WikiLeaks "tung chưởng" mới vào nước Mỹ

30/11/2010 11:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Từ tuần này, trang mạng WikiLeaks bắt đầu công bố khoảng 250.000 tài liệu, chứa đựng nhiều thông tin mật liên quan tới hoạt động ngoại giao của Mỹ từ năm 1966 tới tháng 2/2010. Trong số đó có 9.000 tài liệu được xếp hạng “không chia sẻ với người nước ngoài” bởi mang nội dung cực kỳ nhạy cảm, có thể khiến nước Mỹ gặp rắc rối về ngoại giao.

Hoạt động tiết lộ thông tin mới nhất của WikiLeaks diễn ra vào chiều ngày 28/11 (29/11 giờ VN), bất chấp những phản ứng dữ dội từ chính quyền Mỹ. Các thông tin được lấy từ mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Siprnet Distribution của quân đội Mỹ, vốn chứa cả tin tức quân sự lẫn văn kiện ngoại giao. Theo kế hoạch, sẽ có thêm hàng loạt thông tin mới được hé lộ trong tuần này.

“Vụ 11/9 của ngành ngoại giao”

Giống hai lần tiết lộ tài liệu trước, lần này WikiLeaks đã phối hợp với 5 tập đoàn tin tức lớn, gồm các tờ New York Times, Guardian, Le Monde, Der SpiegelEl Pais, để nhanh chóng chuyển tải thông tin mật tới công chúng.

Tờ Guardian cho biết có tổng cộng 251.287 văn kiện ngoại giao từ hơn 250 đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ gửi tới, đã bị lấy ra khỏi kho lưu trữ của Siprnet và chuyển cho WikiLeaks. Các thông tin bị rò rỉ có đủ mọi cấp độ, từ mức thấp tới mức “Secret NoForn” (Bí mật không cho người không phải công dân Mỹ xem). Mặc dù nội dung các tài liệu chứa nhiều thông tin gây sốc, nó không có các kế hoạch ám sát, hoạt động hối lộ của Cục tình báo Trung ương hay những vụ đại loại như vậy. Một trong những nguyên nhân giải thích cho chuyện này là các thông tin nhạy cảm nhất, thuộc nhóm “top secret” (tuyệt mật) và cấp cao hơn không thể truy cập được từ Siprnet.


Sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange vẫn đang tiếp tục cho công bố
hàng loạt thông tin mật khiến giới ngoại giao Mỹ bẽ bàng

Tuy nhiên, các thông tin được hé lộ cũng đủ để khiến giới chức Washington cùng các đồng minh bẽ mặt. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã không ngần ngại khi gọi đây là “vụ 11/9 của ngành ngoại giao”.

Trong đợt công bố thông tin đầu tiên, người ta biết được rằng vào ngày 20/4/ 2008, Quốc vương Abdullah của Arab Saudi đã kêu gọi Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Abdullah kêu gọi Mỹ “chặt đầu con rắn”, sau cuộc gặp giữa ông cùng các lãnh đạo Saudi khác với Đại sứ Mỹ ở Iraq khi đó, ông Ryan Crocker và tướng Mỹ David Petraeus.

Văn kiện ngoại giao đề ngày 18/ 11/2009 có ghi cuộc gặp giữa giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ với Israel, trong đó phía chính quyền Do thái nói rằng 2010 có thể là năm quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran. Israel cảnh báo nếu Iran tiếp tục bảo vệ và tăng cường phòng thủ các cơ sở hạt nhân, việc tấn công những điểm này cũng khó khăn hơn. Đôi bên cũng thảo luận việc giữ kín tin Mỹ chuyển giao bom phá hầm ngầm GBU-28 để tránh xuất hiện các cáo buộc rằng Israel đang chuẩn bị tấn công Iran.

Một văn kiện khác đề ngày 24/2/ 2010 cho biết Iran đã sở hữu 19 tên lửa hiện đại từ CHDCND Triều Tiên, với khả năng bắn tới Moskva và một số thành phố Tây Âu. 19 tên lửa này là loại BM-25, được sản xuất dựa trên mẫu tên lửa R-27 của Nga, có khả năng giúp Iran có được các “nền tảng chế tạo tên lửa tầm xa”. Tài liệu này không đưa ra chứng cứ cho các tuyên bố trên.

Hàng loạt các tài liệu nhạy cảm

Một văn kiện ngoại giao phát đi vào ngày 31/7/2009 có ghi các chỉ thị của Bộ Ngoại giao, yêu cầu giới chức ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới và tại trụ sở LHQ phải thu thập tin tức tình báo về các quan chức cao cấp LHQ. Thông tin được tìm kiếm bao gồm số thẻ tín dụng và quãng đường bay thường xuyên của mục tiêu bị theo dõi, tài khoản thư điện tử và lịch làm việc. Bộ Ngoại giao cũng đòi hỏi các thông tin như mật mã để các quan chức LHQ sử dụng truy cập vào mạng thông tin liên lạc. Họ cũng muốn biết liệu có tổ chức LHQ nào có liên quan tới khủng bố và rằng LHQ có tham nhũng hay không.

Tờ Guardian nói rằng đích thân Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra các chỉ thị thu thập tin tức kể trên và đối tượng bị do thám bao gồm các cấp cao nhất của LHQ như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và các đại diện của HĐBA LHQ. Tờ New York Times mô tả các mệnh lệnh này giống việc mở rộng vai trò của các nhà ngoại giao Mỹ sang phần đất của dân tình báo.

Nhận xét này vấp phải sự phản đối của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phillip J. Crowley: “Các nhà ngoại giao của chúng tôi chỉ hoạt động ngoại giao thuần túy. Họ tiếp xúc cởi mở, minh bạch với các đại diện chính quyền nước ngoài và các tổ chức dân sự. Thông qua tiến trình này, họ thu thập thông tin giúp chúng tôi định hình chính sách và hành động. Đó là điều mà các nhà ngoại giao, từ đất nước chúng tôi hay các nước khác, vẫn làm trong hàng trăm năm nay”.

Được biết trong những ngày tới, các văn kiện ngoại giao mật được công bố sẽ chứa thông tin chi tiết về cựu Phó Tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud bị phát hiện mang theo 52 triệu USD tiền mặt khi thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất; các hacker nỗ lực tìm cách tấn công máy chủ của Tập đoàn Google đặt ở Trung Quốc, trong một chương trình tấn công phá hoại có phối hợp; Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi gọi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad là “Hitler” hiện đại. Nó cũng gồm thông tin cho thấy Mỹ đã không thành công trong việc ngăn chặn Syria chuyển vũ khí tới cho các chiến binh Hezbollah; thất bại khi ngăn cản hoạt động chuyển tiền khủng bố ở Qatar.

Đã bắt được thủ phạm gây rò tin

Cần biết rằng các thông tin công bố lần này nhạy cảm tới mức một số tờ báo được WikiLeaks cấp tài liệu gốc như New York Times, Guardian Le Monde đều thừa nhận đã phải biên tập rất nhiều trước khi đăng báo. Nhiều tài liệu chứa đựng những thông tin nhạy cảm có thể gây hại tới an ninh quốc gia hoặc sự an nguy của cá nhân đều đã được họ giữ lại không đăng tải.

Washington đã có những phản ứng rất nhanh chóng và giận dữ trước vụ rò rỉ thông tin. Giới chức Nhà Trắng gọi vụ tiết lộ thông tin này là “bất cẩn và nguy hiểm”. Một số lãnh đạo cao cấp của Quốc hội Mỹ đã kêu gọi cần phải có những nỗ lực lập tức để khởi tố những kẻ tiết lộ thông tin. Quân đội Mỹ đã vào cuộc và cho biết họ đã nắm rõ nguồn gốc các tài liệu mật kể trên từ đâu ra. Đó là sản phẩm hình thành từ hoạt động “chôm chỉa” của một sĩ quan phân tích tình báo có tên Bradley Manning, 22 tuổi. Nhân vật này đã bị biệt giam trong 7 tháng qua và sẽ phải ra tòa án binh vào năm tới.

Cá nhân sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange, với ba lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ, đã trở thành người nổi tiếng thế giới. Nhưng nó cũng mang tới cho ông không ít rắc rối, sự phẫn nộ và ghét bỏ của công chúng. Đồng sáng lập viên từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia Larry Sanger lên án kịch liệt WikiLeaks, gọi trang mạng này là “kẻ thù của không chỉ Chính phủ mà cả nhân dân Mỹ”. Tháng này, nhà chức trách Thụy Điển đã ban lệnh bắt Assange vì tội tấn công tình dục. Còn hôm 29/11, quê hương Assange là Australia, cũng đã quyết định điều tra xem anh có phạm luật trong vụ làm lộ tin tức mới nhất hay không.  

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm