Hà Nội ngăn chặn Adenovirus bùng phát

27/09/2022 18:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Những ngày gần đây, số trẻ mắc Adenovirus tăng đột biến trên địa bàn Hà Nội khiến nhiều bệnh viện của Hà Nội và tuyến Trung ương quá tải do gia tăng các ca nhập viện vì Adenovirus, viêm phổi, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, cúm…

Gia tăng ca nhiễm Adenovirus: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh

Gia tăng ca nhiễm Adenovirus: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh

Tính từ đầu năm đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 412, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó có 6 ca bệnh tử vong.

Đáng lưu ý, 80% ca mắc Adenovirus (hơn 1.000 ca) ghi nhận ở Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh nhi của các quận, huyện Hà Nội.

Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Tuy nhiên, bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật, nếu mắc thêm Adenovirus có nguy cơ tử vong cao. Adenovirus là các virus DNA được phân loại theo 3 chất kháng nguyên vỏ protein chính (hexon, penton và sợi). Có 7 loài Adenovirus ở người (từ A đến G) và 57 tuýp huyết thanh. Các tuýp huyết thanh khác nhau liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau.

Nhóm Adenovirus thường gây bệnh bằng cách tiếp xúc với các chất tiết từ người bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với một đồ vật bị nhiễm bẩn.

 Ngăn chặn Adenovirus bùng phát, Dich Adenovirus
Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời

Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm màng não…

Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị các bệnh viện bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp không nằm chung với các bệnh khác; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn….

Để ngăn ngừa dịch bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus. Theo đó, các đơn vị thực hiện tốt công tác phân luồng; nếu phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh phải xử lý quyết liệt.

Đối với các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến Trung ương đảm bảo an toàn người bệnh.

Các đơn vị tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do Adenovirus để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm. Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành Nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus cho các đơn vị trong ngành. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế.

 Ngăn chặn Adenovirus bùng phát, Dich Adenovirus
Bệnh viện Nhi Trung ương có số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc Adenovirus chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội

Theo các chuyên gia y tế, Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi).

Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Do đó, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp X - Quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Tuyết Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm