Hà Quang Minh tìm gương... 'soi' mình

08/02/2015 13:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tập tản văn Thư gửi chính mình (NXB Trẻ, quý 1/2015) của Hà Quang Minh có đầy đủ chất li kỳ, giai thoại cùng tính hướng ngoại, phô trương… để đọc nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhưng trên hết, tác giả đã chạm đến điều tưởng chừng bình thường của người cầm bút, nhưng không phải hiện nay ai cũng từng làm: đối diện chính mình. Chỉ từ cột mốc này, ngòi bút mới bắt đầu chạm đến sự chân thật, để từ đó ươm mầm những trang viết thực thụ.

Sách dày hơn 260 được Hà Quang Minh viết trong khoảng 10 ngày, sau nhiều đêm trằn trọc với câu hỏi tự vấn: Mình đã viết gì cho mình? Dù trong lời giới thiệu Hà Quang Minh chỉ tự nhận mình là “người chép thuê những lá thư”.


Hà Quang Minh làm thơ, viết báo và viết ca khúc

Giấc mơ phiêu lãng

Cuộc thư từ miên man, nhiều khi rất riêng tư giữa Thầy Cả và Sứ Giả Bình Minh (hay là cậu và tớ) trong Thư gửi chính mình thực chất là cách mà Hà Quang Minh dựng lên một tấm gương để soi mình vào đó. Khi đối diện chính mình, có vô số điều sẽ trở nên hối tiếc, vì mơ ước mà chưa thực hiện được, nhưng cũng có vô số điều đã tự mình vượt qua, vì nhìn thấy hoặc nói ra đã là hiện thực rồi.

Tách suy tưởng của mình thành những câu chuyện “đối đãi nhị nguyên” là cách mà bất kì người cầm bút có ý thức nào đều phải chạm đến để từ đó “xốc lại” chính mình. Hà Quang Minh đã in 4 tập thơ thời niên thiếu; vài tập sách, hàng trăm bài báo, hàng chục ca khúc thời trưởng thành; rồi gần đây vào ra trong giới showbiz nhiều thị phi…; nay viết thư gửi chính mình, hẳn không phải là điều ngẫu nhiên tìm đến. Dường như Hà Quang Minh đang đứng ở ngưỡng cửa “bây giờ riêng đối diện tôi” (thơ Bùi Giáng), hoặc sẽ y như cũ, hoặc phải thay đổi.

Trong Thư gửi chính mình, ngưỡng cửa đó, mới nhìn cứ tưởng như vu vơ, vụn vặt, nhưng ẩn đằng sau là khát khao vượt thoát, là cuộc dong buồm, có khi vì tổ quốc, vì tự do, vì những mộng tưởng đầy thi vị. “Dong buồm lên, đừng cân nhắc chi thêm. Lời giã từ với vợ con, hãy nói thật êm đềm”, (trang 242). Rõ ràng người ở nhà (Thầy Cả) đang ngóng người ra đi (Sứ Giả Bình Minh) - và có khi ngược lại - với một tâm trạng khát khao được đi cùng, để được phiêu lãng, xả thân như mong muốn. Người ở nhà vừa muốn an phận, lại vừa ghen tị, bởi ở nhà hoài sẽ có nguy cơ “khai tử” chính mình.

Nhưng cũng có đôi khi: “Hãy tiếp tục là Thầy Cả của gia đình. Hãy vững tin mọi sự, dù có qua biến cố nào, cũng phải trở về với điểm quân bình”, (trang 157). Từ sự mâu thuẫn này độc giả có thể nhận ra cho mình sự hòa giải lý thú, bởi trong vô vàn những thuộc tính làm người, mâu thuẫn giữa nội tâm và ngoại giới là chất xúc tác thường gặp.


Thư của người lười

“Tôi lười biếng; tôi ham chơi; tôi thiếu kiên định; tôi không đủ cần mẫn và say mê đến mức đắm chìm vào một việc gì đó lâu quá hơn chục ngày. Nói chung, tôi là một thằng vô kỷ luật nhưng ham muốn thì quá lớn và quá nhiều”, Hà Quang Minh viết trong lời tựa.

Vì lười biếng nên viết quá nhanh, và cũng vì muốn “tải nhiều đạo”, nên Thư gửi chính mình có được ưu điểm của sự cuộn chảy, nhiều thông tin, ngập tràn cám xúc. Bên cạnh đó là chất thơ, chất nhạc được vận dụng tài tình, nên câu chữ có độ bay bổng, đôi khi hơi khách sáo, trau chuốt, đúng tinh thần của những lá thư tình.

Thế nhưng, cũng do viết quá nhanh mà sách gặp phải một số thách thức. Đầu tiên là tác giả không đủ độ lùi để chắt lọc câu chữ và ý tứ nên có nhiều lặp lại; rất nhiều đoạn văn chỉ có thông tin bề mặt, mà chưa đạt đến nghĩa chiều sâu. Kế đến là do chủ đích nói với mình, nên hơi tham các chi tiết vụn vặt, mang thói quen riêng tư, kể ra quá nhiều địa điểm nổi tiếng…, làm cho sách hơi mờ về trục nội tâm chính. Nếu có nhiều thời gian hơn để lọc bỏ bớt các chi tiết mang tính phô trương này thì Thư gửi chính mình càng đến gần với chủ đích người viết nhiều hơn.

 Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm