Cha con “tung hoành” trên chiếu chèo

22/01/2010 14:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhiều người nói vui rằng Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc vào cuối năm 2008 vừa qua là sân chơi riêng của “bố con ông Ngôn”. Trong 19 vở diễn dự thi, có tới 7 kịch bản được viết bởi cặp cha con này. Và khác với cha mình - tác giả Trần Đình Ngôn, đây là lần đầu tiên Trần Đình Văn dự Hội diễn với vai trò tác giả “chính thức”...

Gọi là chính thức, bởi tại Hội diễn 1995, Trần Đình Văn đã từng tham gia trong tư cách người chuyển thể, tức là chuyển soạn kịch bản từ kịch nói sang thể loại chèo. Còn lần này, ngoài việc chuyển soạn kịch bản Đợi đến mùa Xuân (tác giả Xuân Trình) sang sân khấu chèo cho đoàn Hà Nam, Văn còn là tác giả của Cờ thiêng trên núi võ (đoàn chèo Thái Nguyên dàn dựng).

Người trong làng chèo đã thống kê và công nhận: ở độ tuổi 35, Văn là tác giả trẻ nhất. Dưới anh, hoàn toàn không có một cây viết trẻ nào thật sự được biết tên. Trên Văn, 2 tác giả “trẻ... thứ nhì” là Lương Tử Đức và Nguyễn Chiến Thạc đều đã ở độ tuổi 60 rồi.

Tôi là cầu thủ U23 phải đá giải Quốc gia

* Có thể coi rằng việc xuất hiện “chính thức” ở Hội diễn là một cột mốc đối với nghề viết chèo?

- Tôi làm việc với 2 đoàn chèo và sau Hội diễn nhận được thêm 2 lời mời cộng tác nữa. Thực tế, đó là một tín hiệu tích cực.

Nhưng công tâm, nếu không có quy chế của BTC (mỗi tác giả chỉ được tham gia tối đa 3 kịch bản), tôi chưa thể có những cơ hội này. Bạn biết đấy, dự Hội diễn, đoàn chèo nào chẳng muốn “kéo” được những kịch bản của những cây đa cây đề như Hà Văn Cầu, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn. Thậm chí, lời mời đến với tôi cũng không hề dễ dàng ...

* Anh có thể nói cụ thể hơn?

- Cơ hội của tôi là do người khác giới thiệu. “Người khác” ở đây chính là cha tôi - tác giả Trần Đình Ngôn. Và lời giới thiệu này không đơn giản theo kiểu “cậu này viết được đấy, tin tôi đi”. Gần như, đó còn là một lời bảo lãnh. Nghĩa là ngầm hiểu với nhau rằng nếu kịch bản của tôi dở, người giới thiệu sẽ phải có trách nhiệm nhúng bút vào.

Nhiều người vẫn hỏi: Tại sao tác giả viết chèo bây giờ thưa vắng như thế? Kể chuyện ấy, tôi chỉ muốn nói: Quá trình trưởng thành của một tác giả viết chèo rất dài và gian nan. Và khi hội đủ mọi yếu tố về năng lực thì mọi chuyện lại còn phụ thuộc vào vận may nữa. Không gặp cơ hội tốt, chặng đường ấy sẽ còn dài mãi...

* Nhưng ở độ tuổi 35, trong cảnh “một mình một chiếu”, anh có tin rằng tới đây cơ hội sẽ đến với mình nhiều hơn?

- Có thể, dù đó cũng là áp lực. Nếu có những người cùng trang lứa, áp lực đặt tôi sẽ đúng mức hơn. Còn ở cảnh “một mình một chiếu”, người ta sẽ đòi hỏi ở tôi những thứ lẽ ra phải đặt ra chung cho cả một lớp viết trẻ. Nôm na, giống như chuyện đang đá ở sân U23 mà người ta lại đem thước đo của tuyển thủ quốc gia để đo mình (cười).

Căn bệnh “con ông lớn”

* Phải chăng, cha anh đã hướng anh theo nghiệp viết chèo?

- Không, cha tôi có suy nghĩ khá hiện đại, bởi vậy tôi được toàn quyền lựa chọn nghề nghiệp. Ông chỉ nói đại ý: mày thấy có năng khiếu về nghề gì thì theo. Khi thi đại học, tôi đỗ cả 2 trường SKĐA (khoa Biên kịch Kịch hát dân tộc) và Tổng hợp Văn. Tôi nói với cha: một nhà nghiên cứu văn học thì có thể lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở không hết. Nhưng nếu theo nghề chèo, con hi vọng sau này mình sẽ trở thành một trong những người đứng ở tốp đầu. (Cười).
 
* Vậy, tự nhìn lại 12 năm kể từ khi ra trường, anh làm nghề như thế nào?

- Chắc bạn hiểu, để sống bằng nghề viết chèo theo đúng nghĩa là vô cùng khó. Đơn cử, nếu sức viết trung bình của một tác giả lâu năm là 4 kịch bản/năm thì tác giả trẻ chỉ được một nửa. Nếu nhuận bút của một tác giả có thương hiệu là 20- 30 triệu/kịch bản thì tác giả trẻ chỉ được chừng 15 triệu thôi. Mà vào nghề trong vài chục năm đầu, để được các đoàn dàn dựng thì vô cùng khó.
 
Bản thân tôi cũng mới chỉ có lác đác vài kịch bản được dựng kể từ khi vào nghề. Muốn sống được, tôi phải làm nhiều nghề khác. Viết kịch bản quảng cáo, tiểu phẩm, kịch bản điện ảnh. Rồi tự viết, tự dàn dựng theo kiểu từ A- Z cho các tiết mục sân khấu không chuyên. Gần đây thì tôi làm thêm phần biên tập sách cho một công ty xuất bản.

* Khi ấy, anh có hình dung được hết những khó khăn sẽ đến với nghề viết chèo không, nhất là cảnh chợ chiều của sân khấu chèo như thế này?

- Có. Chẳng phải đâu xa, tôi hiểu điều ấy ngay từ cuộc đời của cha mình. Nói công bằng, tới tuổi 50, cha tôi mới thật sự được sân khấu chèo tiếp nhận trong vai trò tác giả. Trước đó là một quãng đường dài và lận đận vô cùng...

Thậm chí, khi lấy vợ, tôi cũng hỏi bà xã bây giờ: Đấy, công việc của anh là thế, và tương lai sẽ còn khó khăn nữa. Em có đồng ý thì hẵng gắn bó với nhau..

* Là con của tác giả Trần Đình Ngôn, đó có phải là khó khăn với anh khi làm nghề?

- Khi dạy tôi ở trường SKĐA, thầy Hùng (đạo diễn Lê Hùng - TT&VH) có bảo: Chúng mày mang bi kịch của những thằng con ông lớn. Chúng mày giống những nhánh cây con mọc dưới bóng một cây to, không cớm nắng mà chết là may rồi. Thôi, lớn được chừng nào hay chừng ấy.

Thật lòng, từ khi cầm bút, tôi đã được chuẩn bị tâm lý cho những chuyện ấy rồi. Bài học đầu tiên là việc vượt qua tự ái cá nhân để tiêu hóa những câu hỏi theo kiểu “đã chắc là cậu ấy viết chưa?” Nghề viết vốn khắc nghiệt. Là con một tác giả viết chèo đã thành danh, sự khắc nghiệt ấy sẽ được nhân lên...

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm