Hai bộ phim đầu tiên của VOV lên sóng đúng dịp Tết Kỷ Hợi 2019

25/01/2019 20:30 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Hai bộ phim đầu tiên do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) liên kết sản xuất mang tên Bến bờ yêu thương và Vương tơ sẽ lên sóng đúng dịp Tết Kỷ Hợi 2019 trên Kênh Truyền hình Văn hóa Du lịch (Vietnam Journey). Đây là thông tin được Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ công bố tại cuộc họp báo diễn ra chiều 25/1, tại Hà Nội. 

Trấn Thành đóng phim Tết 'Trạng Quỳnh': 'Tôi muốn chứng minh không ăn may'

Trấn Thành đóng phim Tết 'Trạng Quỳnh': 'Tôi muốn chứng minh không ăn may'

Khởi chiếu Mùng 1 Tết Nguyên Đán, "Trạng Quỳnh" của đạo diễn Đức Thịnh thu hút sự quan tâm của khán giả vì sự tham gia của “cây hài” Trấn Thành trong một vai khá ngu ngơ.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: Kênh truyền hình VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời hơn 10 năm qua nay chuyển thành Kênh Truyền hình Văn hóa Du lịch (Vietnam Journey). Gần đây, Đài đã tiếp nhận hệ thống Kênh truyền hình kỹ thuật số VTC từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, riêng mảng truyền hình, Đài có 16/28 kênh. Bấy lâu nay, phim phát trên các kênh truyền hình của Đài thường được mua bản quyền hoặc liên kết trao đổi.

Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm này sẽ không duy trì được. Bởi vậy, Đài quyết định hợp tác với các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi, liên kết với một số đơn vị có uy tín sản xuất phim như Hãng Phim truyện Việt Nam để làm phim, chiếu trên sóng của Đài. Hiện, Đài có đủ các cơ sở, nền tảng để tiến hành sản xuất phim điện ảnh cũng như phim truyền hình. Hai bộ phim đầu tiên này là hai "viên gạch" rất nhỏ, đặt nền móng cho mảng phim truyền hình và phim truyện điện ảnh mà Đài đang hướng đến sản xuất trong tương lai.

Chú thích ảnh
Lễ ra mắt 2 bộ phim "Vương tơ" và "Bến bờ yêu thương"   Ảnh: VOV

Hai bộ phim Bến bờ yêu thương và Vương tơ sẽ lên sóng lúc 12 giờ và 19 giờ từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết Kỷ Hợi (tức là từ ngày 5-9/2/2019); phát lại lần 1, lần 2 vào một số khung giờ khác từ ngày mùng 1 đến mùng 6 Tết.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người biên tập của cả hai bộ phim cho biết: Hai bộ phim lấy bối cảnh ở hai đầu đất nước, một bộ phim thể hiện nét văn hóa cổ của đất Bắc được làm theo hướng chính luận; bộ phim còn lại thể hiện lối sống hiện đại của phương Nam với tính giải trí cao.

Mỗi phim có 5 tập, mỗi tập 45 phút, tập trung thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, cách thức bảo tồn, phát huy truyền thống gia đình, làng nghề, tình yêu thương con người trong bối cảnh xã hội nhiều biến đổi. Chủ đề và nội dung của hai bộ phim rất hợp với không khí Tết. Với lời thoại dí dỏm, tiếng cười nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa thông điệp sâu sắc, ê kíp làm phim hy vọng hai bộ phim sẽ được khán giả chào đón, trở thành món ăn tinh thần ý nghĩa trong ngày Tết.

Bộ phim Vương tơ kể câu chuyện tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) - một làng nghề đã hình thành, tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Sau nhiều thăng trầm, lụa Vạn Phúc vẫn là niềm tự hào của ngành dệt thủ công truyền thống Việt Nam với những sản phẩm “độc nhất vô nhị” về mẫu mã, chất lượng. Tuy nhiên ngày nay, người làng nghề phải đối mặt trước những thay đổi lớn của thị trường với nhu cầu đa dạng của khách hàng, cải tiến công nghệ…, đặc biệt là khâu maketing, quảng bá sản phẩm, đây là điều mà những nghệ nhân suốt đời cặm cụi bên thoi dệt không quen làm.

Đã qua rồi thời kỳ “hữu xạ tự nhiên hương”. Người làng nghề muốn hòa nhập cùng dòng chảy phát triển của đất nước buộc phải nhìn nhận lại cách tiếp cận thị trường, cách quảng bá sản phẩm. Từ đó, những cá nhân với năng lực đặc biệt này đã xuất hiện, làm thay đổi cách làm, cách nghĩ của một làng nghề, nhưng cũng làm xô lệch nhiều giá trị truyền thống. Bước phát triển mới mẻ khiến làng nghề như trải qua “cơn sốt vỡ da” với nhiều cú sốc dở khóc, dở cười. Nhưng vượt lên tất cả, làng nghề vẫn đứng vững nhờ vào tình yêu với lụa truyền thống và văn hóa dân tộc đã được chắt lọc qua ngàn năm. 

Câu chuyện của phim Bến bờ yêu thương bắt đầu từ đời sống hiện đại với những lo toan, đeo đuổi mục đích riêng của mỗi người trong gia đình ông bà Cẩn. Để bắt kịp sự thay đổi của xã hội, các thành viên trong gia đình đều lao vào công cuộc kiếm tiền. Với nhiều người trẻ, Tết không còn vui mà trở nên nặng nề bởi con trẻ nghỉ học, giúp việc về quê, những mối quan hệ với họ hàng phải chăm sóc trong khi họ lại muốn đi du lịch nước ngoài, tụ tập bạn bè ăn uống, bàn chuyện làm ăn... Một số đi cúng lễ cầu tài, cầu may cho năm mới đến. Chính từ những quan niệm có phần ích kỷ ấy đã khiến cho Tết mất đi ý nghĩa thiêng liêng...

Bến bờ yêu thương truyền đi thông điệp Tết là sum họp, đoàn viên, để con cháu chúc thọ ông bà cha mẹ, đồng thời nhắc nhở các thành viên trong mỗi gia đình hướng về cội nguồn, quý trọng truyền thống, nếp nhà...

TTXVN/Mỹ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm