ và nền âm nhạc kỹ thuật số thì tụt giảm mạnh. Hiện trạng này buộc các nghệ sĩ và công ty sản xuất phải dựa chủ yếu vào các chuyến lưu diễn và hợp đồng quảng cáo. Nhiều công ty âm nhạc hy vọng rằng danh tiếng đang bùng nổ của các nghệ sĩ Hàn Quốc ở nước ngoài sẽ tạo nên thành công mới cho K-pop. 

Nhiều nhóm nhạc có bản sao ở hải ngoại

Thế nhưng, hy vọng đó không dễ trở thành hiện thực mặc dù danh tiếng của K-pop đang nổi như cồn ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Sự ăn khách của các sao Hàn khiến nhiều nghệ sĩ nước ngoài cố gắng trở thành “bản sao” của các thần tượng Hàn Quốc.  

Chẳng hạn như Girls’ Generation, nhóm nhạc nữ gồm 9 thành viên rất nổi tiếng ở Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác, đang có một “bản sao” là Idol Girls - một nhóm nhạc Trung Quốc cũng gồm 9 thành viên. Nhóm nhạc Trung Quốc này đã bắt chước các màn vũ đạo, thời trang và thậm chí cả ảnh bìa album khi họ ra mắt làng nhạc hồi năm 2009.

Đài Loan cũng có một nhóm nhạc “nhái” hình ảnh của Girls’ Generation là Super 7.

Hay Super Junior, ban nhạc nam gồm 12 thành viên, cũng có một “bản sao” ở Trung Quốc là Super Boy, và Big Bang thì có OK Bang. 2NE1, một nhóm nhạc nữ nổi tiếng khác, đang rất khó chịu khi ở Thái Lan có ban nhạc Candy Mafia mang nhiều điểm tương đồng với họ. Trong khi nhóm nhạc nữ Trung Quốc i-Me thì pha trộn phong cách của các nhóm nhạc Kara và Wonder Girls. Còn nghệ sĩ solo artist Hyun A lại thấy đĩa đơn Bubble Pop của mình lại có nhiều ca sĩ Trung Quốc và Việt Nam sử dụng.

Chưa thể khởi kiện

Nhiều chuyên gia thắc mắc, việc “sao chép” rõ ràng như thế mà tại sao các công ty âm nhạc Hàn Quốc, trong đó gồm cả 3 công ty lớn là SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment, lại chưa hề đâm đơn kiện.

“Chúng tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ, nhưng vấn đề là thực hiện việc đó như thế nào. Chúng tôi đã phát hiện ra nhiều vụ vi phạm bản quyền ở nhiều nước, từ Uzbekistan tới Trung Quốc, nhưng các nước đó có những quan điểm khác nhau về tài sản trí tuệ và mức độ bảo vệ. Nhiều nghệ sĩ chỉ copy phần nhạc, có nghệ sĩ chỉ bắt chước vũ đạo, hay có nghệ sĩ chỉ “nhái” các hình ảnh bìa album và có nghệ sĩ lại bắt chước cách làm các video clip. Các kiểu nhái như vậy khiến chúng tôi chưa rõ mình phải thúc đẩy việc bảo vệ các quyền như thế nào” - đại diện một công ty lớn ở Hàn Quốc bày tỏ.
“Theo đuổi các vụ kiện rất mất thời gian và tiền bạc, trong khi ở nhiều nước, chúng tôi khó “tóm” được đích xác người mình cần kiện” - ông ta nói thêm.
    

K-pop bị kiện đạo nhạc

Đau đầu với tình trạng các sản phẩm của họ bị nhái ở nước ngoài là vậy, song nhiều công ty giải trí Hàn Quốc đang phải vất vả giải quyết những lời cáo buộc đạo nhạc.

Hồi đầu năm nay, Tòa án Seoul phán quyết Park Jin Young, một nghệ sĩ solo nổi tiếng đồng thời là người điều hành công ty giải trí JYP, đã đạo một giai điệu của một nhà soạn ca khúc ít tên tuổi hơn để sáng tác ca khúc chủ đề cho serie phim truyền hình tuổi teen - Dream High. Park đã kháng cáo. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên Park bị buộc tội “hồn nhiên” sử dụng giai điệu của các nghệ sĩ khác.

Còn G-Dragon, một thành viên đồng thời là nhà soạn ca khúc của Big Bang, đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi gay gắt hồi năm 2009 về việc liệu anh có copy nhạc của nghệ sĩ rap Mỹ FloRida hay không. Hay hồi năm 2008, công ty quản lý của nữ ca sĩ nổi tiếng Ivy đã bị phạt nặng sau khi một tòa án Mỹ phát hiện ra trong video nhạc của cô có nhiều hình ảnh copy từ video quảng cáo cho trò chơi nổi tiếng của họ là Final Fantasy.

Các nhà phê bình cho rằng, Hàn Quốc đã mất sự kiểm soát trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, cụ thể là âm nhạc, kể từ khi đất nước này hủy bỏ ủy ban giám hộ “đạo” ý tưởng từ năm 1999.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm