Địa đạo Nam Hồng, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia được hình thành từ kháng chiến chống Pháp nhưng dường như bị lãng quên. Qua quan sát, cũng có thể thấy di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân sự khá đặc sắc này đang xuống cấp và mai một nhanh chóng theo thời gian.
* Công trình của nghệ thuật đánh giặc
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Nam Hồng là nơi thường xuyên hứng chịu những đợt càn quét của địch, theo chiến thuật Vết dầu loang. Với 250 lần địch càn vào làng; 461 người chết, trên 346 tấn thóc bị cướp và đốt; 2.047 ngôi nhà bị cướp và cháy…cả làng ngày ấy chỉ toàn cảnh đổ nát, một màu đen của tro tàn. Cũng chính từ tội ác man rợ của giặc, phong trào chống Pháp của du kích và nhân dân xã Nam Hồng phát triển mạnh, rào làng đắp lũy, đào hầm chiến đấu, hầm bí mật, hố chông, cạm bẫy…
Bia địa đạo ngoài cổng nhà dân. Ảnh Internet
Ban đầu, khi giặc Pháp chiếm đóng ở Nam Hồng, du kích và nhân dân trong làng mới biết đào hầm tránh giặc và hệ thống các đường hào để tránh máy bay, đạn cối. Khi làng có nhiều hầm, người ta mới đào thông các hầm với nhau tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới đất, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo bí mật. Hầm nằm sâu dưới mặt đất hơn 1 mét để bom nổ bên trên cũng không sập được; chiều cao hầm từ 60 – 80 cm, rộng khoảng 50 cm. Nắp xuống địa đào được đào bí mật dưới gầm giường, bờ ao, bờ lũy. Cụ Phạm Thị Lai, 75 tuổi hiện ở thôn Vệ và cũng là một du kích năm xưa kể rằng: “Việc đào hầm rất khó khăn vì phải đào thủ công, sau đó phải bỏ đất giấu trong bao tải mang ra ao hoặc sông đổ để địch khỏi phát hiện”. Việc xác định phương hướng khi đào thông hầm cũng nan giải, phải gõ vào lòng đất để xác định phương hướng xem có lạc nhau không.
Đến cuối năm 1947 đầu năm 1948, hệ thống địa đạo Nam Hồng dần được cơ bản hoàn thành, gồm 1 trục chính và các nhánh phụ chạy từ đầu làng đến cuối làng, nối liền từ nhà này sang nhà khác như một chiếc xương cá. Địa đạo này được đào ở làng Tằng My và làng Đông Đồ. Ngoài địa đạo, nhân dân và du kích Nam Hồng còn đào một hệ thống hào rộng bao quanh, lũy tre dày, ụ tác chiến.
Trong thời kỳ chống Pháp, địa đạo Nam Hồng che giấu được nhiều cán bộ xã, huyện nằm vùng; là nơi hoạt động bí mật của du kích và được coi là hệ thống địa đạo đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh của nước ta.
* Xót xa một di tích
Đưa chúng tôi đi thăm chứng tích cũ, anh Nguyễn Tiến Dương cán bộ văn hóa xã Nam Hồng cho biết: Hầu hết địa đạo đã mất do sự thay đổi của cuộc sống hiện tại, sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và cả ý thức của con người. Cả địa đạo dài khoảng 10 km giờ chỉ còn giữ được khoảng 200 mét, chạy qua lòng đất của các gia đình. Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo, hiện chỉ còn hai cửa hầm; trong đó, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc. Hai ngôi nhà làm cửa lên xuống địa đạo hiện vẫn giữ nguyên về hình dáng song đã sửa sang, tôn tạo lại để thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày. Cây mít phía sau nhà cụ Lai, nơi ghi dấu tội ác của giặc Pháp treo ngược hai du kích xã để cắt cổ vẫn nằm ảm đạm nơi đó với tấm bia đã mòn chưa được thay. Ngoài địa đạo, làng kháng chiến Nam Hồng cũng chỉ còn lại một ít dấu tích như một số đoạn hào, lũy chiến đấu, vọng gác, hòm thư bí mật… Nhưng ngay cả hào chiến đấu, lũy chiến đấu cũng đang bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên và nếu không được giới thiệu, cũng không thể hình dung ra nơi này đã ghi dấu một thời chiến đấu oai hùng chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Hồng.
Năm 1978, một đoạn địa đạo được tôn tạo để phục vụ diễn tập của Bộ Quốc phòng. Năm 2000, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), UBND thành phố Hà Nội đầu tư 1,2 tỷ đồng khôi phục 200 mét địa đạo, 100 mét giao thông hào, hầm bí mật, bàn chông, cạm bẫy, cổng làng, hộp thư… Tuy vậy, việc đầu tư chỉ mang tính khôi phục tượng trưng, chưa xứng tầm nên một số hạng mục do chưa hoàn thiện, chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp nghiêm trọng, bị ẩm thấp, đọng nước khi mưa to. Đặc biệt, các hạng mục chưa có hệ thống thoát nước, thông gió, hệ thống chiếu sáng… thậm chí đoạn địa đạo mới tôn tạo dài 200 mét cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Đoạn hào và lũy chiến đấu được tôn tạo mới, cùng một số hệ thống chông, hầm bí mật chưa đảm bảo về kỹ thuật và mỹ thuật… Hiện, địa đạo này mới chỉ do UBND xã Nam Hồng đảm trách, chưa có Ban quản lý, chưa có cơ chế rõ ràng nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Năm 2010, thành phố đầu tư trên 70 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường vào địa đạo và 200 triệu đồng đầu tư nâng cấp, khôi phục di tích giai đoạn 2. Theo đó, địa đạo Nam Hồng sẽ phục hồi gần 1 km, giải tỏa một số hộ gia đình nằm trên di tích để phục vụ công tác bảo tồn, phát triển du lịch và giáo dục truyền thống với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có một quyết định cuối cùng để đầu tư, tu bổ tiếp cho địa đạo Nam Hồng.
UBND xã Nam Hồng đã chủ trương quy hoạch khu vực bãi đỗ xe, khu vực tham quan, nhà đón khách…, lòng dân đã thuận và chỉ chờ sự quan tâm của các cơ quan cấp trên./.
Đinh Thị Thuận - TTXVN