“Quên” tái định cư cho dân

24/11/2009 08:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tháng 1/2009, báo TT&VH đã có bài “Còn sót một mùa len trâu”, nói về khu vực chăn nuôi trâu “đắc địa” nhất miền Nam cùng cuộc sống yên bình của hòn đảo có tên là đảo Nhím, nằm trong lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Còn đến thời điểm hiện tại những đàn trâu đang được người dân bán dần để chuẩn bị đối phó với cuộc sống không đất sản xuất tại nơi ở mới, sau khi mỗi hộ chỉ nhận được mức hỗ trợ ít ỏi cho phần đất mà họ sinh sống ổn định từ những năm 1980 đến nay.

Khai phá đất hoang, hình thành ấp đảo

Những năm 1980, chủ trương kinh tế mới của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều người dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con đã tìm đến khai hoang một phần diện tích đất ven suối Nhím, thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu, để canh tác hoa màu, phục vụ cuộc sống. Sau năm 1985, khi hồ Dầu Tiếng hình thành, các hộ dân này, đã di dời lên vùng đất cao không bị ngập nước, để tiếp tục canh tác và dựng nhà ở ổn định, hình thành nên ấp suối Nhím rộng 340ha, thuộc địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Những người dân đảo Nhím đang lo lắng về cuộc sống khó khăn nếu không có đất sản xuất


Những năm 1987-1989, thực hiện dự án trồng dừa của UBND huyện Dương Minh Châu, Ban Giám đốc lâm trường Dương Minh Châu đã ký hợp đồng trồng dừa với các hộ dân trên đảo suối Nhím. Sau một thời gian triển khai, vì không hiệu quả nên việc trồng dừa này đã tạm dừng. Hiện những cây dừa ngày trước vẫn còn mọc trên đảo như một chứng cho việc người dân đã canh tác ổn định tại đảo Nhím trước khi dự án di dời được phê duyệt. Riêng phần đất bán ngập ven đảo, nhiều hộ dân sau khi nộp thuế nông nghiệp vào năm 1993 đã được UBND xã Suối Đá cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tên gọi là “Quyền sử dụng quỹ đất tận dụng”.

Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và báo chí, các hộ dân đảo suối Nhím cho rằng: Để có được những mảnh vườn bằng phẳng như hiện nay, hàng chục năm qua, họ đã bỏ bao công sức để cải tạo đất. Nhờ có đất sản xuất nên mọi người đã dần thoát khỏi cảnh nghèo đói,  đã có 2 thế hệ được sinh ra và lớn lên trên hòn đảo này. Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng trường học cho con em các hộ dân trên đảo.

Là người dân, họ luôn chấp hành đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng cách thực hiện dự án di dời nặng tính hành chính, không tính đến lợi ích của người dân mà huyện Dương Minh Châu đã và đang thực hiện sẽ đẩy người dân vào cảnh “người cày không có ruộng”. Bà con biết rằng dự án nào cũng cần đảm bảo đời sống người dân bị thu hồi đất, theo hướng nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Những cây dừa ngày trước vẫn còn mọc trên đảo như một chứng cho việc người dân đã canh tác ổn định trước khi dự án di dời được phê duyệt


Nhưng thực tế, bà con đang có cuộc sống tốt ở đảo Nhím nhưng điều kiện khu tái định cư mà huyện Dương Minh Châu bố trí cho người dân có cơ sở hạ tầng không hoàn chỉnh, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa to. Trong khi đó, là nông dân mà không có đất sản xuất thì lấy gì đảm bảo cuộc sống, đảm bảo học hành cho con em của mình? Nếu như bố trí được đất sản xuất thì UBND huyện Dương Minh Châu cần có kiến nghị tăng mức đền bù đất cho người dân để có thể mua đất tại khu vực khác để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thu hồi đất nhưng “quên” cấp đất

Để bảo đảm môi trường nước lòng hồ Dầu Tiếng, năm 2002, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt dự án di dời các hộ dân sống trên các đảo trong lòng hồ, trong đó có đảo suối Nhím.

Tuy nhiên, những bất cập trong chính sách đền bù giải tỏa, thu hồi đất và tái định cư của dự án này đã dẫn đến tình trạng hàng chục hộ dân hiện đang sinh sống trên đảo, không đồng ý giao đất và tiếp tục khiếu nại. Thay vì nhận được đất sản xuất cùng các khoản hỗ trợ đền bù tương xứng với giá trị đất được quy định trong các văn bản của UBND tỉnh Tây Ninh, thì họ lại được UBND huyện Dương Minh Châu thông báo sẽ cưỡng chế nếu không chịu di dời ngay, sau khi quyết định bác đơn khiếu nại được tống đạt đến người dân.

Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tháng 12/2006, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã có buổi tiếp xúc và lắng nghe những phản ánh của các hộ dân về những bất cập trong quá trình thực hiện dự án di dời các hộ dân sống trên đảo Nhím.

Ngôi trường được xây dựng giành cho cho con em các hộ dân trên đảo nay đang bỏ hoang


Mỗi hộ dân thuộc diện di dời khỏi đảo Nhím được nhận 1.000 m2 đất để làm nhà ở, không được giao đất sản xuất, và họ chỉ nhận được bồi thường về hoa màu và hỗ trợ công khai phá 5 triệu đồng/ha đất gò và 2 triệu đồng/ha đất bán ngập; không được đền bù về giá trị sử dụng đất.

Tại buổi tiếp xúc này, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã hứa sẽ xem xét lại hoàn cảnh của từng hộ dân đảo suối Nhím để hỗ trợ giúp bà con ổn định đời sống nơi ở mới. Cụ thể, các cơ quan chức năng tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư Đồng Kèn, có đường giao thông, điện, nước, trạm xá, trường học hoàn chỉnh; đồng thời tổ chức điều tra đời sống từng hộ, tìm quỹ đất sản xuất cấp cho người dân và lập dự án hỗ trợ vốn sản xuất, đào tạo nghề... nhằm tạo điều kiện tối đa để ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân thuộc diện di dời.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, những nội dung này vẫn chưa được các cơ quan chức năng Tây Ninh thực hiện. Điều duy nhất mà bà con nhận được là quyết định bác đơn khiếu nại của UBND huyện Dương Minh Châu, với lý do khiếu nại không có cơ sở giải quyết, dù rằng yêu cầu của những người nông dân này chỉ đơn giản là họ cần có đất để sản xuất để bảo đảm cuộc sống hàng ngày.

Thực tế thì việc cấp đất sản xuất cho các hộ dân thuộc diện di dời đã  được xác định rõ tại Quyết định phê duyệt dự án số 526/QĐ-CT do ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký ngày 17/5/2002. Vậy lúc nào những hộ dân đảo Nhím mới có thể an cư lạc nghiệp với phần đất sản xuất sẽ được cấp - câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh.

Giáng Thăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm