Hai kịch bản cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

01/07/2021 21:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, chiều 1/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản trình Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về kịch bản 1: Trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Kịch bản 2: Trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

"Đây là những mục tiêu nhiều khó khăn, thách thức" - Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Theo báo cáo, về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ.

* Dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản đã được kiểm soát

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố miền Nam bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận trên tinh thần quyết liệt và hiệu quả.

Bộ Y tế đã đặt Bộ phận Thường trực đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận, bao gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực (dịch tễ, truy vết, xét nghiệm, điều trị…); Tổ công tác đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Thành phố để dập được dịch trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo của Thành phố đã, đang chuẩn bị mọi phương án đối phó, trong đó có cả bệnh viện dã chiến; đồng thời, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế cũng đã ưu tiên cấp thêm vaccine cho Thành phố cũng như tạo điều kiện cho Thành phố đàm phán, mua thêm vaccine.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Về công tác nghiên cứu và sản xuất vaccine, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các nhà khoa học, các tổ chức, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine để bàn hướng đi phù hợp nhất, ngắn nhất để sớm có vaccine và đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta không được dồi dào về kinh phí so với các nước phát triển.

Sau đó, Bộ Y tế đã cử các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, đồng thời tham vấn các chuyên gia quốc tế, nhất là các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, để tư vấn thêm cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine tại Việt Nam, cũng như xây dựng các đề cương nghiên cứu giúp cho các nhà sản xuất.

Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã rút ngắn tối đa quy trình, quy phạm, nhanh nhưng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã cấp kinh phí cho nghiên cứu cùng với các nguồn kinh phí từ xã hội hóa của một số nhà hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine bằng cách trong thời gian ngắn huy động các nguồn lực về cán bộ y tế, các nhà nghiên cứu, tăng cường tối đa các mẫu nghiên cứu.

Xuân Tùng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm