19/09/2021 19:37 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, liên quan đến thông tin có 50 trường hợp F0 được cấp giấy đường, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo rà soát ngay có sai sót ở khâu nào hay không?
Không có vi phạm trong cấp giấy đi đường
Qua xác minh, Công an thành phố xác định không có trường hợp vi phạm trong việc cấp giấy đi đường. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an Thành phố cấp giấy đi đường cho các cơ quan chức năng về cấp cho các cá nhân trực thuộc. Công an thành phố xác định, những trường hợp trên thuộc diện được cấp giấy đi đường nhưng sau đó mới bị nhiễm COVID-19.
Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý, có độ trễ trong cập nhật thông tin. Từ lúc lấy mẫu xét nghiệm đến lúc có kết quả RT-PCR và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thời gian từ 1-3 ngày, đôi khi là 5 ngày. Khi quét mã QR mới biết trong lúc chưa có kết quả xét nghiệm những người này có lưu thông trên đường. Những người lưu thông không biết bản thân mình bị nhiễm bệnh; có người sau khi biết kết quả dương tính với SARS-CoV-2, đã được cơ quan y tế yêu cầu di chuyển tới nơi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nên di chuyển trên đường...
Công an thành phố khẳng định, không có chuyện biết người đó là F0 mà vẫn cấp giấy đi đường. Nếu có trường hợp cố tình cấp giấy cho người F0 hoặc người biết mình là F0 mà cố tình lưu thông thì sẽ bị xử lý rất nghiêm, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hiện nay tại các chốt kiểm soát kiểm tra cả mã QR và giấy đi đường vì việc cập nhật thông tin danh sách được cấp giấy đi đường còn có độ trễ, chưa được đầy đủ. Nếu quét mã còn thiếu thông tin thì cán bộ sẽ kiểm tra cả giấy đi đường, đảm bảo chặt chẽ nhất.
Về việc gần đây có hiện tượng tụ tập đông người để... mua bánh trung thu, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết đã tăng cường các phòng nghiệp vụ xuống cơ sở đảm nhiệm các chốt kiểm soát, tuần tra, tăng cường mật độ cán bộ chiến sỹ phụ trách địa bàn để kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch tại cơ sở. Nếu nơi nào xảy ra vi phạm thì cán bộ chiến sỹ phụ trách nơi đó sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết thêm, vì nhu cầu mua bánh trung thu tăng, cùng với việc thành phố đã cho mở lại các cơ sở làm bánh, cho các shipper được "ship hàng" liên quận... thì việc đông người tới mua là bình thường. Quan trọng là các cơ sở bán cần tổ chức trật tự, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; chính quyền địa phương cần hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng tụ tập vi phạm quy định.
Quá tải xét nghiệm COVID-19 cho shipper
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngày 17/9 (ngày bắt đầu cho phép shipper được động liên quận) có hơn 24.000 ngàn shipper hoạt động, "tải" hơn 543.000 đơn hàng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước. Ngày 19/9 số lượng shipper đăng ký hoạt động là hơn 82.000. Sở Công thương cũng đã đề nghị Sở Y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm. Sở Công thương đăng ký số lượng hoạt động khoảng 90.000 shipper.
Còn theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, thực hiện Công văn số 2800 của UBND Thành phố, Sở Y tế đã có chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế lưu động xét nghiệm cho các shipper. Từ 31/8 đến 6/9, các trung tâm đã xét nghiệm cho khoảng 20.000 shipper. Nhưng hiện nay có tới khoảng 90.000 đăng ký hoạt động khiến công tác xét nghiệm bị quá tải.
Bà Mai nhấn mạnh, nhiệm vụ chính của các trạm y tế lưu động là chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ xét nghiệm và tiêm chủng cộng đồng. Việc thêm công tác xét nghiệm cho shipper (kéo dài tới 30/9), số lượng shipper tăng gần 5 lần nên khiến tất cả bị lúng túng.
Bà Mai cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế các quận, huyện cố gắng hỗ trợ. Sở Y tế đề nghị Sở Công thương nhắc nhở các shipper nắm kỹ thời gian xét nghiệm là từ 5 giờ đến 6 giờ hàng ngày; không đi vào các thời gian khác, ảnh hưởng đến công tác chính của các trạm y tế lưu động.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi; 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 18/9 đã có 2.637 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay là 169.201 người) và có 182 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay là 13.281 người). Hiện thành phố đã tiêm được 8.735.784 mũi vaccine phòng COVID-19.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Y tế bổ sung thêm thông tin số người nhập viện mới hàng ngày trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố để có cơ sở so sánh, đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch thời gian qua.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất